Nhức nhối câu chuyện hậu dự án

Việt Tâm - Khắc Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện hậu dự án với những bức xúc của cư dân với chủ đầu tư về chất lượng công trình, về tiến độ bàn giao sổ đỏ,... đang trở thành vấn đề nhức nhối tại các khu đô thị, nhà chung cư. Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều tranh chấp vẫn chưa có hồi kết.

Chủ đầu tư “treo đầu dê, bán thịt chó”

Tại TP Hồ Chí Minh, bắt đầu từ quý II/2017 đến nay đã chứng kiến hàng loạt vụ tranh chấp và phần lớn những vụ tranh chấp như thế này đến từ các dự án mới bàn giao. Mới đây nhất là “cuộc chiến” giữa cư dân và chủ đầu tư dự án An Gia Star.

Được biết, An Gia Star có tổng diện tích sàn xây dựng là 42.478m2, tọa lạc trên quốc lộ 1, thuộc phường Tân Tạo, Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Dự án có quy mô 3 block nhà cao 21 tầng và 1 tầng hầm, do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia làm chủ đầu tư, bàn giao căn hộ từ tháng 4/2017. Thời gian mở bán, An Gia Star được chủ đầu tư và các đơn vị môi giới quảng cáo rằng đây là dự án căn hộ biệt lập, có hồ bơi cùng các tiện ích riêng biệt. Tuy nhiên, khi nhận nhà, khách hàng của An Gia Star mới “té ngửa” khi dự án này không hề biệt lập mà phải dùng chung tiện ích với hàng trăm hộ dân của chung cư Tân Mai (bên cạnh).

Tranh chấp chung cư vẫn là nỗi lo thường trực trên thị trường địa ốc.

Theo lời cư dân An Gia, một thời gian ngắn sau khi bàn giao căn hộ, chủ đầu tư đã tiến hành phá bỏ bức tường ngăn cách giữa 2 khu chung cư. Hàng ngày, rất đông người dân ở chung cư Tân Mai tràn sang sử dụng hồ bơi và các tiện ích nội khu khiến cư dân An Gia Star rất bức xúc. Giải thích về vấn đề này, Công ty An Gia cho biết, trước đây toàn dự án do Công ty CP đầu tư xây dựng Tân Bình (Tân Bình ICC) làm chủ đầu tư. Tân Bình ICC xây dựng chung cư Tân Mai và bán một phần dự án cho An Gia xây dựng An Gia Star.
Theo quy hoạch 1/500 thì cả 2 khu chung cư đều nằm trong một dự án. Do đó, hồ bơi cùng các tiện ích đều được sử dụng chung. Đồng thời, Công ty An Gia cũng phải phá bỏ bức tường ngăn cách giữa 2 khu chung cư để cơ quan Nhà nước nghiệm thu công trình, từ đó mới có thể cấp sổ hồng. Cho rằng chủ đầu tư “treo đầu dê, bán thịt chó”, cư dân An Gia Star đã yêu cầu Công ty An Gia phải bồi thường thiệt hại bởi 2 khu chung cư nằm chung vị trí, cùng sử dụng chung tiện ích, tại sao An Gia Star lại có giá cao hơn rất nhiều so với Tân Mai? Mặt khác, cư dân An Gia Star còn rất bức xúc vì nhiều tiện ích của dự án không đúng như quảng cáo ban đầu. Ví như ban đầu mở bán đều nói rõ, mỗi block của An Gia Star sẽ có 3 thang máy, khi nhận nhà, cư dân mới biết chủ đầu tư chỉ lắp đặt 2 thang máy loại nhỏ...

Một dự án nổi đình nổi đám khác cũng khiến cho cư dân như đứng ngồi không yên là khu chung cư cao cấp Thảo Điền Pearl do Công ty SSG2, thuộc Tập đoàn SSG (SSG Group) làm chủ đầu tư. Theo phản ánh của người dân, Thảo Điền Pearl có chất lượng xây dựng khá tốt, nội thất các căn hộ được thiết kế sang trọng, thoáng đãng. Điều khiến khách hàng của dự án hài lòng nhất là tầng dịch vụ có diện tích 5.800m2, các tiện ích được thiết kế xen kẽ với cây xanh, cảnh quan tạo ra hình ảnh một “vườn treo” ở tầng 4 của dự án. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng bàn giao nhà, giữa cư dân và chủ đầu tư dự án Thảo Điền Pearl bắt đầu phát sinh mâu thuẫn liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà và đất ở (sổ hồng). Đỉnh điểm là vào tháng 6 vừa qua, hàng chục cư dân Thảo Điền Pearl đã căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư phải nhanh chóng bàn giao sổ hồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, mặc dù đã bàn giao căn hộ gần 4 năm, nhưng đến thời điểm hiện tại, khách hàng của dự án Thảo Điền Pearl vẫn chưa được cấp sổ hồng. Người dân nhiều lần thắc mắc thì chủ đầu tư là Công ty SSG2 trả lời chung chung rằng, việc cấp sổ đỏ không phải do họ mà phụ thuộc vào các cơ quan Nhà nước(?!). Thế nhưng thực tế, theo hồ sơ, Công ty SSG2 được sở hữu riêng 8.593m2 ở tầng trệt và 2 tầng hầm của dự án Thảo Điền Pearl để làm bãi đỗ xe, nhưng chủ đầu tư đã chuyển đổi 3.000m2 làm siêu thị, khu thương mại dịch vụ. Việc tự ý thay đổi công năng dẫn đến hệ lụy là quy trình, thủ tục pháp lý của chủ đầu tư với cơ quan chức năng về việc cấp sổ đỏ cho các hộ dân càng phức tạp và kéo dài. Mặt khác, nguyên nhân còn do chủ đầu tư chưa thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính - thuế đất, còn thiếu 600 triệu đồng bổ sung (theo văn bản mới nhất của Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh - PV);...

Chất lượng xây dựng… có vấn đề

Điển hình của loại công trình dự án có chất lượng xây dựng thuộc loại “trời ơi” này là Celadon City. Theo quảng cáo, đây là khu đô thị phức hợp hiện đại gồm tổ hợp nhà ở, trường học, trung tâm thương mại, khu thể thao, giải trí... có quy mô lớn nhất TP Hồ Chí Minh; dự án do Công ty CP Gamuda Land làm chủ đầu tư. Theo đó, Celadon City được thiết kế thành làm 5 khu dân dư bao quanh công viên trung tâm, có diện tích 16ha. Trong đó, khu Ruby được chia làm 5 lô và đã đưa vào sử dụng 3 lô A, B, C, còn lô D, E đang xây dựng. Dự án được đánh giá là “kiểu mẫu” của TP Hồ Chí Minh. Chủ đầu tư cũng cam kết, Celadon City sẽ xây dựng theo đúng tiêu chuẩn Conquas - là hệ thống kiểm định, đánh giá chất lượng công trình của Singapore.

Tuy nhiên, chỉ sau 4 năm đưa vào sử dụng, Block A và B của dự án đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, một số căn hộ bị thấm, dột khi trời mưa. Điều này khiến dư dân lo ngại rằng, chung cư cao cấp mới chỉ sử dụng 4 năm mà đã hư hỏng thì 10, 20 năm sau sẽ ra sao?. Ngoài ra, người dân cho rằng hệ thống thoát thải của khu Ruby có vấn đề về thiết kế khi nước bẩn, chất thải liên tục trào ngược tại một số căn hộ, đặc biệt là ở tầng trệt. Chủ đầu tư đã nhiều lần xử lý bằng cách cắt, nối các đường ống của hệ thống thoát thải ở tầng hầm nhưng vẫn không khắc phục được dứt điểm, đồng thời còn gây ra tình trạng nước thải rò rỉ ra từ các vết cắt gây mùi hôi thối, khó chịu.

Điều khiến cư dân ở Celadon City bức xúc nhất là 5 Block A, B, C, D, E của khu Ruby có 1.440 căn hộ, nhưng chủ đầu tư chỉ thiết kế 342 chỗ đậu xe hơi. Trong đó, chỉ tính riêng Block A, B đã có 525 căn hộ với hơn 120 xe hơi. Chính vì việc thiết kế thiếu hụt chỗ đậu xe hơi so với số lượng căn hộ nên rất nhiều ôtô của cư dân phải đậu tràn lan lên vỉa hè, lối đi nội bộ gây nhếch nhác, mất mỹ quan. Đầu tháng 7 vừa qua, chủ đầu tư là Gamuda Land đã đưa người, phương tiện đến để chặt bớt cây xanh, cải tạo lại một phần công viên rộng 16ha của dự án để làm bãi đậu xe ôtô. Do bị người dân phản ứng quyết liệt nên chủ đầu tư phải ngừng thi công. Cư dân cho biết, sở dĩ họ mua nhà ở dự án Celadon City chính là vì được sống giữa không gian xanh của công viên rộng lớn này. Chính vì thế, họ hoàn toàn không đồng ý việc cắt xén một phần diện tích công viên để phục vụ mục đích riêng của chủ đầu tư.

Trao đổi về vấn đề hậu dự án, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, tranh chấp chung cư là điều khó tránh khỏi. Nhất là trong bối cảnh các quy định về quản lý, vận hành chung cư còn nhiều bất cập thì nguy cơ bùng phát tranh chấp là rất cao. “Chúng tôi đã có nhiều kiến nghị, giải pháp, đề xuất để giảm thiểu tối đa các tranh chấp, song mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm, mỗi dự án lại phát sinh những tranh chấp khác nhau, rất khó dứt điểm. Do đó, chủ đầu tư và khách hàng cần lắng nghe nhau là điều quan trọng nhất để giải quyết mâu thuẫn..." - ông Châu cho biết.