Những điểm lễ chùa đầu năm nên đến

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đi chùa đầu năm là một nét văn hoá tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người miền Bắc. Sau ba ngày Tết, người dân đi lễ chùa ngày càng đông hơn. Yên Tử, chùa Hương hay Bái Đính là những điểm đi lễ đầu năm thường xuyên thu hút khách du lịch.

Có lẽ nói đến đi lễ chùa để cầu may mắn đầu năm thì chùa Hương - Hà Nội là một điểm quen thuộc với du khách thập phương. Lễ hội Chùa Hương bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch. Tuy nhiên, không đợi đến ngày khai hội, người dân thập phương đến trẩy hội tại đây ngay trong ngày đầu tiên của năm mới.

Năm nay, mới ngày mùng 3 Tết, nhiều du khách nô nức đổ về chùa Hương trẩy hội. Dòng người chen chân tại các lối đi lên chùa. Theo BTC, tính đến chiều ngày 10/2 (mùng 3 Tết) có khoảng 39.000 lượt du khách về vãn cảnh chùa Hương.
Chùa Hương thu hút nhiều khách thập phương đi lễ ngày đầu năm.
Chùa Hương thu hút nhiều khách thập phương đi lễ ngày đầu năm.
Bên cạnh việc trẩy hội chùa Hương thì lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) cũng thu hút rất đông du khách. Trong tâm trí nhiều người, đi lễ đền Gióng vào đầu năm sẽ nhận được sức khỏe và nhiều may mắn. Lễ hội này được khai mạc vào ngày 6/1 hàng năm và diễn ra trong 3 ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.

Lễ hội Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) cũng thường xuyên thu hút Phật tử thập phương. Lễ hội Yên Tử là một lễ hội được tổ chức tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch. Những năm gần đây, Yên Tử trở thành nơi du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, thắng cảnh, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thường xuyên quanh năm.

Hội Xoan - Phú Thọ diễn ra tại làng Hương Nha - Phú Thọ. Lễ hội này tưởng nhớ Xuân Nương, một nữ quản tượng tài ba dưới thời Hai Bà Trưng. Hát Xoan là một loại hình dân ca đặc sắc, mang đậm truyền thống văn hóa nghi lễ và hình thức sinh hoạt tín ngưỡng của người dân vùng đất Tổ (Phú Thọ), được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại năm 2011 và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ năm 2012. Tại hội Xoan nhiều trò diễn được trình nghề ở bãi sông như cày, bừa, gánh nước, bán con ngài tắm, bán bông rất hấp dẫn.

Một điểm du lịch tín ngưỡng nữa thu hút được khách du lịch đó là hội Lim ở Bắc Ninh. Chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm. Hội Lim là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc với dân ca quan họ nổi tiếng. Các làng quan họ xung quanh mang liền anh, liền chị tới hát giao duyên, hát đối đáp, thi hát với nhau ở trên bề, dưới bến. Ngoài ra, có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm.

Lễ hội ở đền Trần hay còn gọi là lễ Khai ấn đền Trần thường diễn ra 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Tại lễ hội này, Ban tổ chức sẽ tiến hành nghi lễ rước nước, tế cá. Đây là một trong những lễ hội đông người tham gia nhất vào dịp đầu năm mới. Những năm chẵn hội mở to hơn năm lẻ. Song không đợi đến chính hội, khách thập phương đã nô nức về trẩy hội đền Trần. Hành hương về cội nguồn ai cũng mong muốn điều tốt lành, thịnh vượng. Lễ hội Đền Trần là một trong những lễ hội truyền thống lớn, niềm tự hào của mỗi người dân Nam Định khi nhớ về cội nguồn dòng giống của các bậc đế vương và của dân tộc Việt Nam.

Lễ hội Bà chúa Kho - Bắc Ninh là một trong những hội lớn ở miền Bắc và nó đặc biệt quan trọng với giới kinh doanh và buôn bán. Đền bà chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ngày khai hội vào 14/1 âm lịch. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) "cầu tài phát lộc".
Chùa Bái Đính sở hữu cảnh quan thiên nhiên thoáng đãng.
Chùa Bái Đính sở hữu cảnh quan thiên nhiên thoáng đãng.
Một địa điểm du lịch vãn chùa nữa được nhiều người dân chọn trong dịp đầu năm đó là chùa Bái Đính - Ninh Bình. Đây là một ngôi chùa được đánh giá là bề thế và to nhất khu vực Đông Nam Á. Chùa Bái Đính sở hữu cảnh quan thiên nhiên thoáng đãng cũng tượng Phật, chuông vô cùng lớn. Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Lễ hội chùa Bái Đính bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu mang bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiến hành phần hội.

Phần hội chùa Bái Đính gồm có các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm, Ca trù đất Cố đô. Phần sân khấu hóa thường do Nhà hát Chèo Ninh Bình đảm nhiệm có tái hiện lễ đăng đàn xã tắc của Đinh Tiên Hoàng Đế và lễ tế cờ của Vua Quang Trung trên núi Đính trước giờ xung trận.

Với ưu thế của một quần thể chùa rộng, lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội lớn, thu hút đông du khách tham gia. Do có những điển tích gắn với các vị vua Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Lê Thánh Tông và tín ngưỡng thờ thánh Nguyễn, thần Cao Sơn, Bà chúa thượng ngàn nên lễ hội chùa Bái Đính vừa có sự sùng bái tự nhiên, vừa thể hiện tín ngưỡng đạo Phật, đạo Mẫu lại có cả Nho giáo.