“Nhờn” kiểm toán, ngân sách thất thu

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra và đề xuất xử lý nhiều sai phạm liên quan đến hoạt động của các đơn vị được kiểm toán, đồng thời kiến nghị tăng thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả việc thực hiện các kiến nghị của kiểm toán vẫn còn hạn chế, nhiều trường hợp không hợp tác cung cấp hồ sơ, thậm chí chống đối và có hành vi che giấu các vi phạm pháp luật.

 Doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế tại Chi cục thuế quận Tây Hồ. Ảnh: Thanh Hải
Bất hợp tác, cản trở kiểm toán
Thông tin từ KTNN, qua đối chiếu thuế 2.969 DN ngoài quốc doanh tại 43 địa phương, KTNN xác định nộp ngân sách Nhà nước tăng thêm 1.684,6 tỷ đồng. Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho rằng, việc trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, làm thất thu lớn ngân sách Nhà nước. Thời gian qua, KTNN đã phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các DN kể cả DN nước ngoài, như Unilever, Sabeco… truy thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng. Cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng tại Tổng cục Thuế và 19 tỉnh, TP, KTNN kiến nghị xử lý về số liệu liên quan đến việc thực hiện hoàn thuế chưa phù hợp quy định 1.396 tỷ đồng.
Năm 2017, số kiến nghị của kiểm toán là hơn 91.000 tỷ đồng thì số thực hiện là hơn 66.000 tỷ đồng, tức là khoảng hơn 73%. Một vài năm trước đó, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán khoảng 76 - 78%.
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc
Tuy nhiên, do nhận thức và áp dụng pháp luật của một bộ phận chưa thống nhất nên KTNN gặp không ít khó khăn, nhiều đơn vị được kiểm toán không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu cản trở việc kiểm toán. Thậm chí, có trường hợp còn có hành vi che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, ngân sách. Số liệu từ KTNN cho thấy, chỉ tính riêng năm 2017, đã có 121 trường hợp không cung cấp tài liệu dẫn tới các đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán được nội dung theo kế hoạch.

Ngoài ra, kết quả thực hiện các kết luận kiểm toán cũng khiêm tốn. Thực tế theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy, kết quả thực hiện còn thấp.

Thiếu chế tài xử lý, nhiều trường hợp chống đối

Tình trạng kể trên đã góp phần làm thất thu ngân sách Nhà nước. Nguyên nhân cơ bản theo lãnh đạo ngành kiểm toán là do thiếu các quy định về chế tài để xử lý các hành vi vi phạm. Việc chủ yếu áp dụng biện pháp nhắc nhở đã làm giảm hiệu lực hoạt động KTNN nói riêng và tính nghiêm minh của pháp luật nói chung. Vì thế, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc đề xuất, cần có chế tài đối với các hành vi không cung cấp thông tin, cản trở việc kiểm toán. Đặc biệt, Luật KTNN cũng cần bổ sung quyền xác minh để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Một số nước như Nga, Trung Quốc, Campuchia, Đức... đã trao quyền cho KTNN một số quyền nhất định trong đó có xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán. Hay như tại Hàn Quốc, Kiểm toán lại được trao quyền xác minh để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Việc này đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán nước này.

Đồng tình với quan điểm này, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn đánh giá, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN xảy ra khá nhiều và mang tính đặc thù cao nhưng hệ thống pháp luật về KTNN lại thiếu những quy định về chế tài. Hiện nay, có một số ý kiến đề xuất xây dựng ngay Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN trên cơ sở xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức phạt tiền tối đa. Tuy nhiên, theo ông, đề xuất này chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý. Việc này chỉ được thực hiện sau khi sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật KTNN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần