Nhức nhối nạn bạo hành nhân viên y tế

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung Điều 134 Bộ luật Hình sự về tình tiết tăng nặng khi hành hung người đang chăm sóc sức khỏe cho mình, song tình trạng gây rối trong bệnh viện (BV) vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Tăng hình phạt, tăng tính răn đe với những đối tượng bạo hành nhân viên y tế là mong muốn của các bác sĩ để sớm chấm dứt tình trạng này.
Liên tiếp bạo hành

Điểm lại từ đầu năm 2017, trung bình mỗi tháng đều xảy ra 1 – 2 vụ bạo hành nhân viên y tế tại BV trên cả nước. Chỉ riêng trong tháng 8 vừa qua, đã xảy ra 2 vụ việc khiến dư luận xôn xao. Vụ việc xảy ra hôm 15/8 tại BV đa khoa tỉnh Đắk Lắk, trong lúc điều dưỡng đang chuẩn bị chuyển khoa cho người bệnh thì bất ngờ bị người nhà bệnh nhân đuổi đánh dẫn tới bị thương ở mặt và phải theo dõi chấn động não.
Một vụ bạo hành nhân viên y tế tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện 115 Nghệ An (ảnh cắt từ Clip)
Vụ việc thứ 2 xảy ra sau đó một tuần tại Khoa cấp cứu, BV 115 Nghệ An, trong lúc bác sĩ và điều dưỡng đang cấp cứu cho bệnh nhân thì bị người nhà bệnh nhân tấn công, hành hung. Mới đây nhất, ngày 3/9, tại BV đa khoa huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã xảy ra một vụ ẩu đả giữa 2 nhóm thanh niên làm náo loạn BV, khiến một người tử vong. Người tử vong không phải là nhân viên y tế nhưng các bác sĩ, điều dưỡng trong kịp trực của BV Phú Xuyên ngày hôm ấy đã được một phen hốt hoảng.

Mặc dù một số vụ việc hành hung nhân viên y tế đã được đưa ra xét xử, một số đối tượng đã bị kết án, nhưng những con số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tiêu biểu, như vụ việc đối tượng Cấn Ngọc Giang hành hung bác sĩ Lê Quang Dương tại BV đa khoa Thạch Thất ngày 16/4 cũng chỉ bị kết án 9 tháng tù giam vì tội cố ý gây thương tích. Theo các bác sĩ, nhiều vụ việc hành hung bằng lời nói, đe dọa tính mạng, chửi bới… vẫn diễn ra hằng ngày ở các BV từ T.Ư đến địa phương nhưng đều bị xem nhẹ. Phó trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, BV Việt Đức Lê Tư Hoàng chia sẻ, hàng ngày BV tiếp nhận hàng trăm ca cấp cứu với khoảng 70% tai nạn giao thông, tai nạn đâm chém nên khi vào viện thì người nhà bệnh nhân và bệnh nhân luôn mang theo nhiều bức xúc. Chỉ cần một chút không hài lòng họ sẵn sàng xả bức xúc vào các nhân viên y tế, thậm chí nhiều đối tượng còn truy sát nhau tại BV.

Ai bảo vệ bác sĩ?

Bác sĩ Lê Tư Hoàng cho biết, hiện nay, BV Việt Đức đang phải thuê 156 nhân viên bảo vệ với mức tiền lương hơn 700 triệu đồng, phòng cấp cứu luôn có 4 bảo vệ được trang bị dùi cui điện, bộ đàm, lúc cần có thể huy động 20 - 30 bảo vệ đến phòng cấp cứu. Giữa Bộ Y tế, BV Việt Đức và Công an TP Hà Nội có ký kết, luôn có 2 công an mặc sắc phục, ngoài ra còn có lực lượng công an 2 phường sở tại Hoàn Kiếm và lực lượng 113, chỉ sau 5 phút sẽ có lực lượng ứng cứu các sự cố tại BV. Ngoài ra, BV còn có hệ thống camera và các nút ấn báo động khẩn cấp tại các bàn. Trường hợp bệnh nhân đến viện mà có nguy cơ cao bị tấn công thì sẽ được các lực lượng bảo vệ kèm bên cạnh.

Là người trực tiếp đề xuất Quốc hội bổ sung Điều 134 Bộ luật Hình sự, Phó Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, về góc độ điều trị, các bác sĩ đã tìm mọi cách để bảo vệ mình. Nhưng về mặt xã hội, cần có biện pháp tổng thể hơn để làm cho những người đang có ý định hành hung nhân viên y tế nhận thức được là họ đang vi phạm pháp luật chứ không phải là mâu thuẫn dân sự, cá nhân bình thường trong cuộc sống. “Lúc nào chúng tôi cũng ở thế yếu so với các đối tượng manh động kia. Nếu cơ quan lập pháp hiểu điều đó sẽ ra những điều luật để bảo vệ cho những người yếu thế - là những nhân viên y tế. Về mặt pháp luật, chúng tôi cần phải được bảo vệ như những người khác” – TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần