Những công trình mang dấu ấn nước Nga trong lòng Hà Nội

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Cách mạnh tháng Mười Nga có tầm ảnh hưởng to lớn đến cách mạnh Việt Nam. Trong thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và ủng hộ cho tiền tuyến lớn miền Nam, Việt Nam đã có nhiều công trình được Liên Xô (nay là Liên bang Nga) giúp đỡ xây dựng.

Bệnh viện Hữu Nghị

Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô (nay là Bệnh viện Hữu Nghị) đã có những bước trưởng thành vượt bậc, trở thành địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của cán bộ trung- cao cấp của Đảng và Nhà nước, uy tín và “thương hiệu” của Bệnh viện ngày càng được khẳng định.
 Bệnh viên Hữu Nghị Việt Xô. 
Bệnh viện Hữu Nghị được thành lập năm 1950 từ bệnh xá 303 để chăm lo sức khoẻ cho cán bộ, nhân viên cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ. Năm 1955 Trung ương quyết định mở rộng thành bệnh viện 303, có nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho các đồng chí Trung ương, thành viên hội đồng Chính phủ, khách nước ngoài và một số cán bộ cơ quan Trung ương. Do nhu cầu khám chữa bệnh cho cán bộ ngày một tăng, Trung ương Đảng đã đề nghị Đảng Cộng sản Liên Xô giúp đỡ xây dựng một bệnh viện chuyên bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ. Năm 1956, Bệnh viện Hồng thập tự Liên Xô được khai trương, với 150 giường bệnh, 50 chuyên gia Liên Xô và 150 cán bộ nhân viên Việt Nam. Khi đó, bác sĩ DeDog được cử làm giám đốc, Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ làm Phó giám đốc. Năm 1957, chuyên gia Liên Xô bàn giao lại Bệnh viện cho các bác sỹ Việt Nam tiếp quản.
 Năm 1956 Trung ương Đảng đã đề nghị Đảng Cộng sản Liên Xô giúp đỡ xây dựng và hoàn thành với tên Bệnh viện Hồng thập tự Liên Xô.
Đến 1958 của Thủ tướng Chính phủ hợp nhất Bệnh viện Hồng Thập tự Liên Xô và bệnh viện 303 thành một bệnh viện lấy tên là Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô do bác sĩ Nhữ Thế Bảo làm Giám đốc. Lúc này Bệnh viện có 11 khoa phòng, với 175 cán bộ viên chức, với nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cho các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, khám chữa bệnh cho các cán bộ trung-cao cấp của các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố từ Vĩnh Linh trở ra.

Thời kỳ trước năm 1975, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, nên Bệnh viện xây dựng thêm 2 cơ sở sơ tán tại Lập Thạch (Vĩnh Phú) và Kim Bôi (Hoà Bình). Số giường tăng lên 470 giường, đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh cho cán bộ. Các phòng bảo vệ sức khỏe TW 2, 3 và 5 ra đời để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trực tiếp cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ. Năm 1973 các cơ sở sơ tán rút về Hà Nội. Mặc dù phải sơ tán nhiều nơi, hoàn cảnh công tác rất khó khăn, thiếu thốn nhưng Bệnh viện vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó.
Nơi đây ghi dấu một giai đoạn lịch sử của sự hợp tác hữu nghị, đoàn kết giữa Đảng Cộng sản Liên Xô, Nhà nước Liên Xô cũ (Liên bang Nga ngày nay) và Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam.
Sau đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước được thống nhất. Đối tượng cán bộ được chăm sóc sức khoẻ và khám chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô mở rộng đến Thừa Thiên Huế, phục vụ khám chữa bệnh cho các đồng chí lãnh đạo của nước bạn Lào, Campuchia, cán bộ đại sứ quán các nước.

Để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới, năm 1994 Chính phủ đã có quyết định đổi tên Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô thành Bệnh viện Hữu Nghị đáp ứng yêu cầu khám và chữa bệnh cho các cán bộ, lãnh đạo và mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn Hà Nội cũng như các tỉnh, thành có nhu cầu.

Từ một bệnh viện chuyên khám chữa bệnh cho các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, đến nay Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô nay là Bệnh viện Hữu Nghị đã tiếp nhận, khám và chữa bệnh cho khoảng trên 300.000 lượt bệnh nhân, với đẩy đủ các khoa, phòng.

Cho dù bệnh viện đã được đổi tên và vẫn đang tiếp tục xây dựng, phát triển để theo kịp với xu hướng mới, nhưng nơi đây vẫn ghi dấu một giai đoạn lịch sử của sự hợp tác hữu nghị, đoàn kết giữa Đảng Cộng sản Liên Xô, Nhà nước Liên Xô cũ (Liên bang Nga ngày nay) và Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam với bao thế hệ y, bác sỹ đã chung tay góp sức xây dựng và phát triển bệnh viện.

Cung Văn Hóa lao động hữu nghị Việt Xô

Cung Văn Hóa lao động hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), số 91 Trần Hững Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội, nằm tại ngã ba đường Trần Hưng Đạo – Quán Sứ, là quà tặng của Hội đồng Trung ương các công đoàn Liên xô (cũ) tặng cho giai cấp nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Khởi công xây dựng ngày 7 tháng 11 năm 1978 trên nền đất cũ nhà Đấu Xảo Hà Nội và khánh thành đưa vào hoạt động ngày 1 tháng 9 năm 1985. Công trình được xây dựng trên diện tích rộng 3,2ha. Tổ hợp công trình gồm tòa nhà chính cao 4 tầng, dài 96m, rộng 60m chiều cao từ mặt đường đến đỉnh cao nhất 33m. Một tòa nhà 3 tầng song song với tòa nhà chính, được nối liền bởi nhà mái bằng có sân thượng. Cung Văn Hóa có nhiều phòng hoạt động lớn nhỏ khác nhau phù hợp với các dạng hoạt động và quy mô hoạt động như: Biểu diễn nghệ thuật, tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm, có các phòng sinh hoạt Câu lạc bộ và các phòng học năng khiếu… Các hoạt động có thể diễn ra đồng thời mà không ảnh hưởng đến nhau.
 Cung văn hóa Hữu Nghị Việt Xô nơi diễn ra các cuộc sinh hoạt chính trị lớn của Đảng, Nhà nước và của bộ, ban, ngành Trung ương, TP Hà Nội. Ảnh trong ngày Đại hội Đảng lần thứ 16 Đảng bộ TP Hà Nội năm 2015.
Phòng lớn nhất gọi là Hội trường lớn có 1.111 chỗ ngồi, có sân khấu quay, hệ thống kỹ thuật hiện đại phục vụ các loại hình nghệ thuật biểu diễn trong nước và Quốc tế, gồm: Ca nhạc, balê, kịch, hội nghị, hội thảo…

Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa xã hội, các cuộc sinh hoạt chính trị lớn của Đảng, Nhà nước và của bộ, ban, ngành Trung ương, TP Hà Nội cũng như các tổ chức Công đoàn Việt Nam. Nhiều cuộc triển lãm trưng bày nghệ thuật Triển lãm công nghệ khoa học kỹ thuật, hội thảo của Nhà nước và quốc tế, ký kết thương mại giữa Việt Nam với các nước, thu hút sự tham gia của nhiều ngành, địa phương và nhiều nước ở các châu lục.
 
 Nơi diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt của các tầng lớp công nhân, lao động, trí thức... của Thủ đô và cáp cấp.
Nhằm hướng các hoạt động về cơ sở, Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô đã phối hợp với các Liên đoàn Lao động các quận, huyện, ngành trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức được nhiều chương trình giao lưu văn nghệ “Hát cho công nhân nghe và nghe công nhân hát” nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động trực tiếp tại các khu công nghiệp và khu chế xuất… Tổ chức mở các lớp đào tạo hạt nhân văn hóa, văn nghệ cho cán bộ và hạt nhân văn hóa, văn nghệ trong tổ chức Công đoàn Thủ Đô hướng dẫn các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và hỗ trợ cho các cụm VHTT trên địa bàn Thành phố nhằm đẩy mạnh các hoạt động phong trào quần chúng tại cơ sở ngày càng phát triển sâu rộng hơn.

Ngày nay nhiều người còn quen gọi với cái tên Quảng trường 1/5. Vì nơi đây năm 1938 đã diễn ra cuộc mít tinh lớn kỷ niệm đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có ngày Quốc tế Lao động với hơn 25.000 người tham gia.

Công viên Lê Nin

Công viên Lê Nin nằm đối diện với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại thủ đô Hà Nội. Khuôn viên của công viên có hình tam giác, được bao quanh mặt các phố Điện Biên Phủ, Trần Phú và Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội. Công viên có tổng diện tích là 17.183 m2, trong đó bao gồm quần thể kiến trúc và tượng đài Lê Nin.
 Công viên Lê Nin, là nơi Đảng, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đến V.I.Lênin, nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới; người bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác, sáng lập Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực.
 
Xung quanh tượng dài Lê Nin có nhiều cây xanh. Trước kia trước công viên có một hồ. Thời kỳ Pháp thuộc(1894-1897), Thực dân Pháp lấp hồ và đặt cụm tượng gồm lính Pháp và bốn tầng lớp dân bản xứ là sỹ, nông, công, thương có người nông dân vác cày, dắt trâu nên nhiều người gọi là vườn hoa Canh Nông.

Đến năm 1945, Cách mạnh tháng Tám thành công, Nhân dân Hà Nội đã phá cụm tượng này, giữ nguyên cảnh quan công viên. Năm 1982, để tỏ lòng thành kính đến vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, người mở ra con đường cách mạng có ảnh hưởng sâu sắc đến cách mạng Việt Nam, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định xây dựng tượng đài Lê Nin tại đây. Bức tượng bằng đồng, cao 2,7 mét hướng mặt ra đường Điện Biên Phủ dã được khánh thành vào ngày 20/8/1985. Lúc đó công viên có tên là Chi Lăng. Đến tháng 10/2003 công viên được đổi tên thành Công viên Lê Nin.
 Nơi đây không chỉ là nơi vui chơi của người dân vào sáng sớm và chiều tối mà là nơi khách quốc tế đến Hà Nội chiêm ngưỡng, chụp ảnh làm kỷ niệm.
 
Mỗi khi Hà Nội và Việt Nam tổ chức các sự kiện quan trọng cũng như Tết đến, Xuân về thì tại công viên này lại được tết hoa, căng biểu ngữ như một lời tri ân đến V.I.Lênin, nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới; người bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác, sáng lập Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực.

Công viên Lê Nin không chỉ là điểm vui chơi của người dân Thủ đô vào sáng sớm và chiều tối mà nó còn là không gian văn hóa nơi để du khách quốc tế đến chiêm ngưỡng, tham quan, chụp ảnh kỷ niệm cùng với cụm công trình Di sản Hoàng Thành Thăng Long, Cột Cờ Hà Nội.

Những công trình trên đã trải qua hàng thập kỷ, nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị sử dụng. Mang trong mình là sự kết tình tình đoàn kết gắn bó, hợp tác giữa 2 Nhà nước, 2 dân tộc vì một nền hòa bình, độc lập, thịnh vượng cùng phát triển.