Những chuyển biến tích cực từ bãi rác Xuân Sơn

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh, nhu cầu đời sống của người dân ngày càng cao, thì vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng nhức nhối.

Lượng rác thải sinh hoạt gia tăng hàng ngày, khiến cho các khu xử lý rác thải tập trung của TP luôn trong tình trạng quá tải.
Từng bước nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường
Còn nhớ khu xử lý chất thải rắn (XLCTR) Xuân Sơn (Sơn Tây, Hà Nội), nơi trước đây là một trong những điểm nóng về môi trường, gồm nhiều đơn vị vận hành khiến cho việc kiểm soát chất lượng, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường của các cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng kỹ thuật xuống cấp chưa được đầu tư quan tâm đúng mức, phương pháp tiếp nhận rác tại các ô chôn lấp, quản lý nước rác chưa khoa học, tồn tại nhiều bất cập.
Ô chôn lấp phủ bạt tách nước mưa, ngăn mùi, côn trùng.
Tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, người dân thường xuyên tổ chức ngăn chặn xe chở rác vào khu xử lý (riêng trong năm 2017 diễn ra 4 đợt, có đợt diễn ra 3 tháng từ 5/8/2017 đến 3/11/2017) gây nhiều khó khăn cho công tác xử lý rác thải trên địa bàn. Ngày 30/6/2017, TP quyết định bàn giao việc quản lý vận hành khu XLCTR Xuân Sơn cho Công ty TNHH Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) (trừ 2 nhà máy đốt).
Bằng bề dày kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực môi trường, mặc dù mới hơn 1 năm tiếp quản lại, Urenco đã từng bước thay đổi bộ mặt của khu xử lý, từng bước nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, ổn định an ninh trật tự trong khu vực.
Thêm nhiều nỗ lực, diện mạo mới được ghi nhận
Từ ngày tiếp quản, chi nhánh Xuân Sơn - đơn vị trực thuộc Công ty TNHH Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco 6) đă có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý vận hành khu XLCTR Xuân Sơn.
Mặc dù cơ sở hạ tầng trước đây không được đầu tư đồng bộ, xuống cấp; lượng rác phát sinh hằng ngày tăng khiến các ô chôn lấp phải tiếp nhận vượt công suất; thời tiết diễn biến bất thường; đơn giá định mức còn nhiều bất cập chưa phản ánh đúng thực tế vận hành (từ lượng rác ≤500 tấn/ngày lên hơn 1.000 tấn/ngày) khiến cho công tác quản lý vận hành của Urenco 6 gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng đến nay, khu xử lý đã có diện mạo mới, ổn định và chuyên nghiệp hơn, được người dân và chính quyền địa phương ghi nhận.
Phương pháp tiếp nhận rác khoa học hơn trước đây. Sân quay, đường đổ rác bằng đá cấp phối được xây dựng thay cho đường bê tông, khiến cho xe ra vào đổ rác lên cao được thuận tiện, an toàn, liên tục, không tắc bãi, lốp xe được bảo vệ tốt hơn.
“Từ khi có tuyến đường đá, các xe ra vào không phải chờ đợi lâu, lốp xe được an toàn hơn” anh Nguyễn Văn Hải, lái xe công ty CPDV Môi trường Thăng Long cho hay.
Trong khi đó, các ô chôn lấp được che phủ tối đa, chỉ để hở phần diện tích đang tiếp nhận rác nên hạn chế được nước rác phát sinh, hạn chế sự phát triển của côn trùng gây bệnh, phát tán mùi; đồng thời các xe ra vào đổ rác đuợc giám sát nghiêm ngặt thông qua hệ thống cân điện tử và camera.
Nước rác phát sinh từ các ô chôn lấp được bơm hút thông qua hệ thống máy bơm, luân chuyển về các hồ chứa, sau đó bơm vào các trạm xử lý nước rác (XLNR) để xử lý đạt tiêu chuẩn xả ra ngoài theo giấy phép xả thải. Trong quá trình XLNR đều có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương và các bên liên quan. Các hồ chứa nước rác được duy trì ổn định, an toàn.
“Từ ngày Urenco 6 về vận hành khu xử lý, có nhiều chuyển biến hơn trước, tốt hơn và đời sống của người dân không bị xáo trộn như trước nữa” - ông Nguyễn Văn Phi, Trưởng thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh cho biết.
Không những cầu thị, lắng nghe những ý kiến đóng góp của người dân, chính quyền địa phương, Urenco 6 còn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác giám sát các hoạt động tại khu xử lý để nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường (VSMT) trong khu vực.
Đường nội bộ bãi luôn được duy trì sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Việc vận hành các khu xử lý trong nhiều điều kiện quá tải, hạ tầng kỹ thuật không đồng bộ, đơn giá định mức chưa được điều chỉnh kịp thời với công suất tiếp nhận,… nên gánh nặng và sức ép đặt lên đơn vị vận hành bãi là rất lớn, trong khi trách nhiệm đảm bảo an ninh an toàn cho công tác vệ sinh môi trường phải được đặt lên hàng đầu.
Chính vì vậy, việc tiếp nhận và vận hành khu xử lý trong điều kiện quá tải cũng cần được nhìn nhận một cách khách quan. Việc đảm bảo VSMT, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường không chỉ riêng cho đơn vị vận hành bãi, mà còn phải có sự chung tay của các đơn vị khác trong khu xử lý, của người dân, của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Khu XLCTR Xuân Sơn đã có những chuyển biến tích cực, ngoài sự vận động bản thân của đơn vị vận hành, còn có sự giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt của các cơ quan quản lý, đặc biệt là Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật Đô thị (Ban Duy tu) thuộc Sở Xây dựng Hà Nội.
Ban Duy tu là đại diện cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp giám sát 2 khu xử lý lớn nhất của TP (Bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn), đã thường xuyên áp dụng chương trình giám sát chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quản lý Nhà nước về môi trường. Thường xuyên bổ sung, luân chuyển cán bộ giám sát để phù hợp với thực tế vận hành, tạo môi trường làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp; nâng cao năng lực quản lý nhà nước.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Sở Xây dựng, Ban Duy tu đã triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng VSMT của các khu xử lý, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc tồn tại, cùng với đơn vị vận hành hoàn thành tốt công tác đảm bảo VSMT, ổn định an ninh trật tự, an ninh môi trường.
Mặc dù vậy, các cơ quan quản lý tiếp tục yêu cầu trong thời gian tới Urenco 6 phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa công tác quản lý, vận hành, đặc biệt trong mùa mưa bão để phòng ngừa các sự cố về môi trường. Tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Phát huy tối đa kinh nghiệm vận hành bãi của đơn vị, ứng đụng các phương pháp tiên tiến, công nghệ hiện đại trong công tác quản lý, vận hành đảm bảo VSMT chung trong khu vực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần