Những chuyến tàu chở đầy niềm vui

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, từng chuyến tàu, xe đã chở hành khách về tới Thủ đô Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày.

Những chuyến tàu chở đầy niềm vui đổi mới của ngành đường sắt khiến con đường về nhà đón Tết hay ngược chiều trở lại của mỗi người dân trở nên thuận lợi hơn.

Những đổi mới

Trải qua chặng đường từ Hà Tĩnh ra Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra hài lòng với hành trình di chuyển bằng tàu hỏa.

Chị Thủy cho biết, nhà chị ở gần bến xe Mỹ Đình nên thường xuyên đi xe ô tô. Lâu lắm rồi chị mới có chuyến đi khứ hồi dịp Tết bằng tàu hỏa. Nếu như trước đây, nhắc tới đi tàu dịp Tết, canh cánh trong mỗi hành khách là những vất vả trong việc mua vé, những chuyến tàu chậm giờ, nặng trĩu hành lý đi lại ngược xuôi tìm tàu trong sân ga mênh mông, trẻ con mua nửa vé phải ngồi ghép cùng bố mẹ, hay những chuyến tàu bẩn kinh hoàng… thì dịp Tết này, chị được “mục sở thị” những đổi thay của ngành đường sắt, đặc biệt tại ga Hà Nội.
Những chuyến tàu chở đầy niềm vui - Ảnh 1

 
“Nhờ sự hướng dẫn của một đồng nghiệp, tôi thao tác mua vé tàu tại cơ quan, tự in vé, sử dụng như vé máy bay. Đặt vé cho con trai 8 tuổi, tôi chỉ phải trả một nửa số tiền nhưng được nguyên chỗ ngồi, con không còn phải ngồi ghép với bố mẹ. Ra ga Hà Nội, tôi ngạc nhiên khi được các nhân viên chỉ dẫn tận tình, có cầu thang đi tắt sang các chuyến tàu, được nhân viên kiểm soát vé giúp đỡ, bế con, vận chuyển hành lý lên xuống. Những chuyến tàu khá sạch sẽ, khởi hành đúng giờ…” – chị Thủy chia sẻ.

Nếu như trước đây, hành khách quen với việc mua vé tàu ai đi cũng được thì nay, sử dụng thẻ lên tàu hỏa phải kèm theo giấy tờ tùy thân. Trên thẻ lên tàu hỏa in sẵn tên, số chứng minh nhân dân hoặc năm sinh (trẻ em) của hành khách đi tàu. Điều này đã hạn chế được tình trạng cò vé tại các nhà ga.

Trong khi đó, việc kiểm soát thẻ lên tàu hoả cũng rất trật tự bởi đã có hướng dẫn. Tại các cổng kiểm soát vé đều cho các băng rôn, biển thông báo lưu ý “Chỉ có những hành khách có thông tin cá nhân trùng khớp với thông tin trên thẻ lên tàu hỏa mới được vào ga đi tàu. Người đưa tiễn chỉ đưa tiễn tại cổng kiểm soát, không được vào ga”. Các hành khách đều mang theo vé và giấy tờ tuỳ thân khi qua cửa kiểm soát nên không mất thời gian chờ đợi.

Vẫn còn nạn taxi “chặt chém”

Nếu như những đổi mới của ngành đường sắt được ghi nhận, thì vẫn còn đó tình trạng lộng hành của các tài xế taxi tại các sân ga khiến các hành khách ấm ức. Chị Trần Thị Hương, nhà ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), quê ở TP Vinh (Nghệ An) chia sẻ, gia đình chị có 2 con nhỏ nên mỗi dịp về Tết lỉnh kỉnh bao nhiêu đồ đạc. Nhà chị cách ga Vinh khoảng 2km nên rất khó bắt được taxi trong sân ga. Khi mời chào đi taxi, các tài xế luôn hỏi kèm địa chỉ của hành khách. Với những khách có nhu cầu đi quãng đường ngắn, các tài xế luôn kiếm cớ từ chối, dù được trả giá cao gấp đôi. Các chuyến tàu dịp Tết đông khách nên các tài xế taxi thoải mái lựa chọn, luôn ưu tiên khách chạy chặng dài về các huyện.

Ra đến ga Hà Nội sáng 14/2, gia đình chị Hương tiếp tục gặp khó khăn trong việc bắt taxi. Đa số các tài xế đều thỏa thuận luôn số tiền giá cao với khách có nhu cầu đi taxi mà không theo đồng hồ. “Gọi điện đến tổng đài một hãng taxi, tôi cũng gặp khó khăn, trầy trật mãi mới lên được xe sau khi chuyến xe trước đó bị hành khách khác “vợt” mất. Khi tôi nói chở về khu vực đường Hồ Tùng Mậu, tài xế đã cho xe chạy thẳng đường Lê Duẩn ra hướng đường Giải Phóng và có ý định chạy vòng vèo. Tài xế taxi cho rằng, có nhiều tuyến đường cấm xe taxi buổi sáng như đường Khâm Thiên, La Thành nên phải chạy đường vòng mới đi được. Tôi thắc mắc: “Sao lúc nãy anh không đi ngược lại đường Điện Biên Phủ hướng ra đường Kim Mã, có phải đỡ vòng vèo hơn không”; đồng thời, đưa ra lộ tình tuyến đường mình đi ngắn nhất. Tài xế tỏ thái độ nhưng cũng phải chấp hành” – chị Hương chia sẻ.

Chị Hương cũng cho hay, lân la hỏi chuyện tài xế mới biết, đó là xe nhà của họ tham gia cổ phần với một hãng taxi, mỗi tháng họ trả cho hãng 2 triệu đồng/xe nên phải vòng vèo để kiếm thêm, nhất là vào dịp Tết.

Những chuyến tàu nối đuôi nhau đã chở hành khách về tới Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày. Dịp Tết này ghi nhận nhiều nỗ lực của ngành đường sắt, nhưng giá như nạn taxi “chặt chém” được chấn chỉnh, hành khách sẽ cảm thấy phấn khởi, thuận lợi biết bao nhiêu.