Những ân tình cuộc sống

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này, cũng như nhiều nơi trong cả nước, Trung tâm Điều dưỡng người có công II Hà Nội tràn ngập không khí ngày Quốc khánh 2/9 với nhiều hoạt động sôi nổi thay lời tri ân những người đã hy sinh xương máu giành lại nền độc lập cho Tổ quốc.

Hết mình vì sức khỏe người có công
Hình ảnh đầu tiên hiện ra ngay tại cổng Trung tâm là một nhóm các bác ở độ tuổi ông, bà đang được các thanh niên thiết kế những kiểu tóc phù hợp. Đi qua con đường rộng và dài chừng 30m - được tô điểm bằng khu vườn với nhiều loại hoa đang khoe sắc, chúng tôi đến khu nhà tập đa năng. Khoảng chục bác trai tuổi trên dưới 60 đang ngồi ngâm chân trong chậu thuốc Bắc. Gương mặt ai nấy đều sảng khoải, trò chuyện với nhau rôm rả. Ngay gần đó, nhiều bác cao tuổi hơn đang nằm trên ghế đệm massage thư giãn. “Tôi thấy dễ chịu và cảm phục các anh chị đã tận tình chăm sóc. Nhưng chỉ hai ngày nữa thôi, chúng tôi đã phải chia tay nơi này để về nhà rồi” - một bác chia sẻ.
Chăm sóc người có công tại Trung tâm Điều dưỡng người có công II Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Chúng tôi được chị Huệ - cán bộ phòng Quản lý nuôi dưỡng dẫn đi thăm từng khu nhà điều dưỡng của Trung tâm - nơi những người có công đang ở. Theo chị Huệ, dịp 2/9 năm nay, Trung tâm vinh dự được chăm sóc và theo dõi sức khỏe cho người có công huyện Ba Vì. Trong câu chuyện ngày Tết Độc lập, bác Nguyễn Quốc Văn ở xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, phấn khởi khoe: “Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về Trung tâm, là từ lãnh đạo đến nhân viên đều có cách làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, nhanh nhẹn, công tâm. Chúng tôi được lập sổ theo dõi sức khỏe, mỗi ngày thăm khám vài lần. Những ai bị cao huyết áp sẽ được cấp thuốc uống”.

Được hưởng niềm vui trong dịp Tết Độc lập nhưng bác Văn không nguôi nhớ đồng đội đã hy sinh trong chiến dịch Hồ Chí Minh và chiến tranh biên giới phía Bắc. Bản thân bác, sau khi điều trị vết thương ở hông và bên ngoài vỏ não, được chuyển sang công tác trong ngành LĐTB&XH. “Hồi chiến tranh, tôi và các đồng đội không biết sống chết ra sao, khi nào chiến thắng trở về. Dù tuổi đời lúc đó chỉ 24 - 25 nhưng chúng tôi quyết tâm theo Đảng. Nay được Đảng và Nhà nước, TP quan tâm, có chế độ điều dưỡng cải thiện sức khỏe, chúng tôi rất xúc động” - bác Văn cho biết. Để cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thời gian tới, bác sẽ tiếp tục tham gia Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Hà Nội để có điều kiện giúp đỡ các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Trong khi đó, bác Nguyễn Văn Đức - thương binh hạng 4/4 lại trầm ngâm nghĩ về cái giá của tự do ngày hôm nay đã phải trả bằng xương máu của bao đồng đội. Bản thân bác Đức đã phải bỏ lại chiến trường Nam Lào hai đốt ngón trỏ của bàn tay phải và vết thương trên cơ thể. Khi được các cán bộ Trung tâm điều dưỡng người có công II Hà Nội thăm hỏi, kiểm tra sức khỏe, bác Đức và mọi người rất vui coi đó là nguồn động viên để rồi tiếp tục cống hiến.

Lo từ bữa ăn đến giấc ngủ

Trung tâm Điều dưỡng người có công II Hà Nội là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội, có nhiệm vụ chính là điều dưỡng luân phiên thương bệnh binh và người có công với cách mạng của TP. Giám đốc Nguyễn Văn Triệu cho hay, trung bình mỗi năm Trung tâm được Sở LĐTB&XH giao đón trên 2.000 lượt đối tượng người có công. “Chúng tôi xác định quan điểm người có công như cha chú ruột của mình. Bởi vậy, Ban Giám đốc đã quán triệt các cán bộ luôn luôn lắng nghe người có công nói, nếu có ý kiến gì sẽ trao đổi sau” – ông Triệu chia sẻ. Ông cũng nhấn mạnh đến việc quan tâm người có công từ lúc họ bắt đầu đến Trung tâm.
 
“Từ năm nay, Ban Giám đốc trực tiếp đi ô tô đến tận xã, phường để đón các bác người có công. Khi về đến Trung tâm, đoàn người có công được đón tiếp chu đáo, trang trọng, đặc biệt cán bộ nữ mặc áo dài chào đón dẫn từng người vào hội trường phổ biến những quy định”. Không những thế, chương trình hoạt động trong 6 ngày ở Trung tâm cũng được chuyển đến tận tay từng bác để tiện theo dõi cũng như tạo niềm tin. Để các bác không bị nhầm lẫn trong sinh hoạt hàng ngày, mỗi phòng nghỉ có từ 2 - 3 giường đều được bố trí các vật dụng sinh hoạt cá nhân theo màu khác nhau.
Theo ông Triệu, để người có công cải thiện sức khỏe, bên cạnh những hoạt động luyện tập, Trung tâm xây dựng thực đơn bữa ăn cho cả đợt, không có bữa nào trùng lặp nhưng cũng nhắm đến đáp ứng từng đối tượng. Với đối tượng đến từ các quận nội thành, Trung tâm thiết kế tăng khẩu phần ăn nhiều rau xanh. Với các bác đến từ huyện ngoại thành, trong bữa ăn hàng ngày được tăng phần thịt cá. Đặc biệt, để người có công thưởng thức rau sạch và tươi xanh, ở những khu đất còn trống trong khuôn viên Trung tâm rộng chừng 4ha được tận dụng trồng rau muống, rau cải, rau rền…
Ngoài thời gian làm công việc chuyên môn, từ giám đốc đến nhân viên Trung tâm đều xắn tay áo cuốc đất trồng rau, nhặt cỏ… Thế nên khi đến khu nhà người có công nghỉ dưỡng tìm gặp chị Nguyễn Thị Liên chẳng được. Sau vài tiếng gọi, một phụ nữ trung tuổi đội nón, đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ từ vườn rau cải tất tả chạy vào: “Tranh thủ lúc dọn phòng đã xong, em đi nhặt cỏ cho mấy luống rau”. “Nhiều bác đến trung tâm rất ngạc nhiên khi hôm qua cô ấy là nhân viên dọn phòng, nhưng hôm nay lại là ca sĩ hát múa trên sân khấu” - chị Huệ tiếp lời.

Những người như ông Triệu, chị Liên… đã góp phần đảm bảo hàng ngày cung cấp đầy đủ nguồn rau xanh và rau gia vị cho người có công. Trung tâm chỉ phải hợp đồng với nhà cung cấp để nhập thêm củ, quả. Giám đốc Triệu chia sẻ: “Nhiều người có công rất ấn tượng khi mỗi bữa ăn đều được lãnh đạo Trung tâm đến thăm hỏi thân tình và chúc ngon miệng. Có hôm lãnh đạo chưa kịp đến chúc, các cụ vẫn ngồi ở bàn ăn với cốc bia trên tay. Vì thế, trong thời gian đang điều dưỡng, tôi cố gắng không đi đâu xa”. Lãnh đạo và cán bộ Trung tâm cảm thấy hạnh phúc và được động viên mỗi khi được các cụ cao tuổi lên tận phòng làm việc tặng những bài thơ hay xung phong lên hát trong buổi tổng kết chia tay. Những tình cảm chân tình ấy đã tiếp sức cho họ cố gắng phục vụ một cách tốt nhất; cũng như thay cho lời cảm ơn những người đã dành cả đời mình cho nền độc lập và tự do của dân tộc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần