Những góc khuất trong cuộc đua vào vị trí Tổng Thư ký LHQ

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016 đánh dấu lần đầu tiên Liên Hợp quốc (LHQ) tổ chức điều trần công khai nhằm lựa chọn vị trí Tổng Thư ký.

Trước đó, việc lựa chọn do Hội đồng Bảo an (HĐBA) và 5 nước thành viên thường trực là Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Mỹ bàn thảo và quyết định.

Ông António Guterres - cựu Giám đốc Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) được coi là ứng viên sáng giá cho vị trí này sau khi dẫn đầu cuộc thăm dò mới nhất của các thành viên HĐBA LHQ.Tuy nhiên, thế dẫn đầu hiện nay của ông Guterres dù vậy chưa phải là yếu tố quyết định.

 Ông António Guterres - cựu Giám đốc Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) được coi là ứng viên sáng giá cho vị trí Tổng thư ký LHQ.

Người chiến thắng trong cuộc đua cho vị trí Tổng Thư ký LHQ phải giành ít nhất 9 phiếu bầu trong HĐBA LHQ và không bị phủ quyết bởi một trong 5 thành viên thường trực của hội đồng này (nhóm P5). Vẫn có khả năng có ít nhất một phiếu phủ quyết dành cho ông Guterres trong vòng bỏ phiếu tại HĐBA LHQ. Nga từng ủng hộ việc một người Đông Âu đảm nhận vị trí này, và mọi sự chú ý đang dồn vào cuộc bỏ phiếu của HĐBA vào ngày 5/10 tới.

Nếu Nga bỏ phiếu phủ quyết ông Guterres thì nhiều khả năng các nước phương Tây cũng sẽ bỏ phiếu phủ quyết lại 8 ứng cử viên mà Nga ủng hộ. Tuần trước, một tài khoản Twitter mang tên Guterres lên tiếng rằng ông đã có được sự ủng hộ của Moscow, nhưng sau đó bị phát hiện là tài khoản giả mạo.

Đứng ở vị trí sáng giá thứ hai là Ngoại trưởng Slovakia - Miroslav Lajcák, với tỷ lệ ủng hộ tặng mạnh sau khi Thủ tướng Slovakia Robert Fico có chuyến thăm Nga kéo dài 4 ngày trước cuộc bỏ phiếu thăm dò lần 3 và bày tỏ phản đối lệnh trừng phạt của EU lên Moscow. Nhưng cũng vì thế, theo các chuyên gia, ông Lajčák rất có khả năng bị một quốc gia phương Tây thuộc nhóm P5 phủ quyết.

Việc ông Guterres liên tục dẫn đầu cuộc đua đã khiến cộng đồng quốc tế ngạc nhiên vì nhiều đồn đoán về khả năng vị trí Tổng Thư ký LHQ nhiệm kỳ tới sẽ là một phụ nữ và là người Đông Âu. Tuy nhiên, việc 3 ứng viên dẫn đầu sau cuộc khảo sát lần 5 là nam giới cho thấy kỳ vọng này đã trở nên xa vời. Bà Natalie Samarasinghe,  người đứng đầu Hiệp hội LHQ tại Anh cho rằng, vấn đề phân biệt giới tính là một yếu tố, nhưng không phải là câu chuyện đầy đủ. Vấn đề nằm ở cuộc chiến ngầm giữa các cường quốc nhóm P5, nhằm khẳng định tiếng nói tại một thể chế đa phương quốc tế lớn.

Nạn nhân mới nhất của sự cạnh tranh khốc liệt này là nữ ứng viên của Bulgaria, người đứng đầu tổ chức UNESCO về văn hóa, giáo dục – bà Irina Bokova. Theo The Guardian, sau khi không đạt được kỳ vọng của HĐBA trong quá trình tranh cử, một chiến dịch “trong bóng tối” đã được dựng lên nhằm thay thế bà Bokova với Kristalina Georgieva, Ủy viên ngân sách của EU – người cuối cùng trở thành ứng viên đại diện cho Bulgaria. Việc xuất hiện một loạt bài báo phê bình phương thức điều hành của bà Bokova trùng thời điểm bà Georgieva lại được lãnh đạo EU nâng đỡ, và đề xuất lên thay thế vị trí bà Bokova chạy đua vào chiếc ghế Tổng Thư ký LHQ. Hồi đầu tháng 9, email của một nhân viên của bà Georgieva bị hack cho thấy một số thư điện tử có nội dung nói về chiến dịch “tấn công” bà Bokova trên các phương tiện truyền thông.

Năm 2016 là lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm của LHQ, các quốc gia thành viên được quyền tiến cử đại diện, còn các ứng cử viên thì phải nộp đơn ứng cử, hồ sơ cá nhân và phải trình bày quan điểm ở phiên điều trần công khai của Đại hội đồng LHQ, nhằm giành phiếu của các phái đoàn từ 193 quốc gia.

Mục đích của tiến trình tìm Tổng Thư ký LHQ "kiểu mới" này là hướng tới sự dân chủ, minh bạch và hiệu quả. Nhưng xem ra những xung đột lợi ích giữa các cường quốc vẫn khiến mục tiêu này bị cản trở, biến cuộc đua năm nay tiếp tục trở thành “hỗn chiến tranh quyền”.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần