Những con số ấn tượng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Sóc Trăng 2018

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị đã đạt được con số 6 tỷ USD, trong đó cấp giấy chứng nhận đầu tư đến 1 tỷ USD và nhiều hợp đồng tín dụng quan trọng, nhiều bản ghi nhớ hợp tác đầu tư…

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.
Cấp giấy chứng nhận đầu tư lên đến 1 tỷ USD
Sáng nay (19/6), tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 và phát động khởi nghiệp, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng khoảng 500 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức tài chính - tín dụng, các tổ chức xúc tiến thương mại - đầu tư; các hiệp hội, DN và nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2017 Sóc Trăng đã thực hiện tiếp xúc, gặp gỡ gần 150 lượt nhà đầu tư với 150 dự án đầu tư tương ứng vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, hạ tầng giao thông, năng lượng mới…

Tổng nguồn vốn các nhà đầu tư cam kết thực hiện tại địa phương trong năm 2017 đạt khoảng 4.150 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với năm 2016. Trong đó có nhiều dự án lớn, được đánh giá có quy mô cấp khu vực như: dự án bến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo của Công ty cổ phần tàu cao tốc Superdong Kiên Giang, dự án khu sản xuất tôm giống biển của Công ty cổ phần Thủy Sản Việt Úc, dự án nhà máy điện gió Lạc Hòa của Công ty cổ phần TDC, dự án sản xuất hàng may mặc của Công ty Youngone Nam Định (Hàn Quốc)...

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện thông tin thêm, 3 lĩnh vực ưu tiên mà tỉnh đang hướng đến kêu gọi đầu tư là nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch.

Với chiều dài bờ biển 72 km, có 3 cửa sông lớn ra biển, trong đó Định An và Trần Đề là 2 cửa ngõ quan trọng ra vào Biển Đông của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tạo lợi thế cho Sóc Trăng phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển. Do đó, Sóc Trăng đang kêu gọi, tìm kiếm các nhà đầu tư vào lĩnh vực vận tải biển, cảng biển.

Để chuẩn bị cho việc xúc tiến đầu tư năm 2018 và các năm tới, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN. Trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2018, lãnh đạo tỉnh sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư một số dự án có quy mô vốn lớn, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, kết hợp khởi công một số dự án đầu tư trọng điểm đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời phát động tinh thần khởi nghiệp và ra mắt cộng đồng khởi nghiệp tỉnh Sóc Trăng.
 Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cùng hơn 500 đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thạch Bình.
Đánh giá cao chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã năng động, quyết liệt, tận tụy với người dân và DN, Thủ tướng biểu dương nỗ lực của chính quyền địa phương đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh với sự tham dự của nhiều tập đoàn lớn không chỉ ở trong nước mà cả nước ngoài. Đặc biệt, Hội nghị đã đạt được con số 6 tỷ USD, trong đó cấp giấy chứng nhận đầu tư đến 1 tỷ USD và nhiều hợp đồng tín dụng quan trọng, nhiều bản ghi nhớ hợp tác đầu tư…
Tập trung phát triển dựa trên 3 trụ cột chính

Thủ tướng đánh giá, Sóc Trăng là vùng đất hạ lưu sông Mekong và trong thập kỷ tới, sẽ trở thành vùng đất trung lưu về mức sống, là niềm cảm hứng về ý chí vượt khó, góp phần hiện thực hóa ước mơ làm giàu của các cộng đồng người dân Sóc Trăng nói riêng, ĐBSCL nói chung.

“Chỉ có nguồn cảm hứng mạnh mẽ như thế thì chúng ta mới hành động quyết liệt đưa tỉnh Sóc Trăng tiến lên”, Thủ tướng nói, đồng thời phân tích: Như tên gọi của mình, Sóc Trăng trong tiếng Khmer (Srok Kh'leang) có nghĩa là “Xứ kho bạc”. Điều này cho thấy từ xưa vùng đất này vốn đã được tiền nhân nhận diện có tiềm năng lớn như thế nào. Tuy nhiên, nhiều người hiện nhìn Sóc Trăng như một tỉnh có ví trị kém thuận lợi, tựa như “nằm trong hẻm sâu”.

Nhưng nếu nhìn từ phía Biển Đông thì Sóc Trăng lại có vị trí cực kỳ đắc địa, là mặt tiền hướng biển. Không những thế, Sóc Trăng còn là nơi sông Hậu đổ ra Biển Đông tại cửa biển nổi tiếng là Trần Đề. Có thể nói Sóc Trăng có 2 mặt tiền: Mặt tiền hướng Biển Đông của ĐBSCL và mặt tiền của đất nước ở một trong những con sông được gọi tên và biết đến nhiều nhất thế giới là sông Mekong (chỉ sau sông Amazon).
 Toàn cảnh hội nghị
Từ đó, Thủ tướng đưa ra lời khuyên đối với nền kinh tế Sóc Trăng trong tương lai là tập trung phát triển dựa trên 3 trụ cột chính. Một là nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ hai, thủy sản sạch liên kết với ngành công nghiệp chế biến được định vị ở phân khúc cấp cao. Thứ ba, du lịch sinh thái gắn với phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, thông minh; cùng với đó là phát triển năng lượng tái tạo.

Sóc Trăng cần vượt lên chính mình để xây dựng một niềm tin, niềm cảm hứng mới cho người dân, cộng đồng DN và nhà đầu tư trong nước và quốc tế, Thủ tướng mong muốn và cảnh báo Sóc Trăng, nhiều địa phương trong vùng hiện đã và đang nổi lên như một điểm đến mới của nhiều nhà đầu tư. Một số địa phương trong vùng có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh PCI (Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ…). Do đó, nếu Sóc Trăng không vươn lên mạnh mẽ thì sẽ lạc hậu.

“Với Sóc Trăng, không có gì là không thể đạt được nếu chúng ta có quyết tâm và tận dụng được các yếu tố của thiên thời, địa lợi và nhân hòa”, Thủ tướng nói. Trong đó, yếu tố then chốt quyết định sự thành công là nhân hòa với một khía cạnh là phải làm sao thu phục, thu hút người tài, đặc biệt là con em địa phương thành danh ở đâu đó, đắc nhân tâm họ để kéo họ về giúp sức cho quê hương.
Sóc Trăng phải là kho chứa bạc của các nhà đầu tư

Đề cập đến thực trạng ngoài tiếp cận đất đai thì từ lâu tiếp cận vốn của người nông dân vẫn còn khó khăn, Thủ tướng đặt câu hỏi là tại sao đến nay vẫn không thể giải quyết thấu đáo vấn đề thiếu hụt vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng của người nông dân, thậm chí có tín dụng? Làm sao để giải quyết căn cơ tình trạng này?

Qua đó Thủ tướng yêu cầu Sóc Trăng cải thiện môi trường kinh doanh, phải thu hẹp những khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh, cùng chung tay làm cho vùng đất “chín rồng” trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sóc Trăng cần có phương án tái bố trí dân cư theo hướng tập trung theo cụm nhằm tăng hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng và giảm chi phí cung cấp các dịch vụ công như y tế, giáo dục, dịch vụ hành chính công. Việc bố trí lại dân cư theo hướng tập trung, xóa bỏ tình trạng cư trú phân tán còn giúp giảm chi phí thu hồi và tập trung đất đai cho nhu cầu dự án đầu tư lớn cũng như phát triển mở rộng sau này.
 Lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho các DN
Thủ tướng cũng lưu ý Sóc Trăng về vấn đề môi trường khi mà tỉnh cũng như vùng ĐBSCL hết sức nhạy cảm với môi trường. Do đó, các dự án công nghiệp lớn phải hết sức thận trọng. Thu hút đầu tư nhưng phải cân nhắc kỹ về công nghệ, về môi trường. Những dự án công nghiệp trong khu vực cần đánh giá kỹ lưỡng, cẩn trọng các tác động đối với nguồn nước, khí hậu, môi trường, nông nghiệp.

Tại Hội nghị, Thủ tướng bày tỏ trăn trở về vấn đề di dân và lao động “khi chúng ta thấy hình ảnh bà cụ già nuôi cháu nhỏ, cha mẹ phải lên Bình Dương tìm việc làm”. Vì vậy, Sóc Trăng phải thu hút đầu tư nhiều hơn nữa, tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn cho người dân để họ không bỏ xứ ra đi. “Đây cũng là lý do Thủ tướng về đây tới 3 lần trong thời gian qua mặc dù Thủ tướng vô cùng bận rộn”, Thủ tướng nói.

Đối với nhà đầu tư, Thủ tướng khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư thành công. Nhưng, một điều đặt ra là phải làm sao gắn được lợi ích của nhà đầu tư với phúc lợi của người dân địa phương, tránh việc cấp phát các ưu đãi vô điều kiện với nhà đầu tư trong khi người dân hoàn toàn bị đứng ra ngoài lề của sự phát triển. Các ưu đãi cần được đối ứng bằng các cam kết đóng góp trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

“Tương lai gần Sóc Trăng phải là kho chứa bạc của các nhà đầu tư, của người dân, của cả nước. Tôi có niềm tin như thế”, Thủ tướng chia sẻ.