Những doanh nhân tuổi Tý nổi danh, người giàu nhất là tỷ phú thế giới

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người tuổi Tý thường được đánh giá lạc quan, vui vẻ, không bị suy sụp cho dù gặp hoàn cảnh khó khăn nào và luôn đấu tranh cho cuộc sống của mình. Chính vì vậy, có rất nhiều doanh nhân tuổi Tý thành công trên thương trường, đặc biệt là tuổi Canh Tý (1960).

 
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco
Ông Trần Bá Dương là người sáng lập và cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco). Ngoài ra ông còn được biết đến tới tư cách Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh. Ông Trần Bá Dương được Forbes công nhận sở hữu khối tài sản 1,7 tỷ USD, đứng thứ 1.493 thế giới (số liệu tính đến ngày 23/1/2020), và là 1 trong 5 tỷ phú Việt Nam có trong danh sách này.
Ông Trần Bá Dương sinh năm 1960 (Canh Tý) tại Huế. Năm 1983, ông tốt nghiệp kỹ sư cơ khí tại Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Đến tháng 4/1997, ông Trần Bá Dương thành lập và trở thành Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn ô tô Trường Hải (nay đã đổi tên thành Công ty cổ phần ô tô Trường Hải).
Với nền tảng sẵn có là Khu phức hợp Cơ khí và Ô tô Chu Lai - Trường Hải, Thaco đang xúc tiến hình thành Trung tâm Cơ khí đa dụng miền Trung. Sản phẩm đầu ra sẽ không chỉ là các máy móc cơ khí phục vụ canh tác, cơ giới hoá ở khâu trồng trọt mà là các sản phẩm cơ khí hóa trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất, trồng trọt, chế biến, vận chuyển, bảo quản.
Từ chỗ dựa vào ô tô và phát triển cơ khí, Thaco đang chuyển mình, mở rộng hoạt động sang cơ khí nông nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí máy công nghiệp.
Những năm gần đây, Thaco đã "bắt tay" hợp tác với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Tỷ phú Trần Bá Dương đã đầu tư vào HNG thuộc Hoàng Anh Gia Lai thông qua việc mua 35% vốn với số tiền 3.949 tỷ đồng; cho vay 2.464 tỷ đồng. Công ty THADI do Thaco thành lập đã mua cổ phần 3 công ty con của HNG, sở hữu 23.100 ha đất với số tiền là 7.626 tỷ đồng, đồng thời đã nhận nợ vay 2.500 tỷ đồng và sẽ nhận nợ 3.500 tỷ đồng. Công ty Đại Quang Minh góp 65% vốn theo thỏa thuận, sẽ ứng mua tiếp 35% đồng thời sẽ ứng vốn trả nợ đến hạn và chi phí đầu tư cho giai đoạn II là 8.155 tỷ đồng. Số tiền mà Thaco đã bỏ ra đầu tư lên tới 22.194 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).
 
Ông Trần Kim Thành - Chủ tịch Kido
Ông Trần Kim Thành sinh năm 1960. Ông Thành và em trai Trần Lệ Nguyên là 2 nhà sáng lập Tập đoàn Kinh Đô (nay là Kido). Thuở nhỏ 2 anh em ông Thành đã bắt đầu làm quen với lĩnh vực bánh kẹo khi làm việc trong một tiệm bánh nhỏ của gia đình.
Khởi đầu của Kinh Đô là một cơ sở nhỏ với vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng, gồm 70 công nhân viên, chuyên sản xuất bánh mì, bánh tươi tại Phú Lâm (quận 6, TP Hồ Chí Minh).
Năm 1993, Công ty Xây dựng và Chế biến thực phẩm Kinh Đô được thành lập, tập trung vào sản xuất bánh bánh Snack (bim bim). Từ sự thành công của bánh snack, sau đó Kinh Đô dần thâm nhập vào thị trường bánh cookie, cracker, bánh trung thu, kẹo...
Năm 2014, Kinh Đô bất ngờ tuyên bố bán mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelēz International và lấn sân sang những lĩnh vực vốn chưa có nhiều kinh nghiệm là mì gói, dầu ăn, gia vị, cà phê. Sau thương vụ này, Kinh Đô đổi tên thành KIDO.
Tháng 5/2017, KIDO đã hoàn tất mua vào 32,886 triệu cổ phiếu của Vocarimex nâng tỷ lệ sở hữu tại đơn vị này lên 51%. Thương vụ này giúp KIDO trở thanh một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành dầu ăn Việt Nam khi có trong tay quyền chi phối, hoặc quyền kiểm soát các công ty lớn ở thị trường dầu ăn.
 
Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Thành Thành Công
Cùng sinh năm 1960, ông Đặng Văn Thành là 1 trong những đại gia ngành ngân hàng và mía đường nổi tiếng tại Việt Nam.
Ông là người gây dựng nên Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và cùng vợ Huỳnh Bích Ngọc dựng nên đế chế Thành Thành Công.

Từ cuối thập niên 1980, 2 vợ chồng ông Đặng Văn Thành bắt đầu khởi nghiệp với cơ sở sản xuất cồn, CO2 và mật rỷ đường.
Ngân hàng Sacombank với vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 3 tỷ đồng, ông Thành cũng là người có công lớn trong việc đưa Sacombank trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn và uy tín tại Việt Nam.
Tại Sacombank, ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị từ ngày 15/7/1995 đến năm 2012. Dưới thời ông Thành, Sacombank niêm yết thành công lên sàn chứng khoán vào năm 2006, là ngân hàng đầu tiên lập công ty quản lý quỹ và công ty cho thuê tài chính.
Cuối năm 2012, hai cha con ông Thành rút khỏi Sacombank. Năm cuối cùng ông Thành còn gắn bó với Sacombank, ngân hàng đã có mạng lưới rộng lớn với 417 chi nhánh - phòng giao dịch, khoảng 10.000 nhân viên hoạt động ở 3 quốc gia và có 9 công ty con trong nhiều lĩnh vực. Vốn điều lệ của Sacombank tăng lên gần 11.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, sở hữu trong tay hàng loạt các doanh nghiệp lớn, TTC Group (Tập đoàn Thành Thành Công) được đánh giá là một trong những "ông trùm" ngành mía đường Việt. Ngoài ra, Tập đoàn của ông Đặng Văn Thành còn là một trong những nhà phát triển năng lượng tư nhân lớn nhất Việt Nam với 19 nhà máy thuỷ điện và 7 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động. Thành Thành Công cho biết điện gió và điện mặt trời sẽ là 2 trong 4 mảng chính trong nhóm ngành đầu tư vào năng lượng tái tạo của Tập đoàn.
 
Ông Dương Công Minh - Chủ tịch Him Lam
Ông Dương Công Minh sinh năm 1960 ở Quế Võ, Bắc Ninh. Hiện tại ông Minh đang là Chủ tịch nhiều doanh nghiệp lớn bao gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), CTCP Him Lam, CTCP Chứng khoán Liên Việt, CTCP Dụng cụ Thể thao Bảo Long, CTCP Liên Việt Holdings, CTCP Phát triển Xín Mần.
Ông chủ Him Lam Dương Công Minh được biết đến là người thân thiện và khiêm tốn.
Hiện tại với việc sở hữu hơn 62,5 triệu cổ phiếu STB của Sacombank, ông Dương Công Minh đang có khối tài sản tương đương 657 tỷ đồng và xếp thứ 88 trong danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó Him Lam đang đầu tư và xây dựng nhiều dự án nhà ở, khu đô thị, khu du lịch lớn tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
 
Ông Trần Lê Quân - Thành viên sáng lập Thế giới Di động
Ông Trần Lê Quân, sinh năm 1960. Ông là kỹ sư viễn thông, đồng thời là 1 trong 5 thành viên sáng lập Thế giới Di động từ những ngày đầu, khi chỉ còn là một vài cửa hàng bán điện thoại nhỏ. Ông Quân đã rút lui khỏi Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) từ tháng 3/2019.
Tuy nhiên vị doanh nhân này vẫn sở hữu lượng lớn vốn tại MWG thông qua Công ty TNHH Tri Tâm của mình. Hiện doanh nghiệp này nắm giữ tới 38,6 triệu cổ phiếu MWG, tương đương 8,72% vốn doanh nghiệp, đồng thời là cổ đông lớn thứ 2 tại đây chỉ sau Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ (sở hữu 11,62%).
Với khối tài sản lên đến gần 4.447 tỷ đồng, ông Quân còn lọt vào top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
 
Ông Bùi Xuân Huy - Tổng giám đốc Novaland
Với việc sở hữu 36,8 triệu cổ phiếu NVL (Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Novaland), ông Bùi Xuân Huy (Tổng Giám đốc Novaland) đang đứng thứ 31 trong danh sách người giàu trên sàn chứng khoán Việt với 2.055 tỷ đồng.
Sinh năm 1972 (Nhâm Tý), ông Huy tốt nghiệp kỹ sư xây dựng và quản lý công nghiệp tại Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Trước khi gia nhập Novaland vào năm 2012 với vị trí Phó Tổng giám đốc, ông Huy từng có 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng và quản lý dự án tại các công ty đa quốc gia như đa quốc gia như Công ty Meinhardt Việt Nam và Công ty HBP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần