Những "chiến sĩ" trên tuyến đầu chống dịch Covid-19: Áp lực nào cũng có giới hạn

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Chính trị đã kêu gọi toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, vào cuộc mạnh mẽ hơn trong phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch; mỗi thôn, tổ dân phố, gia đình là một pháo đài. Việt Nam nhất định sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19.

Bác sĩ làm nhiệm vụ bên trong khu vực cách ly Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Phạm Hùng.
Trên mọi miền Tổ quốc, hàng triệu y bác sĩ, chiến sĩ, tình nguyện viên đang đồng hành, chung tay chống dịch với một quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Chưa bao giờ, tinh thần đoàn kết, quyết thắng vì một mục tiêu mang bình an đến cho Tổ quốc lại dâng cao đến vậy.
Nhiều hình ảnh đầy xúc động khiến người xem không thể cầm lòng. Đó là những chiến sĩ “nhường cơm, sẻ áo”, ăn, ngủ vạ vật, đôi khi chỉ là bát mì tôm, chiếc bánh mì, cơm nắm, lương khô, dành chỗ ăn nằm sạch sẽ, ấm áp của mình cho người cách ly. Đó là những người thầy thuốc làm việc xuyên đêm, nhịn cả ăn, cả uống để phục vụ bệnh nhân…
Những con người sẵn sàng cống hiến hy sinh trong mọi hoàn cảnh, điều kiện vật chất khó khăn đã chạm đến trái tim của bất cứ ai. Cuộc chiến sẽ còn dài, chẳng nhẽ cứ tiếp tục để những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch mãi phải sống trong điều kiện như vậy?
Hãy nhìn ra nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Italia, Iran, nhiều nhân viên y tế nhiễm bệnh, nhiều trường hợp tử vong vì lây nhiễm chéo. Và có lẽ, họ đã quá kiệt sức khi đêm ngày phục vụ bệnh nhân, áp lực công việc quá căng thẳng, nặng nề. Ở Việt Nam, đã có bác sĩ đầu ngành trực tiếp điều trị cho bệnh nhân bị lây nhiễm chéo, 2 nhân viên y tế khác cũng dương tính với Covid-19, có thể sẽ còn thêm nhiều y bác sĩ có nguy cơ nhiễm bệnh.
Bộ Y tế đã phát động phong trào thi đua chung tay phòng chống dịch. Bộ huy động toàn bộ lực lượng trong ngành y tế Nhà nước, y tế tư nhân, lực lượng quân dân y, các trường đào tạo ngành y, cán bộ y tế đã nghỉ hưu chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 theo phương châm "chống dịch như chống giặc" cùng khẩu hiệu: "Chủ động ngăn chặn - Phát hiện sớm - Cách ly kịp thời - Khoanh vùng gọn - Dập dịch triệt để - Điều trị khỏi bệnh". Tất cả cán bộ, nhân viên y tế đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ và cách ly tại các cơ sở y tế khi điều trị bệnh nhân để bảo đảm an toàn cho gia đình, cộng đồng. Bộ cũng kêu gọi cộng đồng đoàn kết, ủng hộ tinh thần và tiếp thêm sức mạnh để các thầy thuốc đứng vững trong cuộc chiến chống dịch.
Bệnh dịch chắc chắn sẽ qua đi nhưng hậu quả để lại nhiều hay ít là do hành động của mỗi chúng ta. Giờ đây, quan trọng hơn hãy chung tay, dồn lực, giúp sức để những chiến sĩ chống dịch được sống và làm việc trong điều kiện bảo đảm hơn, để họ có đủ sức khỏe để phục vụ Nhân dân, cuộc chiến e còn dài lâu. Áp lực nào cũng có giới hạn, đừng để đến lúc quá muộn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần