Những chính sách mới từ tháng 7/2018: Tăng lương cơ sở, giảm giá khám chữa bệnh BHYT

Trương Huyền (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lương cơ sở tăng lên 1.390.000 đồng/tháng từ 1/7/72018 kéo theo sự điều chỉnh mức đóng - hưởng trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, nhiều chính sách về lương, thưởng... có tác động đến hàng chục triệu người dân.

 
Lương cơ sở tăng thêm 90.000 đồng/tháng
Từ ngày 1/7/2018, Nghị định 72/2018/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở cấp huyện, ở cấp xã, ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.300.000 đồng/tháng lên 1.390.000 đồng/tháng. Mức lương cơ sở mới sẽ dùng làm căn cứ tính phụ cấp, thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

9 nhóm đối tượng sẽ được áp dụng chính sách trên, gồm: Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 200; Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008; Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật viên chức năm 2010; Người làm việc trong tổ chức cơ yếu; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố…

Sự điều chỉnh này có tác động lớn tới quy định đóng - hưởng trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, nhiều chính sách về lương, thưởng... Cụ thể:
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

Nghị định số 88/2018/NĐ-CP điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng có hiệu lực từ 1/7/2018. Theo đó, mức điều chỉnh tăng thêm là 6,92% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6 năm 2018.

8 nhóm đối tượng được điều chỉnh hưởng là: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng; Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng…
Thay đổi mức đóng - hưởng bảo hiểm y tế

Mức đóng bảo hiểm y tế của một số đối tượng sẽ tăng thêm từ 58.500 đồng/tháng lên 62.550 đồng/tháng gồm: Người đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, người có công với cách mạnh, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, hộ gia đình …
Thay đổi tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội

Khi mức lương cơ sở thay đổi từ 1/7/72018 sẽ kéo thay việc điều chỉnh tăng mức đóng BHXH, cụ thể: Số tiền đóng bảo hiểm xã hội đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã = 1.390.000 x 8% = 111.200 đồng/tháng.

Số tiền đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng khác hưởng tiền lương do Nhà nước quy định = (Lương + các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng/tháng) x 8%.

Số tiền tối đa đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động, người hưởng tiền lương do Nhà nước quy định = 1.390.000 x 20 x 8% = 2.224.000 đồng/tháng.

Ngoài ra, mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện tối đa cũng thay đổi. Theo đó, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (hoặc tự nguyện) nếu cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (hoặc tự nguyện) chỉ được bằng 20 tháng lương cơ sở. Do đó, mức cao nhất sẽ là 27.800.000 đồng/tháng (1.390.000 đồng/tháng x 20).
Tăng trợ cấp thai sản

Theo Điều 38 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, việc trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được quy định như sau: Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Chi thưởng cho công chức, viên chức ngành kiểm toán

Theo Nghị định 66/2018/NĐ-CP về chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2018: Hàng năm, KTNN được trích 5% số tiền do KTNN phát hiện và kiến nghị theo quy định để chi khuyến khích, thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của KTNN.

Số tiền bao gồm các khoản tăng thu ngân sách nhà nước về thuế, phí, lệ phí; các khoản đã chi ngân sách sai chế độ đã nộp lại; các khoản chi ngân sách sai chế độ đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý giảm chi, giảm thanh toán; các khoản kinh phí bố trí dự toán vượt định mức, sai nguồn do KTNN phát hiện và kiến nghị đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý thu hồi…

Mức chi không vượt quá 0,8 lần mức lương do Nhà nước quy định gồm lương ngạch bậc, chức vụ; các khoản phụ cấp chức vụ, vượt khung, ưu đãi theo nghề.
 
Gây oan sai, công chức phải hoàn trả bằng lương

Nghị định 68/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 quy định: Gây oan san, công chức phải dùng lương để hoàn trả số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị oan sai. Trong đó, mức hoàn trả trong trường hợp công chức cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

- Nếu Nhà nước đã bồi thường hơn 100 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại, mức hoàn trả là 50 tháng lương của người đó;

- Nếu Nhà nước đã bồi thường từ trên 80 - 100 tháng lương, mức hoàn trả từ 40 - 50 tháng lương nhưng tối đa 50% số tiền mà Nhà nước bồi thường;

- Nếu Nhà nước đã bồi thường từ 60 - 80 tháng lương, mức hoàn trả từ 30 đến dưới 40 tháng lương nhưng tối đa 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;

- Nếu Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 60 tháng lương, mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.

Bên cạnh đó, cơ quan có người thi hành công vụ gây thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự phải trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai với người bị thiệt hại.
Giảm giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Thông tư 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 15/7.

Cụ thể: Giá viện phí nhiều dịch vụ y tế tại tất cả các cơ sở y tế công lập đều giảm mạnh, tổng cộng điều chỉnh 88 dịch vụ y tế. Giá khám bệnh ở bệnh viện (BV) hạng đặc biệt và BV hạng 1 giảm từ 39 nghìn đồng xuống 33,1 nghìn đồng/lượt khám, BV hạng 2 từ 35 nghìn đồng xuống 29,6 nghìn đồng/lượt, BV hạng 3 từ 31 nghìn đồng xuống 26,2 nghìn đồng/lượt, BV hạng 4 và trạm y tế xã từ 29 nghìn đồng xuống 23,3 nghìn đồng/lượt.

Giá giường bệnh hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại bệnh viện hạng đặc biệt là 687,1 nghìn đồng/ngày; tại BV hạng 1 có giá là 615,6 nghìn đồng/ngày; BV hạng 2 là 522,6 nghìn đồng/ngày với giường bệnh hồi sức cấp cứu tại BV hạng đặc biệt là 401,3 nghìn đồng/ngày; hạng 1 là 373,9 nghìn đồng/ngày; hạng 2 là 287,8 nghìn đồng/ngày…

Bên cạnh đó, hàng chục dịch vụ cận lâm sàng cũng được điều chỉnh giảm giá, như phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện giảm từ gần 3,7 triệu đồng xuống còn 1,6 triệu đồng; phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày từ hơn 4 triệu đồng xuống còn gần 2,9 triệu đồng... Các dịch vụ nội soi tai mũi họng giảm từ 202 nghìn đồng xuống 100 nghìn đồng/lượt, siêu âm giảm từ 49 nghìn đồng xuống 38 nghìn đồng, chụp X-quang số hóa một phim từ 69 nghìn đồng xuống 62 nghìn đồng; chụp CT scanner đến 32 dãy không có thuốc cản quang từ 536 nghìn đồng xuống còn 512 nghìn đồng, chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang từ 2 triệu 336 nghìn đồng xuống 2,2 triệu đồng…
Tham gia bán hàng đa cấp phải được đào tạo về pháp luật ít nhất 8 tiếng

Thông tư 10/2018/TT-BCT quy định người tham gia bán hàng đa cấp phải được đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, kết thúc khóa đào tạo phải làm bài kiểm tra, có hiệu lực từ ngày 15/7/2018.

Trong đó, khung chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp phải đảm bảo thời lượng đào tạo tối thiểu 8 tiếng; chương trình đào tạo gồm 5 nội dung, gồm: Tổng quan về bán hàng đa cấp; Pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp; Quy tắc đạo đức nghề nghiệp bán hàng đa cấp; Pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Pháp luật về quảng cáo.
 Ảnh minh họa
Không cho phép dân cư sinh sống trong khu công nghiệp

Theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, dân cư không được phép sinh sống trong khu công nghiệp, khu chế xuất; chuyên gia nước ngoài sinh sống tại đây không được kèm người thân. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/7/2018.

Cũng trong Nghị định, về chính sách đối với khu công nghiệp, khu kinh tế và khu chế xuất, Nghị định quy định: Cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất mang ngoại hối từ nội địa Việt Nam vào khu chế xuất và ngược lại không phải khai hải quan; Doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế được hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề liên quan khác trong triển khai thực hiện dự án;

Doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế được khấu trừ chi phí xây dựng, vận hành hoặc thuê chung cư và các kết cấu hạ tầng phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế để tính thu nhập chịu thuế…
Những thiết bị không được sản xuất, kinh doanh từ 10/7/2018

Theo Quyết định 24/2018/QĐ-TTg ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới, từ ngày 10/7/2018, không cho phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các thiết bị có hiệu suất năng lượng không đáp ứng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu quy định tại các Tiêu chuẩn quốc gia như: Bóng đèn huỳnh quang không đáp ứng tiêu chuẩn của TCVN 7866:2008; Tủ lạnh không đáp ứng tiêu chuẩn của TCVN 7828:2013; Máy giặt không đáp ứng tiêu chuẩn của TCVN 9536:2012…

Từ ngày 10/7/2020, không cho phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các thiết bị có hiệu suất năng lượng không đáp ứng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu quy định tại các Tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng, như: Bóng đèn huỳnh quang không đáp ứng tiêu chuẩn của TCVN 7896:2015; Màn hình máy tính không đáp ứng tiêu chuẩn của TCVN 9508:2012; Máy in không đáp ứng tiêu chuẩn của TCVN 9509:2012.
Bãi bỏ hương ước, quy ước quy định về phí, tiền phạt

Theo Quyết định 22/2018/QĐ-TTg quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận, lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư.

Trong đó, hương ước, quy ước phải đảm bảo các nguyên tắc như: Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất; Không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới; Chỉ được thông qua khi có trên 50% tổng số cử tri tán thành…

Đặc biệt, hương ước, quy ước xây dựng trước ngày 1/7/2018, quy định về phí, lệ phí, tiền phạt… phải được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ trước ngày 31/12/2018.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần