Nhóm sinh viên “ẵm” giải Nhất SV - STARTUP 2019 làm việc “quên” thời gian

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tính mới, sáng tạo, dự án “Ứng dụng công nghệ 3D, chế tạo sản phẩm phục vụ y tế, giáo dục” của nhóm sinh viên (SV) Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội đã giành giải Nhất SV - STARTUP 2019. Để đạt được thành tích này, nhiều kỷ niệm vui buồn trong 2 năm hình thành sản phẩm khiến nhóm nhớ mãi.

Nhiều lần bị bảo vệ trường đuổi
Giành giải Nhất “Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh (HS), SV (SV - STARTUP 2019) với dự án “Ứng dụng công nghệ 3D, chế tạo sản phẩm phục vụ y tế, giáo dục”, nhóm SV trường ĐH Bách khoa Hà Nội không giấu được cảm xúc vui sướng.
 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An trao giải Nhất cho nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nguyễn Thành Quyết - nhóm trưởng dự án rất bất ngờ, như vỡ òa trong hạnh phúc khi MC đọc tên nhóm đạt giải Nhất cuộc thi. Những SV ĐH Bách khoa cảm thấy lo lắng khi đứng trước những sản phẩm được đầu tư, hiện đại của các nhóm khác.
Từ vòng Phản biện, nhóm chú ý quan sát để tìm ra điểm yếu của các nhóm khác, tuy nhiên, vào vòng Thuyết trình, các thành viên chỉ để ý tới sản phẩm của mình là làm sao thực hiện tốt nhất có thể.
“Dự án hướng tới làm chủ công nghệ 3D để thiết kế, chế tạo ra các mảnh vá khuyết xương, bộ phận thay thế phục vụ cấy ghép trong y tế có chất lượng và đặc tính cao hơn, ưu việt hơn để điều trị bệnh nhân tốt hơn. Lợi thế cạnh tranh chính là việc đi tiên phong trong lĩnh vực thiết kế, gia công chế tạo nhựa PEEK và PMMA y sinh ở Việt Nam; làm chủ hoàn toàn công nghệ và kỹ thuật” - nhóm trưởng Nguyễn Thành Quyết giới thiệu về dự án.
Nhóm trưởng Nguyễn Thành Quyết cho biết: Vào tháng 4/2017, ĐH Y Hà Nội đã nhờ sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội thiết kế sản phẩm cảnh báo cho bệnh nhân có hội chứng về xương. Nhận nhiệm vụ, 5 SV có chung niềm đam mê kỹ thuật của khoa Cơ khí đã thành lập nhóm gồm mình và 4 SV khác: Nguyễn Tùng, Hán Thị Thu Thảo, Bùi Đức Toàn, Ngô Văn Kiên.
Sau khi thành lập nhóm, tận dụng 1 laptop chung của khoa, cả nhóm bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu lên phương án thiết kế, chế tạo diện tích sinh học để phát triển dự án. Sau 4 nghiên cứu thành công, nhóm đã bắt đầu thiết kế mảnh vá khuyết xương, file chống cắt lớp CT của bệnh nhân.
Say mê nghiên cứu nhưng để đảm bảo chương trình học, ngoài thời gian học trên lớp, nhóm đã tập trung trên laptop để thực hiện công việc của mình với dự án. Còn những công đoạn nghiên cứu nào cần trao đổi trực tiếp, nhóm có hẹn lịch ngồi lại với nhau. Trước những đề xuất, nhóm thống nhất lấy ý kiến nào hay, phù hợp và sau đó sẽ xin sự góp ý của thầy cô. 
Khi được hỏi về kỷ niệm nhớ nhất, nam sinh kể lại: “Mình nhớ như in những lần bảo vệ lên phòng thí nghiệm và yêu cầu nhóm phải về. Theo quy định, phòng thí nghiệm của trường chỉ được mở đến 18 giờ, vì rất nhiều lần nhóm quên cả ăn tối, miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu, tháo ra, lắp lại sản phẩm nhiều lần. Làm việc ‘quên’ thời gian, vì vậy, khi bảo vệ đi kiểm tra và đã phát hiện nhóm vẫn làm việc nên đuổi về”.
Khó khăn là vậy, 5 SV ĐH Bách khoa vẫn cố gắng, càng không nản chí khi nhận được sự động viên giúp đỡ của thầy, cô trong trường, đặc biệt phải kể đến công sức của PGS. TS Nguyễn Văn - Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội và TS Nguyễn Thị Kim Cúc - Phòng Thí nghiệm Quang cơ điện tử.
Mong muốn của nhóm SV ĐH Bách khoa là sản phẩm được áp dụng nhiều vào thực tế.
Mong muốn áp dụng sản phẩm trong ngành y tế

Sản phẩm là sự hợp tác của trường ĐH Y Hà Nội (phụ trách cấy ghép) và trường ĐH Bách khoa Hà Nội (phụ trách thiết kế và gia công).
Sau 2 năm nghiên cứu, 5 thành viên mong muốn có thể đưa sản phẩm này ứng dụng vào bệnh viện, sản phẩm y tế, có thêm nhiều bệnh nhân sử dụng mạnh ghép này để giá thành, chi phí thấp. Để được như vậy, trước đó, nhóm mất nhiều thời gian khi sản phẩm được thử đi thử lại hàng trăm lần khác nhau.
Về kinh phí thực hiện dự án, một thành viên nhóm cho biết, đầu tư gần 40 triệu đồng về cơ sở vật chất, còn nếu tính từ công sức đến các khoản khác thì khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị giải thưởng chỉ là một phần giúp đỡ nhóm hướng tới mục tiêu cao hơn là đưa sản phẩm áp dụng vào thực tế.
Năm 2017, sản phẩm được thực hiện cho bệnh nhân đầu tiên 23 tuổi khi 2 phần sọ bị khiếm khuyết. Đến thời điểm hiện tại, nhóm đã đưa sản phẩm ứng dụng thành công cho 10 bệnh nhân tại Bệnh viện ĐH Y và Bệnh viện Việt Đức. Hiện tại, 5 SV đang làm sản phẩm dịch vụ và hy vọng 3 năm tới sẽ thu hồi được số vốn đầu tư cho sản phẩm.
Đánh giá về dự án, chuyên viên Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, SV, Bộ GD&ĐT và cũng là Thư ký tổ triển khai Đề án 1665 Bùi Tiến Dũng cho biết, với dự án của SV ĐH Bách khoa Hà Nội, ngay từ vòng đầu ban giám khảo là những chuyên gia công nghệ, kinh tế đã xem xét kỹ và đánh giá cao về hàm lượng khoa học công nghệ trong dự án, tính mới, tính sáng tạo.
Trải qua vòng đầu, nhóm đã điều chỉnh về mặt kinh doanh và khi vào vòng trong, dự án này vượt trội về tính khả thi, sáng tạo. SV thể hiện sự đồng đều, quyết tâm lớn, đây là lý do nhóm luôn dẫn đầu tại các vòng thi.
“Thời gian tới, dự án tiềm năng này cần xây dựng kế hoạch rõ ràng thì khả năng thương mại hóa sẽ cao như mong đợi vì hiện tại, phân khúc khách hàng của dự án chưa lớn” - ông Bùi Tiến Dũng nói rõ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần