Những hệ lụy của "rừng" văn bản pháp luật về đất đai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ khi Luật Đất đai năm 2003 ra đời, riêng thành phố Hà Nội đã có 23 văn bản quy định về quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng.

Cùng với đó là hàng loạt văn bản đề xuất, hướng dẫn do Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Hà Nội năm 2012 để hướng dẫn các quận, huyện thực hiện đối với từng dự án cụ thể, khiến cán bộ các ngành, các cấp và người dân Thủ đô Hà Nội như “lạc” vào “rừng” văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Liên tục có văn bản mới

Từ năm 2004 đến 2009, khi Hà Nội cũng như các địa phương đang thực hiện hơn 20 Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thì ngày13/8/2009, Chính phủ cho ra đời Nghị định 69/2009/NĐ-CP “Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư”. Nghị định 69/2009 được đánh giá là cởi mở, có nhiều điểm mới tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Chỉ hơn 1 tháng sau khi Nghị định 69/2009 được ban hành, Hà Nội là địa phương đi đầu thực hiện “quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố” bằng Quyết định 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 thay thế Quyết định số 18/2008 QĐ-UBND được ký cách đó đúng một năm (ngày 29/9/2008).

Hơn 2 năm triển khai, bước đầu phát huy hiệu quả, thành phố lại có Quyết định 02/2013/QĐ-UBND ngày 07/01/2013 sửa đổi, bổ sung Quyết định 108/2009. Tiếp đó, 6 tháng sau, ngày 18/7/2013 thành phố ban hành Quyết định 27/2013/QĐ- UBND, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 02/2013.

Theo nhiều cán bộ của ngành Địa chính cũng như cán bộ các quận, huyện, phường, xã ở Thủ đô, do sự thay đổi liên tục các văn bản như vậy, chỉ riêng việc tìm hiểu, rà soát, họp bàn, triển khai cũng đã khiến các cơ quan thực thi “chóng mặt”. Không ít trường hợp, cán bộ công chức trong cơ quan còn thấy thiếu tự tin không biết rằng mình xử lý như vậy là đúng hay sai, phải hỏi lại cấp trên; rồi cấp trên lại phải hỏi lên cấp trên nữa…

Cần nhanh chóng có giải pháp khắc phục

Việc liên tục thay đổi văn bản trong thời gian ngắn còn khiến các cơ quan thực thi “trở tay không kịp” bởi sự chồng chéo, nhất là đền bù đất ở và đất nông nghiệp.

Rối rắm đầu tiên trong các văn bản quy định “cơ quan được giao xác định giá đất ở làm căn cứ tính bồi thường, hỗ trợ và tái định cư”. Nếu tại Quyết định 108/2009, “khi mức giá chưa sát với giá chuyển nhượng đất thực tế trên thị trường, UBND cấp huyện đề xuất, báo cáo Sở Tài chính chủ trì thẩm tra, trình UBND thành phố xem xét quyết định”, thì đến Quyết định 02/2013, việc này lại do “UBND cấp huyện giao Chủ đầu tư thuê tổ chức tư vấn để xác định lại giá đất ở”. Thế là toàn bộ hồ sơ, sổ sách, giấy tờ đang làm dở được chuyển từ UBND cấp huyện sang Chủ đầu tư dự án. tiếp đó, thành phố lại ban hành Quyết định 27/2013, trả lại chức năng “xác định giá đất ở” cho UBND cấp huyện như quy định lúc đầu trong Quyết định 108/2009.

Hiện nay, trong các phương án bồi thường cho người dân bị thu hồi đất, người ký quyết định phải viện dẫn gần 20 văn bản làm căn cứ pháp lý. Sự chồng chéo trong nội dung các văn bản khiến người đặt bút ký như “lạc” vào ma trận, bởi ranh giới đúng - sai rất mong manh. Rất nhiều trường hợp giải phóng mặt bằng bị người dân không chấp nhận phương án bồi thường và khiếu kiện. Ban Giải phóng mặt bằng quận, huyện phải xin ý kiến các sở, ngành của thành phố. Tiếp nhận đề nghị của cấp dưới, bản thân sở, ngành cũng thấy “vướng” nên lại làm công văn xin hướng dẫn hoặc chỉ đạo của lãnh đạo thành phố hoặc của Bộ. Thế là tiến độ giải phóng mặt bằng ở địa phương lại kéo dài vì mất thời gian chờ đợi cấp trên trả lời…

Thực tế những năm qua i, hàng loạt văn bản liên quan đến giải phóng mặt bằng mới áp dụng vào thực tế thời gian ngắn, thậm chí chưa kịp triển khai, cán bộ Địa chính chưa kịp hiểu kỹ, địa phương vừa phân loại, kiểm đếm, lên phương án bồi thường… thì đã có quy định khác sửa đổi bổ sung, thay thế. Đó là chưa nói đến chất lượng văn bản với những quy định ít khả thi, gây cản trở tiến độ các dự án của thành phố.

Những tồn tại, vướng mắc trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư, xây dựng các dự án, công trình, tiếp cận đất đai… gây bức xúc và giảm lòng tin của tổ chức, doanh nghiệp và người dân, ảnh hưởng đến chỉ số năng lực cạnh tranh (CPI) của thành phố. Theo kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2012, chỉ số CPI của Hà Nội đứng ở vị trí thứ 51/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 15 bậc so với năm 2011.

Hy vọng cùng với việc Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp sắp tới, Thành phố cũng sẽ nghiêm túc nhìn nhận bất cập này, tìm đúng nguyên nhân và nhanh chóng đưa ra các giải pháp khắc phục để Hà Nội phát triển bền vững hơn nữa, xứng đáng là Thủ đô của cả nước.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần