Nhức nhối thực trạng phụ nữ trên 35 tuổi thất nghiệp

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên thảo luận báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Trong đó, một vấn đề nổi lên là tình trạng nhiều lao động nữ trong các khu công nghiệp bị DN chấm dứt hợp đồng lao động khi đến tuổi 35.  

Tình trạng sa thải lao động nữ trên 35 tuổi đang diễn ra khá phổ biến trong nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Hải Linh

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, đến 1/7/2017 lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính 54,5 triệu người, trong đó lao động nam là 28,3 triệu người (chiếm 52%), lao động nữ 26,2 triệu người (48%). Chất lượng việc làm của lao động nữ chưa ổn định và thiếu bền vững do thường tập trung trong các lĩnh vực có trình độ chuyên môn thấp hoặc những công việc không có tính bền vững. Điều đó dẫn đến tình trạng lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công hưởng lương thấp hơn so với lao động nam.
Tình trạng sa thải lao động độ tuổi 35 trở lên đang là một vấn đề đáng báo động cho thị thường lao động hiện nay. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Kết quả khảo sát ở một số DN cho thấy, có nơi tới 80% phụ nữ tuổi trên 35 làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc. Nguyên nhân chính là do cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt. Vấn đề này Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét sớm có giải pháp can thiệp để bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là lao động nữ.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, các chính sách bình đẳng giới cần phải quan tâm vấn đề này. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: Làm sao để giảm thiểu phụ nữ trên 35 tuổi thất nghiệp là vấn đề rất nhức nhối. Lao động giản đơn, chỉ cần đào tạo 2 tuần là làm được việc, nên các DN muốn sử dụng để không phải trả lương cao, lại có thể tận dụng sức lao động. “Nhiều lao động nữ nói với tôi sáng đi làm nhưng chiều nhận ngay quyết định sa thải với lý do không rõ ràng và không được quyền khiếu nại. Đó là do hành lang pháp lý không quy định rõ ràng, nên có hiện tượng “vắt chanh bỏ vỏ” nhất là đối với những lao động giản đơn. Đặc biệt, thanh tra còn chưa hiệu quả, xử phạt nghiêm do căn cứ pháp lý yếu nên dẫn đến tình trạng trên” - bà Hải nêu. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng đề nghị nhìn vào tình trạng bạo lực nói chung, với trẻ em gái nói riêng và vấn đề bạo lực tình dục, trên cơ sở đó đánh giá thực trạng, đưa ra giải pháp. Cùng với đó là thực trạng phá thai của trẻ vị thành niên.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, trong khi quản lý Nhà nước về bình đẳng giới còn thách thức, cần giải quyết để nâng cao nhận thức, nhất là các chỉ tiêu chưa đạt đều liên quan đến cuộc sống hàng ngày của phụ nữ, chất lượng sống của phụ nữ. Do đó trong giáo dục, lao động việc làm, văn hóa, gia đình cần quan tâm đến phụ nữ, đặc biệt là sự quan tâm của các cấp ủy, bộ, ngành. Công tác thanh tra, kiểm tra cần được quan tâm hơn nữa.