Như thế là phi đạo đức

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Đài truyền hình Việt Nam đưa tin: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại một lần nữa cảnh báo về tình trạng kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam.

Cần nói thêm rằng đây không phải là lần đầu tiên cảnh báo này được đưa ra và cũng không chỉ từ WHO!
Việt Nam được WHO xếp vào số những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Nguyên nhân hàng đầu của tình trạng đáng lo ngại trên là việc lạm dụng thuốc kháng sinh. Một thống kê cho thấy, từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh bán ra cộng đồng tăng gấp đôi. Có tới 88% số kháng sinh được bán không cần đơn tại thành thị.
Ở nông thôn tỷ lệ này là 91%. Cũng có việc các bác sĩ sử dụng kháng sinh không hợp lý. Theo khảo sát của Bệnh viện Chợ Rẫy, khoảng 50% kháng sinh được các bác sĩ kê không hợp lý, 32% được chỉ định cho bệnh nhân không nhiễm khuẩn, 33% bác sĩ sử dụng kháng sinh kéo dài và không cần thiết!
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Đáng lo ngại hơn là tình trạng nhiều người dân có bệnh không đi khám tại các cơ sở y tế mà tự mình mua thuốc tại các quầy thuốc, nhà thuốc, kể cả thuốc kháng sinh. Nhiều nhân viên nhà thuốc còn làm thay công việc của bác sĩ, hướng dẫn người mua mua thuốc cho bệnh này, bệnh kia. Vậy nên mới có câu: Bác sĩ thì bán thuốc còn dược sĩ khám bệnh!
Đáng nói là tình trạng này đã kéo dài từ rất nhiều năm nay mặc dù không ít lần được cảnh báo. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có hơn 61.000 nhà thuốc. Theo quy định, đây là lĩnh vực mà Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý nhưng trên thực tế cơ quan chức năng gần như không quản lý được về giá cả cũng như việc bán lẻ các loại thuốc thông dụng.
Việc dễ dàng mua, sử dụng thuốc của người dân và sự tùy tiện kê đơn thuốc của một số dược sĩ tại các quầy thuốc là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan hiện nay. Đây là tình trạng đáng báo động, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân bởi thuốc để chữa bệnh nhưng nếu dùng không đúng cũng dễ dàng cướp đi cơ hội chữa bệnh của bệnh nhân do kháng kháng sinh. Nói vậy là bởi theo các chuyên gia, hiện tại Việt Nam cũng như nhiều nước đã xuất hiện vi khuẩn đa kháng (kháng 2 nhóm kháng sinh) và toàn kháng (kháng với tất cả kháng sinh). Điều này dẫn đến việc trong khi nhiều nước phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn điều trị hiệu quả thì tại Việt Nam đã phải dùng kháng sinh thế hệ 3 và 4.
Một bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai cho biết, do là bệnh viện tuyến cuối nên bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị đa kháng thuốc, kháng mở rộng và toàn kháng. Với trường hợp toàn kháng, các thầy thuốc cũng bất lực, chỉ có thể điều trị giúp bệnh nhân nâng cao thể trạng, tăng cường dinh dưỡng để cơ thể tự chống đỡ với vi khuẩn!
Theo quy định, đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000 - 500.000 đồng. Có thể thấy ngay mức phạt này không đáng là bao nếu so với doanh thu, lợi nhuận thu được của các nhà thuốc, quầy thuốc. Trong khi đó, việc thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến hiện tượng nhờn luật nói trên.
Được biết, thời gian qua Bộ Y tế, đơn vị chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dược cùng các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng tìm các giải pháp hiệu quả để kiểm soát việc bán thuốc không cần đơn, cụ thể là triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020. Với việc thực hiện đề án này, mục tiêu dự kiến đến năm 2020, 100% thuốc kháng sinh bán tại quầy, nhà thuốc phải theo đơn của thầy thuốc.
Ở một góc độ khác, bên cạnh các biện pháp xử lý kiên quyết, có lẽ cũng cần nhắc lại để những tập thể, cá nhân đang bán thuốc kháng sinh cho người dân mà không có đơn thuốc thấy rõ trách nhiệm của mình trước pháp luật và cộng đồng. Đây rõ ràng không chỉ là việc làm vi phạm luật pháp mà còn là hành vi phi đạo đức, đáng lên án vì gây tác hại lâu dài đến sức khỏe của người dân, thậm chí là ảnh hưởng đến tương lai của giống nòi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần