Những câu hỏi từ vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua sự kiện pháp luật thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận là vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén.

Sau hơn 17 năm bị tù oan về tội giết người và cướp tài sản, “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén trú tại thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận chính thức được minh oan. Câu chuyện kêu oan gần hai thập kỷ của người tù này sẽ còn được nhiều người nhắc lại.
Dư luận vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra sau vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén.
Dư luận vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra sau vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén.
Việc ông Huỳnh Văn Nén vừa được trả tự do sau hơn 17 năm ở tù vì bị cho là hung thủ sát hại bà Lê Thị Bông, lại một lần nữa gây rúng động dư luận. Trước ông từng có nhiều người phải chịu cay đắng, khổ sở chỉ vì sai sót của các cơ quan tố tụng như ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, 7 thanh niên ở Sóc Trăng, hay ông Bùi Minh Hải ở Đồng Nai, ông Trần Văn Chiến ở Tiền Giang… Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ án oan này là do các điều tra viên đã sử dụng bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra. 

Cho đến nay, trường hợp của ông Huỳnh Văn Nén có thể xem là án oan có một không hai trong lịch sử tố tụng ở nước ta vì có nhiều tình tiết đặc biệt. Đặc biệt nhất là ông Nén từng cùng lúc bị kết tội là thủ phạm trong một vụ án “Giết người”, “Cướp tài sản” và đồng phạm trong một vụ giết người khác cũng xảy ra trong cùng địa phương nơi ông cư ngụ.

Khác với trường hợp Nguyễn Thanh Chấn, sau 10 năm thụ án đã được minh oan do có người đầu thú, việc ông Nén được giải oan lại do sự kiên trì không chỉ của chính người cha mà còn của nhiều người không là thân nhân. Người tiên phong trong việc kêu oan cho Nén chính là ông Nguyễn Thận, lúc bấy giờ là chủ tịch UBND xã Tân Minh (nay là thị trấn Tân Minh).

Nhìn lại hàng loạt vụ án oan chúng ta đều thấy ngay từ đầu những bị can, bị cáo đã kêu oan nhưng không được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, họ chỉ được minh oan sau khi có thủ phạm đích thực ra đầu thú, hoặc đã bắt giữ được nghi can trực tiếp gây ra vụ án…Ông Huỳnh Văn Nén, ông Nguyễn Thanh Chấn phải sống cay đáng cơ cực trong tù từ 10 đến 17 năm mới được minh oan… Có người đặt ra câu hỏi tại sao việc điều tra xem xét giải quyết minh oan cho người bị oan trong tố tụng hình sự lại diễn ra quá chậm chạp đến như vây?.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, việc minh oan cho ông Nén cũng như một số người bị oan khác là rất muộn, song họ có thể vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác và đây cũng là tín hiệu đáng mừng trong tiến trình Cải cách tư pháp ở Việt Nam.

Công lý đến với ông Nén tuy có muộn nhưng phải nói rằng nhờ có sự đổi mới, đầy trách nhiệm của Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội, sự vào cuộc thiện chí có trách nhiệm của Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân Tối cao… Các cơ quan tố tụng Bình Thuận đã thấy được sai lầm mình gây ra cách đây hơn 17 năm… Công lý đến muộn nhưng dù sao cũng đã sáng tỏ. Đây cũng là bài học xương máu để sửa chữa những “khuyết tật” trong quá trình cải cách tư pháp…

Có oan sai tất phải có người chịu trách nhiệm. Người bị oan tất yếu phải được bồi thường. Tuy nhiên một câu hỏi sau những vụ án oan Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn cũng đang được dư luận đặt ra đó là tiền bồi thường ấy lấy từ đâu? có lấy từ túi của điều tra viên, của thẩm phán - những người đã đẩy ông vào tù một cách cảm tính, hay lại lấy tiền từ ngân sách từ nhân dân đóng thuế? Những người gây ra oan sai thì chịu trách nhiệm gì? Người dân đang chờ đợi những câu trả lời từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần