Những hành khách cuối cùng rời Hà Nội về ăn Tết

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Họ là những người dân ngụ cư ở Thủ đô. Họ cố bám trụ lại Hà Nội tới tận những ngày cuối cùng của năm cũ để mưu sinh. Và, họ là những người cuối cùng rời Thủ đô trong những chuyến xe muộn màng, vội vã trong chiều 30 Tết.

Những chuyến xe cuối cùng rời Hà Nội về quê ăn Tết.
Ngày 30 Tết, đường phố Hà Nội trở nên thông thoáng lạ thường. Nguyên nhân chính là phần lớn người dân quê ở các tỉnh thành khác đã trở về nhà ăn Tết từ nhiều ngày trước. Tuy nhiên, vẫn còn có không ít người, vì những vướng bận, lý do riêng, họ vẫn phải nán lại Thủ đô đến tận những thời điểm cuối cùng trước Giao thừa mới có thể “khăn gói quả mướp” rời Thủ đô về với quê nhà.
Chiều 30 Tết, tuyến đường QL1A cũ trở nên thông thoáng hơn rất nhiều do nhiều hàng quán hai bên đường đã đóng kín để gia chủ chuẩn bị cho mâm cỗ Tất niên. Những sạp hàng bán hoa quả, đồ dùng cho ngày Tết cũng chỉ còn lác đác vài nơi. Người dân địa phương hầu như đều đã trở về nhà sum vầy bên gia đình. Tuy nhiên, bắt đầu từ khu vực bến xe Nước Ngầm, từng đoàn xe máy với lỉnh kỉnh đồ đạc vẫn liên tục nối đuôi nhau, trực chỉ về khu vực cầu Giẽ, đây là hướng chính dẫn về các tỉnh lân cận Hà Nội như Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình...
Những người cuối cùng rời Hà Nội về ăn Tết thường đi xe máy với lỉnh kỉnh đồ đạc.
Ngồi trên chiếc xe máy hiệu Honda còn mới màu sơn, Nguyễn Thị Nga (SV trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN) lọt thỏm giữa 2 chiếc va ly lớn cùng những túi đồ đựng đầy bánh kẹo, hoa quả treo phía trước. Chị Nga cho biết mình đang học năm cuối đại học. "Không giống những năm trước, năm nay dù được nghỉ Tết từ rất sớm, em vẫn quyết định ở lại Hà Nội để đi làm thêm cho một cửa hàng bán quần áo, vừa kiếm thêm chút tiền tiêu Tết, vừa làm quen dần với công việc ngoài giảng đường, để chỉ ít tháng nữa, sau khi ra trường sẽ không còn bỡ ngỡ. Giờ em vẫn chưa biết ra trường sẽ làm gì nhưng cứ đi làm trước cho quen dần. Về sớm vài ngày cũng thế. Nhà em đông người, không thiếu người chuẩn bị Tết ở nhà”, Nga nói.
Đi ngay sau xe của Nga là vợ chồng anh Trần Ngọc Cương (làm nghề buôn bán tại chợ Hà Đông). 2 vợ chồng anh, cùng cậu con nhỏ chen chúc trên chiếc xe máy đã cũ trông càng trở nên khổ sở hơn bởi những túi đồ lỉnh kỉnh xách theo. “Có mấy gói bánh mua về làm quà Tết. Một ít hàng đồ khô bán không hết mình cũng xách về, các cụ ở nhà đỡ mua món nào hay món đấy”, anh Cương nói vội. Không giống như Nga, quê anh Cương ở anh Thanh Liêm, Hà Nam, cách Hà Nội không quá xa. Vợ chồng anh mưu sinh ở Hà Nội được gần chục năm nay nhưng hầu như năm nào anh cũng về quê đón Tết. Và, năm nào cũng về muộn như thế. “Năm ngoái mình còn về muộn hơn. Đặt chân đến nhà là gần đến Giao thừa rồi. Năm nay thu xếp về sớm một chút cho đỡ cập rập. Tết xong lại ra sớm”, anh Cương nói.
Chiều 30 Tết, hầu như chỉ có chiều rời Hà Nội còn đông xe.
Con đường từ Hà Nội về khu vực cầu Giẽ hầu như chỉ có một chiều từ Hà Nội đi các tỉnh là đông xe. Chiều ngược lại phần lớn là những người dân sống hai bên đường. Thi Thoảng mới thấy vài chiếc xe, họ đủng đỉnh ngồi, vừa đi vừa ngắm nghía xem có sạp hàng hoa nào ế ẩm để ghé vào mua. Không tìm thấy chậu cây nào ưng ý, họ cũng chẳng bận tâm. Nhà ngay gần đó, cỗ bàn đã đủ, chẳng có gì phải ưu tư. Thế nên, đi dọc trên QL1A cũ chiều cuối năm mới cảm nhận được hết sự đặc biệt hiếm có của con đường này. Cùng một tuyến đường nhưng hai chiều đi là hai dòng phương tiện, tâm trạng hoàn toàn trái ngược. Đoàn xe của vợ chồng anh Cương, của cô bé sinh viên tên Nga và rất nhiều người dân ngụ cư Hà Nội khác cứ lầm lũi phóng đi, vội vàng, cập rập như thể Tết đang đuổi ngay phía sau lưng họ.
Chiều từ các tỉnh về Hà Nội trở nên vắng hoe.
Trong mấy năm trở lại đây, xu hướng dùng xe máy đi về quê trong dịp Tết của những cư dân ngụ cư ở Hà Nội đang ngày càng phổ biến. Một phần vì muốn tránh cái cảnh nhồi nhét ngột ngạt trên xe khách, phần khác do họ muốn tranh thủ ở lại Thủ đô thêm ít ngày cuối năm mưu sinh để kiếm thêm chút tiền, cho nồi bánh trưng ở quê được to hơn, cho cành đào, cây quất được rực rỡ hơn. Tết đã thay đổi nhiều so với trước đây. Những hệ giá trị truyền thống của ngày Tết có lẽ vẫn vẹn nguyên như thế. Nhưng, quan niệm về một kì nghỉ Tết để ăn chơi, xả hơi theo kiểu “no dồn đói góp”, làm cả năm chỉ để cho mấy ngày Tết đã không còn nguyên trạng như xưa nữa. Có lẽ đó là sự chuyển dịch tất yếu và hợp lý của một xã hội ngày càng phát triển như hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần