Nhờn chỉ thị

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để chuẩn bị cho năm học mới, ngày 10/8/2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký ban hành Chỉ thị 2919/CT-BGDĐT về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018 - 2019.

Hơn một tháng sau, ngày 24/9, Bộ trưởng lại tiếp tục ký ban hành Chỉ thị 3798/CT-BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, Bộ giao các Sở quán triệt đến từng cán bộ, giáo viên, học sinh (HS) giữ gìn sách giáo khoa để sử dụng và sử dụng lại, đặc biệt là hướng dẫn HS không viết, vẽ vào sách giáo khoa.
Nếu xét về mặt tần suất, có thể nói Bộ trưởng Nhạ là một trong những người “chăm” ra chỉ thị nhất trong số các vị bộ trưởng đương nhiệm. Kể ra với một bộ phụ trách một lĩnh vực được coi là quốc sách, việc ra các văn bản chỉ đạo công việc là chuyện bình thường, thậm chí cần làm, nhưng vấn đề là chất lượng cũng như tính hiệu quả của các văn bản.

Một tờ báo mạng đã thống kê, kể từ ngày nhậm chức năm 2016, chỉ riêng về Nhiệm vụ năm học mới, Bộ trưởng Nhạ đã ký ban hành 3 chỉ thị cho các niên khóa 2016 - 2017, 2017 - 2018 và 2018 - 2019. Một thày giáo tâm huyết với ngành đã thử đối chiếu và nhận thấy: Các chỉ thị về nhiệm vụ năm học của 3 niên khóa na ná nhau, đều có 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp. Sự khác biệt chỉ là thay đổi một số đề mục về trật tự sắp xếp và thêm bớt một vài từ ở mỗi đề mục. Một câu hỏi đặt ra là như vậy liệu đã phù hợp với sự phát triển của ngành qua từng năm học, cũng như với những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho ngành trong tình hình mới? Trong khi đó những vấn nạn nhức nhối của giáo dục như gian lận thi cử, bệnh thành tích, lạm thu, độc quyền dẫn đến “khan hiếm” sách giáo khoa (SGK), đời sống giáo viên tiếp tục khó khăn… thì lại không được trực tiếp đề cập đến bằng những giải pháp cụ thể. Những vấn đề nêu trên, trong Chỉ thị ban hành ngày 10/8 chỉ đề cập đến trong khoảng trên dưới hai chục từ trong khoản đ, điểm 1, phần Các giải pháp cơ bản. Ngoài những điểm trùng lặp đó, những chỉ thị ấy còn giống nhau ở chỗ rất chung chung, không quan tâm đến việc giải quyết các vấn nạn của giáo dục hiện tại.

Trở lại những chỉ thị, thông tư… được ngành GD&ĐT liên tiếp ban hành trong khoảng một tháng đầu năm học này. Có lẽ bởi sự chung chung, thiếu cụ thể về nhiệm vụ năm học, mà vừa vào năm học mới đã nảy sinh tình trạng khan hiếm SGK đầu cấp, cộng đồng lại rộ lên vấn đề độc quyền loại sách này cũng như sự lãng phí hàng tỉ đồng vì sách không thể dùng lại. Để rồi ngày 24/9, Bộ trưởng Nhạ lại có thêm Chỉ thị về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các trường phổ thông. Tương tự, vì trong chỉ thị đầu năm học nạn lạm thu chỉ được đề cập một cách chung chung, mà ngay sau đó Bộ GD&ĐT lại phải có Thông tư 16 để chấn chỉnh sự lan tràn của căn bệnh kinh niên này.

Một thực tế là những năm gần đây, cùng với các chỉ thị về nhiệm vụ năm học, không năm nào ngành giáo dục không có các văn bản nhắc nhở, giao nhiệm vụ… về các vấn đề tồn tại của ngành, mà nổi cộm nhất là nạn lạm thu. Cùng các văn bản của Bộ, còn có các văn bản chỉ đạo của sở GD&ĐT các tỉnh, TP… Vậy mà nạn lạm thu cùng các vấn nạn khác như dạy thêm học thêm, gian lận thi cử… vẫn tồn tại với đủ biến tướng, trở thành gánh nặng cho nhiều phụ huynh có con đi học. Tình trạng đó phải chăng có một phần nguyên nhân từ cung cách ra văn bản, chỉ thị mà thiếu các biện pháp tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát một cách cụ thể, cương quyết, gây ra căn bệnh “nhờn chỉ thị”? Phải chăng là ở việc các văn bản chưa đề câp đến những vấn đề cấp thiết của ngành như trường hợp các Chỉ thị về nhiệm vụ năm học được ban hành liên tiếp, với hình thức, nội dung hầu như không đổi trong 3 năm học vừa rồi? Đó là chưa kể trong Chỉ thị ban hành ngày 24/9 vừa qua, có vẻ như Bộ GD&ĐT chưa thấy hết trách nhiệm của mình trong việc này khi yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh không viết, vẽ vào SGK. Nói vậy bởi theo ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thì khi biên soạn SGK hiện hành, ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống, các tác giả có đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi… để giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau trong kiểm tra, đánh giá theo xu thế chung của các nước phát triển.

Loại sách nêu trên rõ ràng là tạo điều kiện, nếu không nói là khuyến khích học sinh viết, vẽ vào sách khi làm bài tập. Và loại sách này vẫn đang được sử dụng trong năm học này. Vậy làm sao chỉ thị của Bộ trưởng có thể được thực hiện triệt để? Cũng chính vì thế mà những cuốn sách này không thể dùng lại. Nhiều ý kiến người dân cho rằng đó là tiểu xảo để bán sách. Liệu Bộ trưởng có biết điều này khi kí ban hành Chỉ thị nói trên?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần