Nhức nhối nạn kinh doanh trang thiết bị y tế giả mùa dịch

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều đối tượng lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, kinh doanh trang thiết bị giả, phế phẩm.

Các chuyên gia pháp luật cho rằng, cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý nghiêm minh các trường hợp đầu cơ, kinh doanh trang thiết bị giả.
Đầu cơ, buôn bán trang thiết bị giả
Khi dịch bệnh bùng phát quay trở lại tại Việt Nam, hàng loạt DN, đối tượng lợi dụng dịch bệnh đề đầu cơ, kinh doanh, trục lợi trang thiết bị giả, phế phẩm trong mùa dịch.
Mới đây, tại Hà Nội, ngày 30/7, Đội QLTT 26 phối hợp cùng Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an quận Hà Đông thu giữ gần 800.000 chiếc khẩu trang không rõ nguồn gốc khi được vận chuyển đến nhà số 9, đường Ngô Thì Sỹ, quận Hà Đông. Số khẩu trang được đóng vào 300 thùng. Hiện toàn bộ số khẩu trang đã bị thu giữ, lực lượng chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.
Đội QLTT 26 phối hợp cùng Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an quận Hà Đông thu giữ gần 800.000 chiếc khẩu trang không rõ nguồn gốc. Ảnh: Lam Thanh
Ngày 17/8, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 - Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra 5 địa điểm sản xuất, kinh doanh, kho hàng, phát hiện, thu giữ hàng triệu găng tay, khẩu trang kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Cụ thể, qua kiểm tra tại Nhà máy Sản xuất VINA FACE MASK Tân Phú - Công ty CP Tập đoàn tài chính Đặng Nam (quận Tân Phú); Nhà máy Sản xuất VINA FACE MASK Miền Nam (quận Bình Tân); 3 địa điểm của Công ty TNHH HDPRO LAND (quận 2), Đội QLTT số 2 đã tạm giữ 1.065.640 găng tay; 3.254.750 cái khẩu trang; 1.214kg nẹp nhựa, dây thun, vải không dệt; 4.560 cái vỏ thùng carton, vỏ hộp.
Trước đó, ngày 12/8, Đội QLTT số 1 - Cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra đột xuất điểm kinh doanh do ông Lê Hồng Anh làm chủ tại xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn. Tại đây, cơ quan chức năng cũng phát hiện hơn 400.000 khẩu trang vải không có nhãn hiệu và không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tối 5/8, Đội QLTT số 7 - Cục QLTT Đà Nẵng đã kiểm tra căng tin khu nhà trọ ở quận Liên Chiểu. Tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Văn Phú (sinh năm 1993, trú tại Quảng Ninh, Quảng Bình) là chủ lô hàng, đồng thời là người thuê trọ bán tại căng tin khu nhà trọ không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như tính hợp pháp của lô hàng, gồm 11 thùng carton và nhiều hộp khẩu trang rời chứa hơn 29.000 khẩu trang không rõ nguồn gốc.
Trước đó, Đội QLTT số 7 - Cục QLTT Đà Nẵng kiểm tra tại địa chỉ 264/4 Tôn Đản (quận Cẩm Lệ), phát hiện 9 thùng carton chứa 22.500 cái khẩu trang 4 lớp màu đen (450 hộp mỗi hộp 50 cái), bao bì có ghi sản phẩm của Công ty TNHH Hapapolo Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Bà Trần Thị Thanh Lời (trú tại 264/4 Tôn Đản, quận Cẩm Lệ) là chủ nhà và là chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như tính hợp pháp của lô hàng.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo Bộ Công an, trước nguy cơ của dịch bệnh và sự gia tăng đột biến nhu cầu của người dân về một số mặt hàng, vật tư y tế như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn..., một số đối tượng đã đầu cơ, nâng giá, sản xuất, buôn bán hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay và dung dịch sát khuẩn.
Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng xử lý cương quyết đối với các cơ sở, cá nhân có biểu hiện buôn bán, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ, găm hàng, nâng giá các mặt hàng y tế.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật Kết Nối cho hay, theo quy định tại Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây: Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
Theo quy định tại Điều 19 Luật Quảng cáo năm 2012 về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo: “Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo”.
Theo đó, việc quảng cáo các loại trang thiết bị y tế phải đúng sự thật theo quy định của pháp luật, đúng công dụng, không được lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, người bán phải chịu trách nhiệm về cả chất lượng và hình thức quảng cáo đối với sản phẩm của mình.
Nếu chỉ dừng lại ở việc quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 5 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng.
Trường hợp sản phẩm quảng cáo là thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, hóa chất, trang thiết bị y tế, căn cứ vào hình thức, chức năng của sản phẩm có thể bị xử phạt theo quy định từ Điều 67 đến Điều 72 Nghị định này.
Trường hợp đã bị xử phạt hành chính mà vẫn vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ hành vi, có đủ dấu hiệu thì có thể bị khởi tố hình sự về tội quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc các hình phạt bổ sung khác.
Trường hợp các đối tượng vi phạm có hành vi sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế là hàng giả bao gồm: Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng; hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; hành vi sản xuất, buôn bán tem, nhãn, bao bì giả.
Tùy thuộc vào hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định theo Điều 11 đến Điều 16 Nghị định 185/2013/NĐ-CP trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng. Mức phạt từ phạt cảnh cáo cho đến phạt tiền cao nhất là 100 triệu đồng. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192, 194 Bộ luật Hình sự. Hình phạt cao nhất có thể là tử hình.
“Căn cứ các quy định trên, tổ chức cá nhân cung cấp thông tin không đầy đủ sai lệch, không chính xác về hàng hóa dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp hoặc có hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thì theo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhận định.

"Tội phạm lừa đảo, kinh doanh hàng giả trong mùa dịch Covid-19 có chiều hướng gia tăng bởi tâm lý của người tiêu dùng cũng như các đơn vị kinh doanh hàng hóa đều có nhu cầu mua hàng để phòng trừ dịch bệnh. Các đối tượng lừa đảo lợi dụng việc giãn cách xã hội, phong tỏa của Nhà nước để khai thác sự hỗn loạn thị trường nhằm mục đích trục lợi.

Thủ đoạn của các đối tượng này kiếm tiền đối với trang thiết bị y tế, ví dụ như thiết bị bảo hộ, găng tay, khẩu trang y tế… lợi dụng sự khan hiếm hàng hóa rồi bán ra các loại hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường.

Việc quảng cáo trang thiết bị y tế phòng ngừa dịch bệnh tràn lan trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội. Tuy nhiên, để kiểm chứng liệu rằng đây có phải là hàng giả hay không là một vấn đề hết sức nan giải" - Trưởng Văn phòng Luật Kết Nối - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng