Những điểm mới tại các lễ hội đầu xuân Mậu Tuất 2018

Trương Huyền (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khoảng thời gian 3 ngày Tết là hàng ngàn lễ hội được mở ra ở khắp các địa phương trong cả nước. Năm nay các Ban tổ chức đã rất nỗ lực trong công tác chuẩn bị để đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, văn minh nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa.

 Khai hội Chùa Hương
Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội): Không để đò gắn động cơ vận chuyển khách
Lễ hội chùa Hương là 1 trong những lễ hội lớn và kéo dài nhất năm sẽ khai mạc ngày 21/2 (tức mùng 6 tháng Giêng). Theo Ban quản lý, lễ hội chùa Hương 2018 là mốc quan trọng vừa kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Di tích thắng cảnh Hương Sơn vừa là dịp đón nhận bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2082/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), dự kiến, lượng khách tham gia lễ hội năm nay sẽ tăng mạnh.

Bởi vậy, Ban tổ chức đã đề ra nhiều phương án nâng cao chất lượng phục vụ, kiên quyết xử lý triệt để các vi phạm. Theo đó, trong mùa lễ hội năm nay, sẽ có khoảng 4.500 đò tham gia phục vụ du khách. Số đò này được sơn lại đồng bộ màu xanh, được gắn biển số, trang bị phao cứu sinh và giỏ đựng rác.

Đặc biệt, Ban tổ chức lễ hội kiên quyết không để xuồng máy, đò gắn động cơ vận chuyển khách trên dòng Suối Yến, nhằm giữ gìn nét đẹp tự nhiên, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Ban tổ chức đề nghị Ban trị sự chùa Hương thống nhất phương án không phát lộc tại lễ hội, tránh hiện tượng du khách chen lấn, xô đẩy.

Các tổ kiểm tra liên ngành sẽ duy trì hoạt động liên tục trong 3 tháng diễn ra lễ hội. Lực lượng chức năng cũng sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ và xử lý các đối tượng “cò mồi”, chèo kéo, “chặt chém” giá hay các đối tượng kinh doanh hình thức “vui chơi có thưởng”, bán hàng giá cao, lừa đảo…
 Sẽ không còn cảnh cướp lộc phản cảm tại lễ hội Đền Sóc
Lễ hội Đền Sóc (Hà Nội): Thay đổi hình thức cướp lộc

Lễ hội năm nay được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 21 đến 23/2, (tức mùng 6 - 8 tháng Giêng). Ban tổ chức cho biết, những năm trước giò lộc hoa tre và trầu cau sau khi lễ Thánh ở đền Thượng được rước xuống đền Hạ (đối với giò hoa tre) và đền Mẫu (đối với giò trầu cau), do đó thường xảy ra tình trạng cướp lộc giữa đường đi, gây lộn xộn.

Những mùa lễ hội gần đây, huyện Sóc Sơn yêu cầu các thôn, làng rước lộc không mang theo gậy tre để bảo vệ lễ phẩm và cắt cử lực lượng Công an đi theo bảo vệ. Nhận thấy lực lượng bảo vệ quá đông sẽ làm mất đi tính chất lễ hội của cộng đồng, do vậy, mùa lễ hội năm 2018, Ban tổ chức quyết định thay đổi hình thức cướp lộc. Theo đó, các nghi lễ không thay đổi mà chỉ thay đổi cách thức tất lộc (tán lộc) để hạn chế việc tranh giành, xô đẩy trong cướp lộc.
 Khai hội chùa Bái Đính

Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình): Chương trình đặc sắc ngày khai hội

Lễ hội Chùa Bái Đính năm nay diễn ra từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch sẽ gồm 2 phần như mọi năm: Phần lễ và Phần Hội. Phần lễ có các nghi thức như thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và Chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn, đánh trống, chiêng khai hội. Phần hội thường có những hoạt động văn hóa tâm linh như: Rước kiệu, lễ cầu nguyện quốc thái dân an, cầu cho mọi người năm mới bình an, hạnh phúc, thả chim phóng sinh, giao lưu văn nghệ….

Ban tổ chức thông tin, kịch bản lễ hội năm nay sẽ rất đặc sắc cùng sự góp mặt của rất nhiều những ca sĩ nổi tiếng trong ngày khai hội diễn ra vào mùng 6 Tết hứa hẹn đem tới 1 chương trình hết sức sôi động và độc đáo.

Bên cạnh đó, Ban quản lý Chùa cũng đã nỗ lực bổ sung thêm 150 biển chỉ dẫn tại các khu vực trong và ngoài chùa để đảm bảo an toàn giao thông, tránh ùn tắc và thuận tiện cho người dân đi lại. Đặc biệt quán triệt việc không cho bán hàng dong trong chùa, không tổ chức đổi tiền lẻ, bố trí bàn ghi công đức, hòm công đức thuận tiện cho du khách và thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân và du khách có thể phản ánh trực tiếp hay báo lạc, báo mất, tạo hình ảnh thân thiện, văn minh tại khu du lịch khi du khách thập phương tới tham gia lễ hội, chiêm bái và lễ Phật.
 "Mạnh tay” xử lý liền anh, liền chị "ngả nón xin tiền"
Hội Lim (Bắc Ninh): Xử lý kiên quyết hiện tượng "ngả nón xin tiền"

Lễ hội Lim năm nay diễn ra vào 2 ngày là 12 và 13 tháng Giêng (tức 27 và 28/2), tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão, trong đó trung tâm lễ hội là núi Hồng Vân (núi Lim), thị trấn Lim.

Theo Ban tổ chức, từ năm ngoái lễ hội đã hạn chế được hiện tượng liền anh, liền chị trên bến, dưới thuyền “ngả nón xin tiền” gây phản cảm cho người dự hội, chỉ còn một, hai cá nhân riêng lẻ có hình ảnh không đẹp chứ không thể coi đó là hiện tượng của lễ hội.

Năm nay để không xảy ra những hành động chưa đẹp nói trên, Ban tổ chức tiếp tục áp dụng những biện pháp nhắc nhở, tuyên truyền và đề nghị các CLB tham gia biểu diễn ký cam kết. Người nào vi phạm sẽ có biện pháp "mạnh tay” là không cho biểu diễn trong những kỳ lễ hội sau, và không được tham gia vào những chương trình văn hóa, nghệ thuật do địa phương tổ chức.

Về chất lượng nghệ sĩ tham gia biểu diễn trong lễ hội, ngoài những nghệ nhân quan họ cao tuổi biểu diễn trong các gia đình, những nghệ sĩ tham gia biểu diễn đều là lực lượng diễn viên chuyên nghiệp trẻ của các Nhà hát trên địa bàn, vì vậy du khách có thể yên tâm về chất lượng biểu diễn.
 1 tuyến cáp treo mới sẽ được vận hành phục vụ du khách
Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh): Nhiều công trình mới đã hoàn thiện phục vụ du khách

Lễ hội năm nay sẽ diễn ra từ mùng 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch. Không chỉ là lễ hội mùa xuân thu hút đông đảo khách du lịch, hội xuân Yên Tử 2018 còn là một trong những sự kiện mở đầu chào đón Năm Du lịch quốc gia 2018 do tỉnh Quảng Ninh đăng cai tổ chức.

Nằm trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu lưu thông, tránh ùn tắc mùa lễ hội, một tuyến cáp treo mới đã được xây dựng. Việc xây dựng thêm tuyến cáp treo đã được các đơn vị thi công đưa ra phương án tối ưu để tránh phá vỡ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của Yên Tử.

Đặc biệt, Trung tâm lễ hội và dịch vụ Yên Tử đã hoàn thành giai đoạn 1 để kịp đưa vào phục vụ hội xuân Yên Tử 2018. Dự án được triển khai xây dựng tại khu vực bến Giải Oan thuộc Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử và được thiết kế theo kiến trúc đời nhà Trần thế kỷ 13. Công trình này được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn trong quần thể du lịch Yên Tử mùa lễ hội này.

Đến nay, kịch bản cho mùa lễ hội Yên Tử 2018 đã được chốt với các sự kiện, như: Khai mạc Lễ hội Xuân Yên Tử, Lễ hội Hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, Lễ hội đền, chùa Hang Son, Lễ hội khai xuân chùa Ba Vàng… Trong đó các sự kiện chính dự kiến sẽ được tổ chức tại Khu di tích, danh thắng Yên Tử.

Theo đó, chương trình khai hội sẽ diễn ra vào 8h sáng, ngày 25-2-2018 tại Trung tâm văn hóa Trúc Lâm, thuộc dự án Khu trung tâm lễ hội Yên Tử. Đây là năm đầu tiên lễ hội được tổ chức tại đây với không gian đẹp, hiện đại và quy mô hơn.
 Ban tổ chức lễ hội đền Trần đã chuẩn bị đủ ấn để phát cho du khách 
Lễ hội đền Trần (Nam Định): Sẽ đủ ấn để phát cho du khách

Lễ hội năm nay diễn ra trong khoảng thời gian ngày 26/2 - 3/3 (tức ngày 11 - 16 tháng Giêng) với rất nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo như: Rước kiệu Ngọc Lộ; rước nước, tế cá; múa lân; biểu diễn võ thuật...; trong đó, trọng tâm là lễ khai ấn diễn ra vào đêm 14 tháng Giêng. Năm nay Ban tổ chức lễ hội sẽ chuẩn bị đủ số lượng ấn và phát cho Nhân dân, du khách từ 5h ngày 15 tháng Giêng (tức ngày 2/3 Dương lịch) cho đến khi hết ấn.
 Ban tổ chức sẽ bắn pháo hoa tầm thấp ngày khai hội Xuân núi Bà Đen
Hội Xuân núi Bà Đen (Tây Ninh): Bắn pháo hoa tầm thấp ngày khai hội

Ðiểm mới tại Hội xuân Núi Bà Ðen năm 2018 là đơn vị tổ chức sẽ phối hợp cùng Ban quản lý Khu du lịch tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp trong ngày khai mạc, và tổ chức lễ hội khinh khí cầu từ mùng 5 đến mùng 8 tháng Giêng năm Mậu Tuất.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần cáp treo núi Bà Ðen cũng đưa vào khai thác hệ thống máng trượt mới theo công nghệ châu Âu, với các ưu điểm vượt trội so với hệ thống máng trượt trước đây.

Máng trượt mới có hệ thống giám sát hành trình, tránh tình trạng xe đụng nhau, khi xe đạt tốc độ trên 40km/h sẽ tự động kích phanh giảm tốc độ… tạo an toàn tuyệt đối cho du khách.