Nhức nhối buôn lậu quy mô lớn

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, cơ quan hải quan phát hiện nhiều vụ buôn lậu quy mô lớn với thủ đoạn ngày càng tinh vi tập trung vào các mặt hàng như Iphone, phụ tùng ô tô… Đáng nói là hàng hóa vi phạm không chỉ gian lận, trốn thuế, mà xuất hiện cả hàng cấm gây nguy hại đến an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng, vi phạm sở hữu trí tuệ…

Phụ tùng ô tô “đội lốt” phế liệu
Thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, cơ quan này vừa phát hiện và thu giữ 4 container phụ tùng ô tô “đội lốt” phế liệu về Việt Nam của Công ty TNHH Posco SS Vina (đường N1, KCN Phú Mỹ 2, Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Theo đó, ngày 14/9/2018, Công ty TNHH Posco SS Vina mở tờ khai nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép. Theo khai báo, hàng nhập khẩu là phế liệu, mảnh vụn sắt, thép gồm 5 container có tổng trọng lượng hơn 122,6 tấn được vận chuyển từ cảng Melbourne (Úc) về Việt Nam ngày 11/9/2018. Lô hàng trên được Posco SS Vina mua của đối tác là Công ty Stamcorp International PTE.LTD trụ sở tại Singapore.
 Đội Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn thu giữ lô điện thoại không rõ nguồn gốc. Ảnh:  Việt Dũng
Qua kiểm tra thực tế, Chi cục kiểm định Hải quan 3 và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép phát hiện 3/5 conterner thuộc lô hàng, ngoài phế liệu sắt, thép còn có hàng mới chưa qua sử dụng, nghi vấn là phụ tùng ô tô. Sau đó, ngày 26/9/2018, Công ty TNHH Posco SS Vina tiếp tục mở tờ khai hải quan để nhập khẩu phế liệu sắt, thép cũng từ công ty đối tác trên. Lô hàng có tổng trọng lượng 240,11 TNE gồm 10 container, được tàu vận chuyển từ cảng Melbourne (Úc) về Việt Nam ngày 25/9/2018. Qua kiểm tra thực tế, Chi cục kiểm định Hải quan 3 và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép lại tiếp tục phát hiện 1/10 container của lô hàng, ngoài hàng hóa là phế liệu sắt, thép còn có một số kiện được đóng gói, cuốn nilon để ở phía cuối container là các loại ốc vít được đóng nguyên trong hộp, còn nguyên nhãn, mác chưa qua sử dụng.

Qua công tác phân loại sơ bộ, cơ quan hải quan xác định, trong 4 container nêu trên là các hộp carton chứa phụ tùng ô tô (ốc vít, đĩa phanh xe ô tô các loại) còn nguyên vỏ hộp, nhãn mác, phiếu hướng dẫn kèm theo, các pallet được cuốn nilon bảo vệ bên ngoài. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2018, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 12.069 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan; thu nộp ngân sách hơn 240 tỷ đồng từ xử lý vi phạm. Cơ quan hải quan đã ban hành 48 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác khởi tố 68 vụ. Tính riêng từ ngày 16/8 -15/9/2018, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp bắt giữ, xử lý 1.387 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa ước tính hơn 223 tỷ đồng.

Đây không phải là vụ buôn lậu quy mô lớn duy nhất mà cơ quan hải quan phát hiện thời gian gần đây. Cuối tháng 9/2018, đường dây nóng của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) nhận được thông tin phản ánh về hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng điện tử trái phép với số lượng lớn qua cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã cử cán bộ phối hợp với Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Nội Bài, Cục Hải quan Hà Nội xác minh, kiểm tra toàn bộ 3 lô hàng nghi vấn của Công ty TNHH VAK (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội). Kết quả, chủ lô hàng đã khai sai, không khai hàng hóa nhập khẩu, tổng số hàng hóa vi phạm gồm 1.157 chiếc điện thoại iPhone các loại.

Thách thức cơ quan quản lý

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngành Hải quan đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức mới. Hoạt động xuất, nhập khẩu, giao lưu hàng hóa quốc tế đa dạng trên phạm vi cả nước cũng dẫn đến nguy cơ vi phạm có thể xảy ra ở rất nhiều địa bàn. Hàng hóa vi phạm không chỉ là gian lận, trốn thuế, mà xuất hiện ngày càng nhiều hàng cấm gây nguy hại đến an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…

Để đối phó với tình trạng này, cơ quan hải quan đã áp dụng kết hợp đồng bộ các biện pháp kiểm soát hải quan với các phương thức quản lý hải quan hiện đại (như quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống trang thiết bị hiện đại...). Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng bám sát diễn biến tình hình tội phạm để phân tích thông tin, kịp thời ngăn chặn, trong đó, tập trung vào các đường dây vận chuyển hàng cấm như ngà voi, tê tê, ma túy… Đồng thời, kiểm tra, xử lý, khởi tố, hoặc chuyển cơ quan chức năng khởi tố nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận, trốn thuế; tăng cường quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, góp phần bảo vệ an ninh, an toàn cộng đồng…

“Thời gian qua, lực lượng kiểm soát hải quan đã chủ động triệt phá thành công nhiều chuyên án, vụ việc lớn, phức tạp, triệt phá thành công nhiều ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu. Điển hình như việc chống buôn lậu qua hình thức trung chuyển hàng hóa, gây thất thu cho ngân sách; vụ việc hơn 200 container mất tích đã được cơ quan hải quan phát hiện điều tra, xác minh, chủ động chuyển giao cho cơ quan điều tra Bộ Công an xử lý theo trình tự pháp luật. Qua đó, đã phát hiện phương thức gian lận mới, một số DN được thành lập theo quy định pháp luật nhưng qua xác minh lại là DN “ma”.- Ông Nguyễn Phi Hùng - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan