Nhu cầu năng lượng chịu cú sốc kép, giá dầu Brent tiếp tục giảm hơn 2%

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá “vàng đen” đi xuống trong phiên giao dịch ngày 23/3 do thị trường quan ngại về tác động của dịch Covid-19 đối với nhu cầu dầu mỏ.

Đà suy yếu của giá dầu tiếp tục kéo dài sang phiên giao dịch này trong bối cảnh các chính phủ gia tăng các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19 khiến nhu cầu năng lượng sụt mạnh và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Cụ thể, giá dầu Brent hạ 65 xu Mỹ, tương đương 2,4%, xuống 26,33 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ lai tăng nhẹ 29 xu Mỹ, tương đương 1,3%, lên mức 22,92 USD/thùng.
Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên 23/3.
Giá “vàng đen” đã giảm trong 4 tuần liên tiếp và đã mất tới 60% kể từ đầu năm nay.
Dịch Covid-19, khởi phát từ TP Vũ Hán của Trung Quốc hồi cuối tháng 12/2019, hiện đã lây nhiễm cho hơn 325.000 người và khiến hơn 14.000 trường hợp tử vong trên toàn thế giới, đã làm đình trệ hoạt động kinh doanh của các DN, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch và cuộc sống hàng ngày.
Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 có thể cũng phải hoãn lại do đại dịch Covid-19 trong khi Canada vừa tuyên bố sẽ không gửi vận động viên đến sự kiện thể thao dự kiến diễn ra vào mùa hè này tại Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo hôm 23/3 cho rằng việc hoãn tổ chức Olympic Tokyo 2020 "có thể là không tránh khỏi" nếu tình trạng bùng phát dịch Covid-19 khiến việc tổ chức không được an toàn. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản đề cập đến khả năng Olympic Tokyo 2020 không thể diễn ra theo đúng kế hoạch vào ngày 24/7 tới trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh trên toàn thế giới. Trước đó, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng cho biết sẽ lên kế hoạch cho các kịch bản khác nhau bao gồm cả việc trì hoãn sự kiện này.
Thị trường năng lượng hiện đang chịu “cú sốc kép”, bao gồm tác động tiêu cực từ sự lây lan virus SARS-CoV-2 và cuộc chiến giá dầu bất ngờ nổ ra giữa Nga và Ả Rập Saudi từ đầu tháng này.
Thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, sẽ hết hiệu lực từ ngày 31/3.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của OANDA nhận định: “Ngay cả khi giá dầu có thể phục hồi trong ngắn hạn, nhu cầu đối với mặt hàng năng lượng ngày càng suy yếu hơn do nhiều quốc gia thực hiện quy định đóng cửa các hoạt động kinh doanh không thiết yếu trong khi nguồn cung toàn cầu dồi dào”.
Khoảng gần một phần ba người Mỹ hiện đang được yêu cầu ở nhà để tránh nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi đó Thủ tướng New Zealand Jacinda Adern cho biết tất cả các dịch vụ và kinh doanh không thiết yếu sẽ phải dừng hoạt động.
“Nhu cầu dầu mỏ dự kiến ​​sẽ giảm hơn 10 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 10% lượng tiêu thụ dầu thô toàn cầu hàng ngày” - ông Giovanni Serio, phụ trách nghiên cứu thị trường hàng hóa tại Vitol - công ty kinh doanh dầu lớn nhất thế giới.
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo mức sụt giảm nhu cầu dầu toàn cầu có thể lên tới 8 triệu thùng/ngày, do các nước giảm hoạt động kinh tế để đối phó sự lây lan của dịch Covid-19.
Các nhà máy lọc dầu trên toàn thế giới đang cắt giảm sản lượng hoặc xem xét hạ công suất trong bối cảnh đại dịch khiến nhu cầu nhiên liệu sụt mạnh./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần