Những chiếc ghế của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo

Võ Hồng Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một vài lần phỏng vấn nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo tại nhà riêng, tôi đặc biệt thích không gian ấm áp này. Căn phòng nhỏ trên tầng 2 phố cổ Hàng Đào (Hà Nội) vây xung quanh khách là vô số những kỷ vật từ các chuyến đi. Trống của người Dao, nón người Tày, gối của người Mường, súng phốc có thể bắn chết chuột của người Thái, muỗng ăn thắng cố của người Mông…

Nguyễn Hữu Bảo nói rằng, anh thích sưu tầm những món đồ đã qua sử dụng. Chẳng hạn như, những chiếc thìa gỗ ăn thắng cố của người Mông, thìa ăn rồi có mỡ bóng lên. Hoặc giả như chiếc gối gỗ của người Mường, nó sẽ óng két lên do cọ sát hàng ngày với… mồ hôi đầu. Nheo đôi mắt đầy vẻ… hiền triết, anh bảo: Nhưng quý nhất là bộ sưu tập ghế nhé. Đoạn lễ mê lên gác và một lúc sau thì bê xuống một phần kho tàng của mình.
 Nguyễn Hữu Bảo tại chợ phiên Tam Đường - Lai Châu, Noel 2016.
Ông anh trưởng tôi làm ở Xí nghiệp phim truyện Việt Nam. Hồi làm mỹ thuật cho phim Vợ chồng A Phủ, đã mang về một cái ghế của người Mông. Năm đó tôi 6 tuổi. Lúc đó tôi đã thấy thích mê. Nó rất xa lạ với một cậu bé ở TP. Nhưng tôi thấy gần gũi ngay. Chắc là do cái tạng của mình bẩm sinh đã thích những gì… cục mịch.
Quả nhiên về sau tôi không chơi đồ cổ, không ưa đồ thủy tinh, pha lê, những thứ đồ bóng bảy. Anh Bảo hài hước giải thích cho thú chơi của mình như vậy. Bếp lửa là linh hồn của không gian trong ngôi nhà đồng bào Tây Bắc. Họ đun nước, uống rượu, nướng khoai, sắn… đều ở xung quanh bếp lửa. Nhiều câu chuyện lãng mạn, bốn mắt nhìn nhau qua ánh lửa bập bùng. Ánh lửa đó cũng mê hoặc hồn người xứ khác. Vật dụng không thể vắng mặt trong không gian đó là những chiếc ghế bếp lửa.
Có dịp đi nhiều nơi, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo nhận ra rằng tuy mỗi vùng có một kiểu riêng, nhưng những chiếc ghế này đều thấp để người ta có thể ngồi quanh bếp lửa. Giờ thì cứ đi vào bản là anh “xông” thẳng vào bếp để tìm ghế. Anh Bảo thích sưu tầm ghế đang dùng, những cái đã cũ. Bởi nhìn cái ghế có cuộc đời. Nó bóng lên do da thịt. Nhìn là có cảm xúc ngay. Người dân tộc làm ghế kỳ công. Sau khi cây mây được mang về sẽ chuốt thành nhiều sợi, kích cỡ đều nhau với độ dài định sẵn. Chuốt xong người thợ sẽ phải hơ qua ngọn lửa hồng cho sợi mây dẻo, khô và óng lại. Chân ghế được làm từ cây song và những thanh gỗ già nhất, có đường kính khoảng 30cm, tất cả cũng đều được hơ qua lửa để khi làm xong ghế thật chắc, các sợi mây đan đều nhau. Những chiếc ghế được đan thuần bằng mây bằng song, không hề dùng đinh mà 10 chân ghế bám quanh một vành đai mây, chắc chắn. Anh đoán, người 200 cân ngồi lên chắc ghế cũng… chịu được.
Trước khi dùng đã được hun khói, rồi lại được lau đi lớp muội bám vào. Lau bằng lá chuối khô, lâu lâu nó lên màu đậm nhạt khác nhau, mà đó chính là màu của sự sống. Những chiếc ghế gần lửa, triệt tận gốc mối mọt. Mỗi chiếc ghế là một câu chuyện. Chẳng hạn như chiếc ghế của đồng bào dân tộc Mông Hoa anh có được sau chuyến đi Mường Hum – “Em là dòng sông Mã/ Anh là núi Mường Hum”, chính nó đấy, địa danh đã đi vào bài hát Tình ca Tây Bắc của Cầm Giang - Bùi Đức Hạnh. Anh đã mua lại chiếc ghế người ta đã dùng lâu đời sau khi đã đền cho gia chủ một chiếc ghế y hệt thế, nhưng mới tinh mua ngoài chợ.

Bộ sưu tập ghế của anh Bảo không cái nào giống cái nào. Nếu nhà rộng hơn, anh sẽ để cả một khu chỉ bày ghế. Ghế không chỉ là ghế đâu. Nó là cuộc đời. Là kỷ niệm của cả một đời người nếm trải với biết bao thăng trầm ấm áp, khúc khuỷu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần