Những đứa trẻ mồ côi cha ngày 11/9

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi những chiếc máy bay đâm vào tòa nhà Trung tâm Thương mại thế giới ngày 11/9/2001, hơn 100 đứa trẻ chưa chào đời bỗng chốc đã trở thành mồ côi.

Vào lúc tòa tháp đôi ở Trung tâm thương mại thế giới (WTC) New York bị tấn công, Elizabeth Turner không có cách nào thoát ra khỏi sự kinh hoàng ở cách cô gần 6.000 km. Chồng cô là Simon đang ở một nhà hàng trên đỉnh Tháp Bắc của WTC. Khi cô nhìn thấy ngọn lửa bốc lên từ khắp các phía của hai tòa tháp chọc trời, chôn vùi tất cả mọi người trong những tầng cao, cô đang mang trong mình đứa con trai chưa chào đời. Lúc đó là 8h47 sáng ở New York và 13h47 chiều ở London.

Mang thai đứa con đầu lòng 7 tháng, Turner chỉ là một trong hơn 100 phụ nữ đang khóc cho số phận những đứa trẻ có cha đã tử nạn trong thảm kịch ngày hôm đó. Đứa trẻ đầu tiên trong số đó ra đời chỉ ít ngày sau thảm họa. Có những phụ nữ còn không biết mình đang mang thai khi xảy ra cuộc tấn công, có những người bị sẩy thai, thậm chí có người chuyển dạ ngay trong lễ tưởng niệm chồng. Những đứa trẻ 9 tuổi của họ là những di sản sống của những người đàn ông đã ra đi hôm đó, những người cha mà chúng chưa bao giờ biết mặt.

Với những người phụ nữ này, họ không chỉ đang nuôi nấng những đứa trẻ không có cha mà là những đứa trẻ 11/9, những nạn nhân nhỏ tuổi nhất của thảm kịch khủng bố đã mãi mãi khắc sâu vào tâm khảm của toàn thế giới.
 
102 phút sau khi chuyến bay số 11 của American Airlines lao vào, tòa tháp đổ sập xuống và cuộc sống của Turner cũng tan nát theo. Cô sinh con trai William vào tháng 11 và trong nhiều tuần sau đó, cô chìm trong nỗi đau buồn, tuyệt vọng và giận dữ. Cô đã sống như thế trong suốt những tháng đầu sinh William, cho đến khi một người bạn khuyên cô hãy quay lại cuộc sống ban đầu. Cô nhận ra rằng ngoài những gì đã mất, cô cần phải trân trọng những gì đang có, đó là con trai William.

Cô được đào tạo lại để trở thành một nhân viên tư vấn đời sống, giúp đỡ mọi người làm lại cuộc đời sau những khủng hoảng cá nhân như mất người thân, ly hôn, bệnh tật. Những kinh nghiệm bản thân đã được Turner ghi lại trong cuốn hồi ký “The blue skies of autumn”, xuất bản tuần trước. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán hồi ký sẽ được gửi đến Hội Chữ thập đỏ để bày tỏ lòng biết ơn với tổ chức đã hỗ trợ cô sau khi Simon qua đời. Cô cũng chia sẻ với con trai William những nguyên tắc đã giúp cô thoát khỏi vực thẳm sau cái chết của chồng.

“Tôi nói với con trai rằng chúng ta có thể dừng vòng xoay của cuộc sống và để lại một dấu ấn tích cực bằng cách cố gắng cân bằng những điều tồi tệ đã xảy ra. Tất cả chúng ta đang sống trong hành tinh nhỏ bé này và không còn nơi nào để đi cả, vì thế chúng ta phải tiếp tục”.

Khi con trai lớn lên, cô biết rằng William sẽ có những thắc mắc về Simon. “Tôi muốn để thằng bé hình dung được một điều gì đó trong tâm trí khi ngày kỷ niệm 10 năm sự kiện 11/9 đang đến gần”.

Đầu năm nay, hai mẹ con Turner đã có một chuyến đi đặc biệt đến New York để thăm khu Ground Zero, cùng với người chồng mới và đứa con lớn của ông. Ở đó, các nhân viên của WTC đã cho William thấy và nghe về những gì xảy ra hôm đó.

Cũng tại nhà hàng Windows trên WTC buổi sáng cách đây 10 năm, có một người đàn ông 39 tuổi khác. Mohammad Chowdhury, một bồi bàn người Mỹ gốc Bangladesh. Anh là một trong số 32 người Hồi giáo bị giết bởi al-Qaeda ngày 11/9. Vợ anh, Baraheen Ashrafi, sau đó thường xuyên bị các thanh niên chống Hồi giáo chế nhạo và đổ lỗi đã gây ra cuộc tấn công giết chết chồng cô.
 
Những đứa trẻ mồ côi cha ngày 11/9 - Ảnh 1
 
Andrea Russin cùng con trai Alec 3 tuổi và hai con gái song sinh Ariella và Olivia năm 2002.

Ashrafi sinh con trai Farqad chỉ hai ngày sau vụ tấn công. Đó cũng là đứa trẻ đầu tiên được sinh ra trong số con cái của các góa phụ 11/9, dù Ashrafi vẫn hy vọng cô không phải là góa phụ và Chowdhury sẽ trở về. Khi Faraq lớn lên, Ashrafi không thể nói cho con trai biết về cái chết của cha nhưng cuối cùng cậu bé vẫn biết điều đó từ các anh em họ. “Thằng bé cũng muốn có cha nhưng nó biết cha đã ở trên thiên đường. Nó bảo rằng nếu chúng tôi làm việc tốt, chúng tôi sẽ được gặp nhau ở đó”, Ashrafi nói.
 
Susan Retik thì đang mang thai đứa con thứ ba được 7 tháng khi chồng cô là David đang đi công tác trên chuyến bay số 11 của American Airlines từ Boston đến Los Angeles. Đây là chiếc máy bay đầu tiên bị bắt cóc và phát nổ hôm đó. Con gái cô được sinh ra 6 tuần sau ngày 11/9.

Retik sau đó kết bạn với Patti Qigley, một phụ nữ khác ở Boston và cũng là góa phụ ngày 11/9. Khi họ nuôi nấng những đứa trẻ một mình, họ cũng bắt đầu một chuyến hành trình khám phá, tìm hiểu về Afghanistan và cảnh ngộ của hàng trăm nghìn góa phụ khác - hệ quả của hàng thập kỷ chiến tranh.

“Thực tế là chúng tôi vẫn có rất nhiều thứ, còn những người phụ nữ ấy không có gì cả, không một cơ hội”, cô nói. “Họ là những nạn nhân của cùng một hệ thống và cùng những thủ phạm”.

Retik và Patti đã lập nên quỹ từ thiện “Beyond the 11th”, ủng hộ 650.000 USD cho các dự án kinh tế và xóa mù chữ dành cho các góa phụ Afghanistan. Năm ngoái, quỹ từ thiện của cô được Tổng thống Barack Obama tặng huân chương danh dự. Nhân kỷ niệm 10 năm sự kiện 11/9, cô sẽ cùng nhiều gia đình, bạn bè và những người ủng hộ tham gia vào một buổi đạp xe gây quỹ trong 3 ngày từ khu tưởng niệm Ground Zero đến Boston.

Với Andrea Russin, tuần thứ hai của tháng 9 là một khoảng thời gian buồn vui lẫn lộn. Ngày 11 là ngày giỗ của chồng cô, anh Steven, còn ngày 15 là sinh nhật của hai cô con gái được sinh đôi 4 ngày sau vụ tấn công. Nó cũng gợi cô nhớ về những sự ủng hộ lớn lao mà cô nhận được, từ những người láng giềng ở ngoại ô New Jersey đến những người hoàn toàn xa lạ ở châu Âu, sau khi Steven qua đời.

“Không thể diễn tả được sự rộng lượng của mọi người. Dù khoảng thời gian đó thật khủng khiếp nhưng điều đó cũng mang lại cho tôi niềm hy vọng. Có những người đã làm những điều tàn bạo vào ngày hôm đó, nhưng cũng còn rất nhiều những người tuyệt vời trên thế giới này”.

Bây giờ, cô vẫn thân thiết với những người xa lạ đã xuất hiện trong cuộc đời cô ngày hôm đó. “Chúng tôi mất Steven nhưng lại có thêm những người khác, họ cũng là gia đình của chúng tôi”.
Russin đã tặng hai sân chơi và một phòng khám thai sản cho New Jersey để đáp lại những gì cộng đồng đã dành cho gia đình cô. Cô cũng tổ chức hiến máu cho Hội Chữ thập đỏ mỗi dịp kỷ niệm hàng năm để vinh danh những người đã tử nạn ngày 11/9.

“Tôi cảm thấy như Chúa đã cho tôi một lý do để vui sống chứ không gục ngã trên cái chết của Steve. Mỗi ngày với chúng tôi đều là ngày sau 11/9. Bây giờ chúng tôi đã có một cuộc sống tốt”, cô nói về hai cô con gái song sinh Ariella và Olivia.

Ariella đã viết về sự thay đổi của cuộc sống trong một tuyển tập những bài viết của gia đình những người thiệt mạng trong vụ khủng bố mới xuất bản. Cô bé dành tặng một bài thơ cho người cha chưa từng gặp mặt:

“Cha thân yêu,

Nếu cha vẫn còn sống

Cuộc đời này đã đổi khác

Những niềm vui bên nhau

Những ngày đùa nghịch trên bãi biển

Cùng những trò chơi

Nhưng cuộc sống không giống như thế

Con luôn nghĩ về tình yêu dành cho cha

Con biết cha luôn cùng bên con

Con cũng luôn ở cạnh cha như thế

Yêu cha, Ariella”.
 
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần