Nhựa Tiền Phong: Vượt bão Covid mừng 60 năm thành lập

Ngọc An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối mặt với khủng hoảng toàn bộ nền kinh tế thế giới trước đại dịch Covid-19, kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong, mã chứng khoán: NTP) nửa đầu năm 2020 không được như kỳ vọng. Tuy nhiên, những dự báo kết quả kinh doanh nửa cuối năm đã xuất hiện nhiều yếu tố tích cực.

Khó khăn vì đại dịch
Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2020 đã được kiểm toán bởi KPMG của Nhựa Tiền Phong cho thấy, doanh thu bán hàng thuần của công ty chỉ đạt 2.155 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2019. Do những tác động của đại dịch Covid-19 với những diễn biến bất thường trong nước khiến nhiều khách hàng lớn của Nhựa Tiền Phong đã điều chỉnh tiến độ hoạt động đầu tư, kinh doanh, xây dựng. Trong khi giá nhựa nguyên liệu đầu vào giảm khiến cho giá vốn bán hàng của công ty cũng giảm đến 14,9% nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái với mức 136,2% dẫn đến lợi nhuận gộp của Nhựa Tiền Phong trong nửa đầu năm chỉ đạt hơn 697 tỷ đồng, giảm 10%.
 Dàn máy sản xuất ống HDPE có đường kính lớn lên đến 2000mm được nhập khẩu của hãng Battenfeld Cincinnati - CHLB Đức duy nhất tại Việt Nam và thứ 2 châu Á.
Ông Chu Văn Phương - Tổng Giám đốc Nhựa Tiền Phong cho biết, yếu tố khiến lợi nhuận của công ty giảm là do công ty có khoản trích lập dự phòng phải thu là hơn 79 tỷ đồng. Đây là biện pháp tài chính bắt buộc theo nguyên tắc tài chính kế toán để bảo toàn nguồn vốn và lợi nhuận cho doanh nghiệp trong tương lai. Hơn nữa, theo ông Phương, khi các khoản nợ này được thu hồi, các khoản dự phòng dành cho nợ khó đòi này sẽ được chuyển thành lợi nhuận của doanh nghiệp, lúc đó lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong sẽ có sự tăng mạnh. Thêm vào đó là những khoản nợ khó đòi.
Nhựa Tiền Phong đang cùng với các Trung tâm phân phối theo dõi sát sao các khoản nợ và cùng lên kế hoạch thu hồi với lộ trình cụ thể. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Minh Hải (gọi tắt là Công ty Minh Hải) hiện đang là đơn vị phân phối có khoản nợ phải thu hồi tính đến cuối quý II/2020 lớn nhất trong các đơn vị phân phối.
Theo lãnh đạo Nhựa Tiền Phong, vì đơn vị này là Trung tâm phân phối có nhiều khách hàng có các dự án lớn cho nên tiến độ thanh toán không thể nhanh như các khách hàng bán lẻ. Do dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020, nhiều đối tác bị ảnh hưởng kinh doanh cũng xin giãn tiến độ thanh toán. Ông Chu Văn Phương cho biết, công ty Minh Hải cũng là đơn vị có thành viên quản lý chủ chốt là cá nhân liên quan đến Nhựa Tiền Phong, cụ thể là Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của Công ty. Cho nên để bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động quản trị của công ty, sau khi ông Đặng Quốc Dũng trở thành Chủ tịch HĐQT của Nhựa Tiền Phong từ tháng 4/2019, Nhựa Tiền Phong và công ty Minh Hải đã thống nhất và chính thức chấm dứt hợp đồng phân phối từ ngày 1/1/2020.
“Hiện tất cả công nợ của khách hàng đều được công ty theo dõi và kiểm soát. Trong đó, công nợ của công ty Minh Hải ghi nhận vào 31/12/2019 là 482,84 tỷ đồng, đến 30/6/2020 giảm còn 334,48 tỷ đồng, và đến 21/8/2020 tiếp tục giảm còn 268,47 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2020, sẽ thu hồi thêm 75 tỷ đồng nữa. Số nợ còn lại là 193,47 tỷ đồng sẽ bảo đảm được thu hồi trong quý I/2021”, ông Phương khẳng định.
Ban chấp hành Đảng Bộ 2020 - 2025
Tự tin vượt bão
Mặc dù nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chắc chắn sẽ còn khó khăn trong một thời gian dài nữa nhưng tính đến thời điểm này, nước ta đã bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh, các giải pháp kích thích kinh tế phát triển được Chính phủ đặt ra. Trong đó, trọng tâm là tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, trong đó có Nhựa Tiền Phong.
Bên cạnh khách hàng của sản phẩm nhựa truyền thống của công ty, 3 nhóm khách hàng trong các lĩnh vực: Công trình giao thông, công trình điện và ngành thủy sản là ba trục kinh doanh mới và chủ lực của Nhựa Tiền Phong. Đây chính là cơ hội lớn cho Nhựa Tiền Phong tăng sản lượng và doanh thu với các sản phẩm nhựa phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy hải sản.
Cuối năm 2018, Nhựa Tiền Phong đã ký hợp tác toàn diện với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú để cung cấp ống nhựa dẫn nước biển phục vụ nuôi tôm theo mô hình mới. Điều này không chỉ giúp gia tăng về doanh thu, lợi nhuận mà còn nâng cao giá trị thương hiệu Nhựa Tiền Phong.
Đến hết năm 2019, Nhựa Tiền Phong mới chỉ đang đáp ứng được 2,5% trong tổng số nhu cầu để phục vụ cho toàn bộ các dự án chuyển đổi đổi mô hình nuôi tôm công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu của Tập đoàn Minh Phú. Không những thế, Minh Phú còn hợp tác với Nhựa Tiền Phong trong việc sản xuất ra các sản phẩm nhựa khác như khay nhựa cho nhà máy chế biến,... để phục vụ cho chuỗi sản xuất tôm. Chỉ tính riêng lĩnh vực hợp tác mới này, Nhựa Tiền Phong đang còn cơ hội rất lớn, một số công ty thủy sản khác đã và đang triển khai các dự án hợp tác với Nhựa Tiền Phong.
Sản phẩm ống m.PVC
Lãnh đạo công ty cho biết, trong quý III/2020, dự kiến doanh thu hợp nhất của Nhựa Tiền Phong sẽ đạt 1.200 tỷ, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là khoảng 150 tỷ đồng. Như vậy luỹ kế 9/2020, Nhựa Tiền Phong có doanh thu đạt 3.355 tỷ đồng/5.100 tỷ đồng kế hoạch năm (bằng 65,78%); lợi nhuận trước thuế đạt 387,7 tỷ đồng/470 tỷ đồng kế hoạch năm (bằng 82,48%).