Những chia sẻ xúc động của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong lễ tang nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/4, lễ viếng và đưa tang nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã được diễn ra tại Nhà tang lễ TP (125 Phùng Hưng, Hà Nội). Đông đảo người thân, độc giả đã đến tiễn đưa “Bác sỹ hoa súng” Hoàng Nhuận Cầm.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7/2/1952 tại Hà Nội, cựu sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) đột ngột ra đi 16 giờ 30 phút chiều 20/4 do cơn tắc nghẽn phổi mãn tính, hưởng thọ 70 tuổi. Ông là con đầu lòng của nhạc sĩ Hoàng Giác.

Dù 14 giờ 30 ngày 24/4, lễ viếng mới bắt đầu nhưng trước đó nhiều người thân, độc giả yêu mến nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã có mặt tại nhà tang lễ TP để vào viếng. Đúng 14 giờ 30, đoàn con cháu cũng như gia đình đã đi vòng qua linh cữu nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Tiếp theo đó là lần lượt các đoàn thể, cá nhân đã vào thắp hương cũng như nhìn mặt lần cuối đối với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Sau 1 tiếng đồng hồ, đúng 15 giờ 30 lễ truy điệu được diễn ra trong không khí trang nghiêm trước linh cữu của nhà thơ.
 Gia đình nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là đoàn vào viếng đầu tiên.

Đọc điếu văn tại lễ truy điệu, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã bày tỏ sự tiếc nuối trước sự ra đi của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Sự ra đi của ông khiến giới văn chương và cả những người yêu thơ, những khán giả còn nhớ vai diễn "Bác sĩ Hoa súng" của Hoàng Nhuận Cầm đau xót, hụt hẫng. Trong điếu văn do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có nêu: "Hoàng Nhuận Cầm là một nhà thơ chân chính, chỉ biết cúi đầu trước mẹ, trước tổ quốc và trước cái đẹp và vầng trăng là một biểu tượng. Chúng ta sẽ không bao giờ quên ông, thi sĩ tài hoa, đặc sắc của một thời đại thi ca Việt.

Cuộc sống đời thường của Hoàng Nhuận Cầm có khá nhiều u buồn. Những cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Ông là một người cha tận tụy, quên mình, yêu thương con vô bờ. Một trong những tình yêu lớn ông truyền lại cho các con là tình yêu nghệ thuật. Ông hết lòng chăm lo cho mọi người nhưng lại không biết chăm lo cho chính bản thân mình. Ông sống giản dị, tằn tiện, làm việc quên mình dù biết mang trong người căn bệnh nguy hiểm..."

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có 4 người con. Do dịch bệnh Covid-19, con gái cả của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là Hoàng Thư Trang đang ở Singapore đã không kịp về đưa tang cha. Trong sự nghiệp cuộc đời của mình, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã để lại nhưng tác phẩm tiêu biểu của ông như: Chiếc lá buổi đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu,...

 Đoàn báo Kinh tế & Đô thị do Tổng Biên tập Nguyễn Minh Đức là Trưởng đoàn vào viếng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Ngoài thơ ca, ông còn viết kịch bản phim. Ông là tác giả kịch bản của rất nhiều bộ phim nổi tiếng như: Đêm hội Long Trì, Hà Nội - Mùa đông năm 1946, Mùi cỏ cháy...Ông cũng tham gia diễn xuất với vai Bác sĩ Hoa Súng trong chương trình Gặp nhau cuối tuần và vai nhà thơ trong phim Số đỏ.

Đông đảo những người yêu thơ, bạn bè đồng nghiệp trong lĩnh vực văn học, điện ảnh, các bạn học cùng niên khóa khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp, Ban liên lạc hội cựu sinh viên khoa Ngữ văn, hay các đồng đội cùng đi chiến trường... đều lặng lẽ mang vòng hoa, thắp nén hương tiễn đưa ông.

Một số hình ảnh tại lễ tang nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trong chiều ngày 24/4:

 Hội Nhà văn Việt Nam vào viếng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.
 Chiều ngày 24/4, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn có mặt từ rất sớm để viếng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT viết trong sổ tang lễ bày tỏ: "..Thương tiếc anh, một nhà thơ có dấu ấn đặc biệt trong thi ca cuối thế kỷ XX, bởi phong cách thơ, hồn thơ và tình yêu đời, yêu người. Thơ anh làm cho tâm hồn người đọc trẻ trung hơn, sâu lắng hơn và tinh tế hơn. Nay anh tạm biệt cõi nhân gian và phiêu về cõi không có không gian và thời gian nữa nhưng thơ anh còn mãi và mãi được yêu quý ở chốn thời gian vẫn trôi này..."
 Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ chia buồn cùng gia quyến nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

 Cựu sinh viên Ngữ văn của các niên khóa - trường ĐH Tổng hợp (nay là trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) cũng có mặt để thắp hương viếng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.
 
 Những giọt nước mắt bày tỏ sự thương tiếc trước sự ra đi của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.
 NSND Trung Hiếu và NSND Bùi Bài Bình cũng có mặt tại Lễ tang.
 
 NSND Quốc Trị chia buồn cùng với gia đình tang quyến.
 Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức viếng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.
 
 Ban liên lạc hội cựu sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào viếng.
 
 Bà Điệp Vân - vợ cũ nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã có với nhau 2 người con cũng có mặt tại buổi lễ tang. Trong tâm trạng đau buồn, bà bày tỏ: "Có lẽ rằng suốt bao mối tình cùng ông trong cuộc đời chỉ có thơ ca và nghệ thuật là tình yêu bất diệt với ông, không gì có thể chia lìa. Chúng tôi không có duyên sống với nhau đến hết cuộc đời nhưng tôi luôn dành cho ông ấy niềm kính trọng vô bờ".
 Đúng 15 giờ 30, Lễ truy điệu nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm được diễn ra.

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đọc điếu văn bày tỏ những kỷ niệm xúc động, khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
 Con trai nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đọc lời cảm tạ sau khi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc điếu văn.
 Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chính thức về với đất mẹ.