Những câu chuyện ấm tình người

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến tranh đã qua đi gần một phần hai thế kỷ nhưng vẫn để lại những di chứng, vết thương lòng suốt cả cuộc đời không thể lành. Còn gì đau đớn hơn khi chiến tranh cướp đi chức năng sinh sản của người phụ nữ đang ở độ tuổi thanh xuân.

Chị Nguyễn Thị Thiêm - Nhân viên y tế Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 đang xoa bóp cho bà Vương Thị Là - cựu thanh niên xuong phong. Ảnh: Trần Oanh
Thích ứng trong mùa dịch
Chiều cuối tháng 4, khi lệnh giãn cách xã hội ở Hà Nội được nới lỏng, tại Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 (tại xã An Viên, huyện Ứng Hòa) vẫn thực hiện nghiêm những quy định về phòng chống dịch bệnh. Khách đến Trung tâm làm việc, ngay từ đầu cổng ra vào phải cung cấp đầy đủ thông tin liên quan, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn...
Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 hiện đang nuôi dưỡng 47 đối tượng NCC, chia làm 3 nhóm đối tượng phục vụ (nhóm 1, phục vụ 100% từ A - Z, có hơn 10 người; nhóm 2 phục vụ 50%, hơn 20 người; nhóm 3 phục vụ 30%, gồm số người còn lại).
Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Nguyễn Văn Nhiêu cho biết, từ đầu năm 2020, Trung tâm đã thực hiện đo thân nhiệt, phun thuốc khử khuẩn mỗi tuần một lần.
Từ cuối tháng 3, thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ và các chỉ thị của TP Hà Nội, cứ 3 ngày Trung tâm lại phun thuốc khử khuẩn một lần toàn bộ các khu nhà, lau chùi sạch sẽ phòng làm việc, phòng ở của người có công (NCC). Cùng với đó, Trung tâm thành lập một tổ phản ứng nhanh; bố trí 3 phòng cách ly cho NCC, cán bộ, nhân viên, người nhà của NCC và có phòng tiếp khách riêng.
Thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, Trung tâm quán triệt quy định người từ 60 tuổi trở lên không được ra khỏi nhà. “Lúc đầu, các cụ NCC bức xúc nhưng chúng tôi kiên trì tuyên truyền tới từng đối tượng, hàng ngày mở ti vi cho các cụ xem theo dõi tình hình dịch bệnh Covid-19 ở trong nước và thế giới. Từ đó, mọi người thấy rõ được mức độ nguy hiểm khi dịch bệnh lây lan nên đã nghiêm chỉnh chấp hành, khi ra khỏi phòng đều đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn” - ông Nhiêu cho biết.
Chăm người có công như cha mẹ
Đứng trên tầng 2 của khu nhà làm việc, nhìn ra phía trước là mảng xanh mát mắt của vườn rau, hoa và cây cảnh cùng tiếng chim hót.... Trong thời khắc tháng 4 lịch sử, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Nguyễn Văn Nhiêu xúc động nhớ về những năm tháng đã qua. Nhiều kỷ niệm cũ ùa về. Chỉ một tháng nữa thôi, ông sẽ rời xa Trung tâm - nơi đã gắn bó gần 35 năm để về hưu. “Có rất nhiều câu chuyện đặc biệt về NCC. Tôi có kể cả ngày cũng chẳng hết” – ông Nhiêu xúc động nói.
Giám đốc Nguyễn Văn Nhiêu buồn buồn kể ngày 7/3/2020 đã phải tiễn biệt cụ Nguyễn Thị Ngô (99 tuổi) là Mẹ Việt Nam anh hùng cuối cùng ở Trung tâm. Theo nguyện vọng của cụ Ngô lúc sống, Trung tâm và chính quyền địa phương đã tổ chức tang lễ và đưa cụ về chôn cất tại quê nhà. Trong đám tang, từ Ban Giám đốc, đến cán bộ, nhân viên đều để tang, coi cụ như thân sinh của mình.
Giám đốc Nguyễn Văn Nhiêu cũng kể về một trường hợp NCC cao tuổi, bị bệnh nặng, nằm bất động, nhân viên nuôi dưỡng phải trở người liên tục. Tuy nhiên, do nằm nhiều ngày, các vết loét vỡ ra dính xuống chăn, đệm, khiến cụ đau đớn. Mọi cách thức như bôi thuốc, lau chùi, vệ sinh cơ thể liên tục, dùng đệm nước... không giảm bớt được những vết loét.
Cán bộ, nhân viên ở Trung tâm thương cụ trào nước mắt xót xa. Họ đã cắt những tàu lá chuối, tước bỏ sống, rửa sạch, lau khô, trải dưới người. Quả nhiên, dịch mủ không thấm xuống giường, người bệnh không bị hấp hơi và nóng.
Việc cho cụ ăn là cả quá trình rất đỗi gian nan nhưng những cán bộ chăm sóc NCC không nản, từ cho ăn cơm với thịt cắt nhỏ, đến xay cơm trộn thức ăn, cháo loãng, xay cháo lọc lấy nước hút vào ống xi lanh rồi qua ống luồn bơm vào thực quản. Khi mọi đường ăn uống không thể thực hiện được nữa, giải pháp cuối cùng là truyền thuốc bổ vào đường tĩnh mạch để nuôi sống cơ thể cụ. Từ những cách làm đó, anh em Trung tâm đã giúp cụ kéo dài sự sống thêm được 7 năm.
“Trung tâm quán triệt cán bộ, nhân viên, luôn coi các đối tượng NCC như cha mẹ mình, phục vụ tận tâm; khi các cụ nói gì thì tiếp thu rồi giải thích sau” - ông Nhiêu cho biết.
Hiện nay, theo quy định, chế độ ăn uống mỗi ngày của NCC là 50.000 đồng. Trong đó, bữa ăn sáng 10.000 đồng được Trung tâm thực hiện theo sở thích và bệnh lý của từng NCC. Thực đơn bữa ăn trưa và chiều luôn được thay đổi, bảo đảm dinh dưỡng và luôn có rau tươi trong vườn. Những ngày có dịch, nhân viên mang các suất ăn đến phòng cho từng NCC để bảo đảm thực hiện giãn cách xã hội.
Tri ân người có công 
Ở Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2, mỗi NCC là một câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều cố gắng vượt lên hoàn cảnh. Khi thấy khách đến thăm, cụ Nguyễn Thị Thảo, 82 tuổi, là vợ liệt sĩ hết sức vui mừng. Tuổi cao nhưng vẫn minh mẫn, cụ Thảo kể cho chúng tôi nghe về việc thực hiện chống dịch như phải đeo khẩu trang trước khi bước ra khỏi cửa phòng, thường xuyên lau dọn phòng ở sạch sẽ...
“Các anh, em tôi và anh, chị chồng chết hết. Con gái 57 tuổi, nhưng ở tận miền Nam, cuộc sống không dư giả nên mấy năm mới về thăm mẹ một lần”- cụ Thảo nói.
Cụ kể về năm 20 tuổi, lấy chồng làm công nhân trên Phú Thọ, 6 năm sau mới sinh được mụn con gái. Cuối năm 1964, khi con được 6 tháng, người chồng lên đường nhập ngũ làm lính trinh sát trong Đà Lạt, bặt vô âm tính. 7 năm sau, cụ nhận tin chồng hy sinh. Nén đau thương vào lòng, cụ gồng gánh nuôi con. Tâm nguyện lớn nhất của cụ là đi tìm hài cốt chồng cũng đã được thực hiện, dù chỉ còn ít mảnh vụn.
Trường hợp bà Vương Thị Là quê ở xã Ninh Sở, huyện Thường Tín cũng hết sức đau thương. Năm 1971, khi 20 tuổi, cô gái trẻ Vương Thị Là đi thanh niên xung phong ở mặt trận Quảng Trị, bị bom khoan xuyên vào người làm nát buồng trứng và dạ con. Năm 1973, sau nhiều tháng nằm điều trị, cô Là được trở về quê hương. Không muốn làm khổ người khác, cô quyết định sống cùng mẹ và em gái...
69 tuổi đời, luôn phải đeo đai để hỗ trợ cột sống bị xẹp, khó khăn lắm cô mới ngồi được một lúc để trò chuyện. “Vết thương chèn ép làm tôi bị teo cơ, đôi chân càng ngày càng teo tóp lại. Hàng ngày tôi phải uống nhiều loại thuốc tiểu đường, tim mạch, mỡ máu, huyết áp... Giờ đây, tôi chỉ muốn gắn bó với nơi này, để được hưởng cái tâm, cái phúc, tình cảm của các anh chị ở Trung tâm” – bà Là rơm rớm nước mắt.
Giám đốc Nguyễn Văn Nhiêu cho biết, dịp kỷ niệm ngày 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trung tâm sẽ nấu những món ăn tươi, chia thành suất được mang đến từng phòng phục vụ cho từng đối tượng NCC. Ông bảo, chỉ mong sao những NCC luôn khỏe mạnh để cán bộ, nhân viên chăm sóc là cách cảm ơn NCC đã hy sinh thân mình vì Tổ quốc để mọi người có cuộc sống hòa bình hôm nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần