Nhức nhối bạo lực học đường

Thanh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không biết bao nhiêu clip, sự vụ bạo lực học đường được đăng tải trên mạng. Xem clip, các phụ huynh có con em trong độ tuổi đến trường đều thấy cổ họng nghẹn đắng vì bức xúc. Bức xúc cứ dồn bức xúc. Nhưng làm sao để giảm bạo lực học đường mới là nguyên căn của các vấn đề cần giải quyết.

Còn đó những nỗi lo
Tình trạng bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng cả về số vụ việc, mức độ nghiêm trọng cũng như tính chất. Nó diễn ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Cụ thể, ngày 29/3, theo thông tin từ trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), ngày 22/3 tại nhà trường đã xảy ra sự việc đáng tiếc khi có một nhóm 5 nữ học sinh lớp 9 đã tham gia đánh bạn ngay tại lớp học, làm em này phải nhập viện điều trị. Nhiều người không dám xem hết clip vì quá rùng rợn. Họ tự đặt ra câu hỏi nhà trường, gia đình ở đâu mà lại để xảy ra tình trạng như vậy?
 Nữ sinh bị hành hung ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Ảnh cắt từ clip
Vụ việc chưa kịp lắng xuống, ngày 1/4 mạng xã hội tiếp tục lan truyền đoạn video một nữ sinh bị hành hung ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Nữ sinh này vừa quỳ gối vừa liên tục khóc lóc trước yêu cầu “mày phải xin lỗi” của nhóm nữ sinh. Chưa hết, trong điểm nóng dư luận, một cô giáo chủ nhiệm trường THCS Long Toàn, TP Bà Rịa - Vũng Tàu đã đánh 22 em học sinh trong lớp khiến nhiều em bị bầm tím, gây bất bình đối với các phụ huynh học sinh. Ngày 3/4, trên mạng lại xuất hiện thông tin vụ việc học sinh lớp 5 trường Tiểu học Cửa Nam 1, phường Cửa Nam, TP Vinh (Nghệ An) mang dao đến trường gây thương tích bạn…
Con số thống kê từ Bộ GD&ĐT, một năm học trong toàn quốc xảy ra 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, bình quân 5 vụ/ngày; cứ hơn 5.200 học sinh có một vụ bạo lực và trong 11.000 học sinh có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau. Những con số “biết nói” như thế này sẽ ngày càng tăng, bức xúc của dư luận sẽ vẫn còn đó. Ảnh hưởng của các vụ việc đến tâm lý của phụ huynh là rất lớn.
Nhiều phụ huynh sẽ còn phải chảy nước mắt, thương cho những học sinh có thể không phải là con mình vì bị bạo lực. Ai cũng thấp thỏm lo lắng, trường học – ngôi nhà thứ hai của trẻ em có là nơi an toàn cho con em họ? Bên cạnh việc đổ lỗi cho giáo dục, vai trò của gia đình trong việc giáo dục những đứa trẻ đang ở tuổi trưởng thành cũng không kém phần quan trọng.
Phụ huynh hối hận muộn màng
PGS.TS NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục cho rằng, gia đình cũng có một phần trách nhiệm trong các vấn đề bạo lực học đường. “Cần nhớ rằng, mỗi hành vi ứng xử của học sinh trong cuộc sống thường ngày đều là hệ quả của giáo dục và đào tạo. Khái niệm giáo dục và đào tạo đề cập ở đây không giới hạn trong nội hàm nhà trường mà rộng hơn với ba yếu tố: Nhà trường - Gia đình - Xã hội” – ông Nguyễn Võ Kỳ Anh cho biết.
Các chuyên gia phân tích, vụ việc xảy ra ở Hưng Yên, Ban giám hiệu và các thầy cô có liên quan của trường THCS Phù Ủng không thể trốn tránh trách nhiệm. Tuy nhiên, trong câu chuyện này, theo PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh một phần trách nhiệm thuộc về phía gia đình. Thực tế cho thấy, trong số 5 gia đình, có những cha mẹ chưa thực sự sát sao với con em. Nhiều gia đình bố mẹ đi làm ăn xa, bận mải mê với công việc. Cha mẹ thiếu đi sự quan tâm với con cái và quá phó mặc cho nhà trường. Do vậy, cha mẹ cũng có một phần lỗi trong việc này.
Được biết, trong số 5 gia đình có con đánh bạn, gia đình học sinh L., bố làm thợ xây, mẹ làm nghề phụ là làm tiền giấy, vàng mã. Còn nhà nữ sinh Q., bố mẹ ly dị, 2 anh em Q. sống cùng bố và mẹ kế. Bố Q. khi làm thợ xây, khi thì đi Cao Bằng thu gom đồng nát, khi thì làm thuê nhôm kính ở nhà. Nhà nữ sinh Tr. thì bố mẹ đi làm ăn xa, thu gom đồng nát ở Cao Bằng. Nhà nữ sinh T. bố mẹ cũng bỏ nhau, bố đi lao động ở nước ngoài. Gia đình em H. thì bố đi làm cơ khí ở Hải Dương, mẹ ở nhà làm ruộng.
Sau khi xảy ra vụ việc, nhiều bậc phụ huynh của 5 học sinh đã vội vã trở về xin giảm hình phạt đối với con em họ. Nước mắt của phụ huynh người bị đánh và người đánh bạn đều đã chảy, nhưng những sai lầm cũng đã xảy ra.
Theo các chuyên gia, những đứa trẻ đang ở tuổi trưởng thành rõ ràng chưa thể hiểu hết trách nhiệm các hành vi mình gây ra. Chính vì vậy, bên cạnh giáo dục của nhà trường, lứa tuổi “nhất quỷ nhì ma” vẫn cần sự đồng hành của cả gia đình, nhà trường và xã hội.q