Những cải thiện vượt bậc

TS.Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị “Hà Nội 2016: Hợp tác đầu tư và phát triển” với 5 nội dung: Gặp mặt doanh nghiệp - Giải quyết kiến nghị - Kêu gọi đầu tư - Ký kết hợp tác - Vinh danh doanh nghiệp, đã trở thành dấu mốc đánh dấu giai đoạn mới trong triển khai công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư của Thủ đô.

Ghi nhận những kết quả

Ngay sau hội nghị năm 2016, TP Hà Nội nỗ lực triển khai một loạt hành động cụ thể và đẩy mạnh hơn vào năm 2017, “Năm kỷ cương, hành chính”. Cùng với việc mở rộng cơ chế “một cửa” trong tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị trong một lần cho doanh nghiệp, Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung vào các vấn đề về tiếp cận vốn, đất đai, thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ và hỗ trợ pháp lý, tư vấn, đào tạo về chiến lược xây dựng và phát triển các thương hiệu doanh nghiệp hoặc thương hiệu sản phẩm; xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 14.000 và ISO 22.000… Những nỗ lực này nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký kết Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác đầu tư, phát triển kinh tế xã hội với Đại sứ quán Nhật tại Hội nghị Hà Nội 2016 - Hợp tác và đầu tư.
Kết quả những nỗ lực sau Hội nghị 2016 được ghi nhận ở sự cải thiện rõ rệt vị thế của Thủ đô trong một loạt chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh quốc gia và quốc tế: Hà Nội xếp thứ 8/10 thành phố năng động nhất thế giới theo Chỉ số động lực thành phố (CMI) của JLL (Tập đoàn Jones Lang LaSalle hoạt động tại hơn 80 quốc gia trên thế giới trình bày tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos năm 2017; Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của Hà Nội đứng thứ 14/63, tăng 10 bậc so với năm 2016, sau khi tăng 2 bậc so với năm 2015 và lần đầu tiên vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành Tốt. Hà Nội cũng là địa phương đứng đầu cả nước về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT ngành Tài chính, với 100% hồ sơ Đăng ký mã số đơn vị quan hệ ngân sách, Đăng ký giá và Kê khai giá được tiếp nhận và trả kết quả theo hình thức dịch vụ công mức 4. Ngoài ra, 12 thủ tục hành chính đã được triển khai đăng ký qua mạng miễn phí cho doanh nghiệp. Một hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được rút ngắn còn 2 ngày so với mức 2,9 ngày trung bình của cả nước. Đồng thời, phấn đấu trong năm 2017 rút ngắn thời gian từ 20 - 60% so với quy định hiện hành, nhất là các thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng; đảm bảo thời gian nộp thuế tối đa là 110 giờ/năm; tỷ lệ kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 95%; tỷ lệ người hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp 80%; Giảm thời gian tiếp cận điện năng còn dưới 26 ngày...

Nhằm đạt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng GRDP bình quân 8,5-9%; huy động khoảng 2,5 - 2,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư xã hội (vốn ngoài ngân sách chiếm 80%), UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2016: Hợp tác đầu tư và phát triển” (ngày 4/6/2016), thu hút hơn 500 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước...

Hội nghị “Hà Nội 2017-Hợp tác đầu tư và phát triển” năm nay sẽ có sự tham dự của gần 900 đại biểu, trong đó 120 - 150 đại diện một số Thành phố trên thế giới có quan hệ hợp tác với Thành phố Hà Nội; đại diện các Đại sứ quán, cơ quan tham tán thương mại, văn phòng đại diện của các nhà đầu tư nước ngoài, các hiệp hội, tổ chức Việt Nam và quốc tế, 500 đại biểu là các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài
Năm 2016, Hà Nội xếp ở vị trí thứ 3 cả nước về chỉ số Cải cách hành chính -CCHC (PAR index) được xác định theo các tiêu chí thành phần mới và đang tiếp tục cải thiện chỉ số quản trị hành chính công (PAPI). TP đặt mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI; phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tăng tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính qua mạng về đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm xã hội, đất đai; công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu, toàn bộ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận…

Năm 2016, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 277.950 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ (vốn nhà nước tăng 6,6%; vốn ngoài nhà nước tăng 15%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 2,4%). Hà Nội thu hút 1.922,8 triệu USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm 12,7% tổng số và đứng thứ hai cả nước và có 23000 (tức 25% cả nước) doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng hơn 19% về lượng và 42% về vốn so với năm 2015, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn lên mức 202.255 doanh nghiệp, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Tổng dư nợ trên địa bàn đạt 16.113 nghìn tỷ đồng, tăng 19,4% so cùng kỳ. Dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 41,8%; cho vay bất động sản chiếm 8,4%; cho vay tiêu dùng chiếm 9%; cho vay xuất khẩu chiếm 9,8%; tỷ lệ nợ quá hạn trong tổng dư nợ chiếm 3,03% và tỷ lệ nợ quá hạn trong tổng dư nợ cho vay chiếm 4%. Hà Nội thu hút 2.800 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 19,9% so năm 2015; khách nội địa đạt 9.240 nghìn lượt người, tăng 4,3%.

Thay đổi mạnh mẽ ngay từ trong nhận thức

Trong quản lý đầu tư phát triển, một mặt, Hà Nội kiên trì và linh hoạt trong định hướng, hỗ trợ các khu công nghiệp mới phát triển theo hướng chuyên ngành và hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là trong công nghiệp hỗ trợ, phấn đấu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; trung tâm công nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu của cả nước, từng bước trở thành trung tâm mạnh về công nghiệp phần mềm, nội dung số và công nghiệp phần cứng trong khu vực. Mặt khác, Hà Nội cũng tăng cường kiểm soát các dự án gây ô nhiễm môi trường, lãng phí năng lượng và tài nguyên; đẩy mạnh chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, lừa đảo trong kinh doanh, vi phạm chế độ bản quyền, thương hiệu hàng hóa. Đồng thời, cả hệ thống chính trị trên địa bàn cũng đang đẩy mạnh hơn cuộc đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và sự vô cảm…

Về tổng thể, có thể thấy, Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức và cả những nỗ lực đồng bộ trên thực tế trong quản lý nhà nước nói chung, trong công tác xúc tiến đầu tư và hợp tác phát triển nói riêng. Những thành công bước đầu nêu trên là rất đáng ghi nhận và Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển” sẽ tiếp tục bổ sung phương hướng và động lực để Thành phố kiên trì đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và cả nước, tiếp tục vượt qua những thách thức, phản ứng linh hoạt và hiệu quả hơn với những động thái thị trường, không ngừng nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả cạnh tranh kinh tế và quản lý nhà nước trên địa bàn, để Thủ đô ngày càng phát triển đang hoàng hơn, to đẹp hơn, có trách nhiệm hơn, xứng đáng với lòng tin yêu và hy vọng của cả nước.

Nửa đầu năm 2017, so cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn Thủ đô tăng 5,9%; Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ đạt 917.793 tỷ đồng, tăng 7,4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4.730 triệu USD, tăng 12,2% (xuất khẩu địa phương ước đạt 3.924 triệu USD tăng 14,3%); thu hút 1.516 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 15,1% và hơn 4 triệu lượt khách khách trong nước, tăng 5,3%. Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tiếp tục tăng mạnh. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hiện có 915 doanh nghiệp niêm yết, tăng thêm 122 doanh nghiệp so đầu năm; Giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt 589.000 tỷ đồng, tăng 29,6% so đầu năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần