Những đặc điểm nổi bật của con khỉ trong văn hóa Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016, người Việt đón Tết Nguyên đán Bính Thân. Thân là khỉ - một con vật đứng hạng thứ 9 trong số 12 con giáp theo Thập nhị chi.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong số các con vật, loài khỉ có đặc tính gần nhất với con người, chúng thông minh hơn những con vật khác, thường hay bắt chước những động tác của con người. Với người Việt Nam, khỉ cũng là con vật khá gần gũi, một trong những linh vật phổ biến, được khắc họa trong nhiều công trình kiến trúc xưa còn lưu lại cho đến ngày nay.
Những đặc điểm nổi bật của con khỉ trong văn hóa Việt Nam - Ảnh 1
Không chỉ ở Việt Nam, trong các nền văn hóa khác trên thế giới, hình ảnh con khỉ gắn liền với sự nghịch ngợm, tinh nghịch, láu lỉnh, nhanh nhẹn. Đã có những con khỉ trở thành biểu tượng được tôn vinh như Tôn Ngộ Không, còn gọi là Mỹ hầu vương ở Trung Quốc, vua khỉ Hanuman trong sử thi Ấn Độ...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Lâm Biền, một nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng của Việt Nam: Huyền thoại về Đức Phật gắn liền với 5 con vật gồm chó, ngựa, thỏ (là một kiếp của Đức Thích Ca mâu ni), voi là con vật ủ ấm cho Phật và khỉ lấy hoa quả cho Phật ăn. Theo Phật thoại, Khỉ là đệ tử rất thành tâm đến với Đức Phật. Trong văn hóa Việt, hình tượng khỉ xuất hiện ở nhiều nơi, trong chùa chiền, nhiều công trình kiến trúc khác.

Tiến sỹ Trần Lâm Biền cũng cho biết: Sở dĩ khỉ trở thành hình tượng được điêu khắc trong chùa vì theo Phật thoại, khỉ là một đệ tử thành tâm đối với Đức Phật, quên cả nguy hiểm đe dọa tính mạng chính mình. Hình tượng khỉ nhưng lại mang dáng dấp con người với những động tác của con người, chỉ là hình dáng của khỉ. Khi xã hội biến chuyển, biểu tượng con khỉ cũng thay đổi ít nhiều, con khỉ xuất hiện nhiều hơn trong tạo hình của người Việt. Ở chùa Bút Tháp có những bức chạm từ thế kỉ XVII với nhiều con vật đời thường, trong đó con khỉ xuất hiện rất sinh động, khi thì đỡ quả đào, lúc lại đang bắt ong ý chỉ "phong hầu trường thọ"; lúc lại là hình ảnh khỉ mẹ bồng khỉ con thể hiện tình mẫu tử…

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy khá nhiều tượng khỉ tại di tích tháp Chương Sơn (Nam Định) một di tích có từ thời Lý. Trong số này có bộ tượng 3 con khỉ nổi tiếng: Con che mắt, con bịt miệng, con bịt tai, thể hiện triết lý "Tam Không" của Phật giáo: không nhìn điều xấu, không nói điều xấu và không nghe điều xấu. Tại đây cũng tìm thấy pho tượng một thân và 4 đầu khỉ khác nhau. Trên tấm bia dựng năm 1608 ở đền vua Đinh Tiên Hoàng và đền Lê Đại Hành (Hoa Lư - Ninh Bình) có chạm đôi khỉ ôm nhau, được chạm nổi, điểm xuyết hình tượng khỉ cùng các linh thú khác trên các bộ cửa và hệ thống cột ở đền Xám (Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định), nơi thờ sứ quân Trần Lãm (một trong 12 sứ quân thời tiền Lê)…

Theo quan niệm của người Việt Nam, những người tuổi Thân thường thông minh, tháo vát và nhanh nhẹn nhưng sẽ khá vất vả, nhất là với phụ nữ. Trong lịch sử Việt Nam cũng có những người nổi tiếng tuổi Thân. Trong trường phái Trúc lâm có vị tổ thứ 2 là sư Pháp Loa - người tuổi Thân, tuổi con khỉ, người rất có tài thơ phú đã đưa văn chương của thiền phái Trúc Lâm lên hàng đầu trong nền văn học của nước ta thời bấy giờ. Ông chính là người ấn hành Đại tạng kinh tại Việt Nam; để lại nhiều tác phẩm Thiền học và luận thuyết về các kinh Nhập Lăng-già, Diệu pháp liên hoa, Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Có những người tuổi thân như vị quan yêu nước Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu là Ức Trai. Thi đỗ Thái học sinh năm 1400, Nguyễn Trãi từng làm quan dưới triều Hồ. Sau khi Đại Việt rơi vào tay nhà Minh, Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ông trở thành mưu sỹ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày tính mưu kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh.Năm 1442, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông. Nguyễn Trãi là một nhà văn hóa lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam. Ông nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc Việt Nam.

Người nổi tiếng tuổi Thân còn có Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên làm quan triều Nguyễn. Từ nhỏ Lương Thế Vinh đã nổi tiếng về khả năng học mau thuộc, nhanh hiểu, và khả năng sáng tạo trong các trò chơi như đá bóng, thả diều, câu cá, bẫy chim. Ông đỗ trạng nguyên dưới triều Lê Thánh Tông và làm quan tại viện Hàn Lâm. Ông là một trong 28 nhà thơ của hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông lập năm 1495...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần