Những chính sách tác động đến thị trường bất động sản năm 2021

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ cuối quý IV/2020, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ xem xét, ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho thị trường bất động sản (BĐS) phục hồi và phát triển trong năm 2021.

Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho biết, trong năm 2020 trước sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành đã trình Chính phủ ký ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho thị trường BĐS.
Những chính sách này không chỉ có tác động tức thời mà còn được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho thị trường trong năm 2021 và những năm tiếp theo, như: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; Nghị định quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Nghị định về quản lý vật liệu xây dựng.
Những thay đổi về cơ chế được kỳ vọng sẽ giúp thị trường phục hồi.

Tại kỳ họp thứ 9 ngày 17/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14), với nhiều điểm mới (như: Bổ sung công trình được miễn giấy phép (Khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung 2020), theo đó: công trình quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động... được miễn giấy phép; thời gian cấp giấy phép được rút ngắn 10 ngày so với quy định Luật Xây dựng năm 2014 (điểm b Khoản 36 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020), theo đó thời gian cấp giấy phép chỉ còn trong thời gian 20 ngày;
Bỏ quy định về đủ vốn khi khởi công xây dựng (Khoản 39 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung 2020), không còn quy định điều kiện về bố trí đủ vốn theo tiến độ xây dựng công trình; Quy định cụ thể một số dự án phải đánh giá tác động môi trường (Khoản 11 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020), luật mới đã bổ sung quy định đánh giá sơ bộ tác động môi trường khi lập dự án đầu tư xây dựng; Tăng cường phân cấp trong thực hiện thủ tục cấp Giấy phép xây dựng (điểm c Khoản 36 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung 2020), theo đó UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt thay vì Bộ Xây dựng như quy định trước đây, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2020).
Cũng tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư 2020 (Luật số 61/2020/QH14), với nhiều điểm mới, như: Thống nhất việc thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở, khu đô thị, dự án bất động sản thực hiện theo trình tự thủ tục của pháp luật về đầu tư;
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh BĐS 2014, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp... và kết hợp với Luật Xây dựng (sửa đổi) đã đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở, BĐS).
Ngoài ra, một số chính sách khác được sửa đổi, bổ sung có nhiều tác động cho thị trường BĐS, như: Nghị định số 25/2020/NĐ-CP đã tháo gỡ được điểm nghẽn của các dự án BĐS về thủ tục giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu; Nghị định số 68/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết;
Nghị quyết 164/NQ-CP (áp dụng đến khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực 01/01/2021);Trong đó, các dự án chỉ thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014 mà không phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP; Nghị định số 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, với nhiều quy định mới.
"Để tiếp tục hoàn thiện thể chế và tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, hiện Bộ Xây dựng đang tích cực hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian tới một số cơ chế, chính sách quan trọng: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp" - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho hay.