Những kỹ năng giúp thanh niên có việc làm trong kỷ nguyên số
Kinhtedothi – Để có được việc làm trong kỷ nguyên số, thanh niên, lao động trẻ không chỉ trang bị kiến thức chuyên môn mà còn cần kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, khả năng giao tiếp, sự sáng tạo...
Thanh niên không có việc làm vì thiếu kỹ năng
Theo báo cáo về tình hình lao động, việc làm quý I/2025 của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy, số lao động có việc làm ước tính là 51,9 triệu người, giảm 234.000 người so với quý trước và tăng 532.100 người so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thanh niên từ 15 – 24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo là 1,35 triệu người, chiếm 10,4% tổng số thanh niên, tăng 84.400 người so với quý trước. Trong đó, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực thành thị là 8,2%; khu vực nông thôn là 11,7%. Thông tin này khiến nhiều người bất ngờ bởi trong khi các DN đang rất thiếu ứng viên, phải thông báo tuyển dụng ở nhiều kênh thì lại có những người trẻ tuổi chưa tìm được việc làm; như vậy rất lãng phí nguồn nhân lực.

Thanh niên tìm hiểu thông tin việc làm và đăng ký ứng tuyển. Ảnh: Thủy Trúc
Khi trao đổi về cơ hội việc làm của thanh niên, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội – Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Quang Thành cho hay, lực lượng lao động trẻ được nhà trường đào tạo bài bản và có kiến thức, kỹ năng rất tốt. Trong bối cảnh thị trường hiện nay, lực lượng lao động trẻ có điều kiện để tiếp cận, nắm bắt nhanh về công nghệ số nên tiếp cận rất nhanh với các vị trí việc làm. Tuy nhiên, việc tự rèn luyện, tự nâng cao các kỹ năng của lao động trẻ vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, lao động trẻ có xu thế “nhảy việc” cao vì cho rằng công việc, mức thu nhập không đáp ứng được yêu cầu của bản thân. “Lao động trẻ, đặc biệt là gen Z có nhiều tính tích cực nhưng bên cạnh đó cũng cần phải rèn rũa từ thị trường và bản thân người lao động phải trang bị thêm cho mình những kiến thức, kỹ năng để thích ứng với thị trường lao động trong từng giai đoạn, bối cảnh cụ thể”- ông Vũ Quang Thành đưa ra lời khuyên.
Là người trực tiếp tuyển dụng những lao động trẻ, chị Nguyễn An - Quản lý đào tạo Khách sạn Sheraton Hanoi West cũng cho rằng, lao động trẻ khi tiếp cận với công nghệ để tìm việc làm đã có được rất nhiều thông tin; vì thế kỳ vọng của các bạn khi vào làm việc sẽ hơi cao. Khi vào môi trường trong khách sạn chẳng hạn, mặc dù các bạn nhìn ở ngoài thấy rất lộng lẫy nhưng lúc làm việc thì sẽ vất vả. Có một vài bạn làm việc được một thời gian thì nghỉ do chưa đáp ứng được nhu cầu của DN, cơ sở kinh doanh.
Ngày hội việc làm – cầu nối giúp sinh viên tiếp cận doanh nghiệp
Để hỗ trợ sinh viên có việc làm ngay khi ra trường và đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, nhiều năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các trường đại học trên địa bàn Hà Nội (Trường Đại học Công nghệ Đông Á, Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Phụ nữ Việt Nam...) tổ chức những Ngày hội việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động, giới thiệu và kết nối việc làm cho sinh viên với các DN.
Cụ thể như ngày 9/4/2025, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Ngày hội việc làm năm 2025 với 50 DN, đơn vị tham gia tuyển dụng trên 2.100 chỉ tiêu việc làm full time, part time. Tại Ngày hội việc làm năm 2025, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và Học việc Phụ nữ Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, với các nội dung tư vấn định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn việc làm cho sinh viên, tổ chức Ngày hội việc làm...

Sinh viên, thanh niên ứng tuyển phỏng vấn tại Ngày hội việc làm năm 2025. Ảnh: Thủy Trúc
Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam PGS.TS Dương Kim Anh khẳng định, Ngày hội việc làm là cầu nối trực tiếp giữa sinh viên với nhà tuyển dụng, tổ chức, từ đó giúp các em có thể tìm kiếm được những cơ hội nghề nghiệp phù hợp với năng lực và đam mê của mình. Theo PGS.TS Dương Kim Anh, việc làm – hai chữ rất đơn giản nhưng đòi hỏi sinh viên sự kiên trì và nỗ lực không ngừng. Vì thế, để chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình sự nghiệp thì không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn là kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, khả năng giao tiếp, sự sáng tạo và tinh thần cầu tiến. Với triết lý “Giáo dục toàn diện, chất lượng và bình đẳng”, Học viện Phụ nữ Việt Nam luôn nỗ lực tạo ra một môi trường học tập, nghiên cứu, rèn luyện, phát triển toàn diện cho sinh viên.
Lãnh đạo các trường cao đẳng, đại học, DN tuyển dụng đang hợp tác với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho rằng, việc tổ chức những Ngày hội việc làm là hoạt động rất có ý nghĩa đối với sinh viên. Khi đến Ngày hội việc làm, sinh viên được tìm hiểu thông tin về xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động, yêu cầu của DN đối với ngành mình đang học, ứng tuyển làm việc part time, full time.
Để đào tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm việc làm thực tế, hiện nay nhiều DN đang thông báo tuyển dụng sinh viên làm thực tập sinh. Cụ thể là Khách sạn Sheraton Hanoi West, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội – Chi nhánh Xuân Thủy – Cầu Giấy, Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation, Hệ sinh thái Tuyển dụng iVIEC – Tập đoàn FPT... Đây là cơ hội rất tốt để sinh viên được trải nghiệm công việc, rèn kỹ năng, khắc phục những hạn chế, hiểu được công việc để khi tốt nghiệp tìm được việc làm với mức thu nhập thỏa đáng.

Đề xuất nghiên cứu bảo hiểm việc làm cho người lao động
Kinhtedothi –Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị nghiên cứu bảo hiểm việc làm để hỗ trợ người lao động phòng ngừa rủi ra có thể xảy ra, duy trì việc làm, bên cạnh bảo hiểm thất nghiệp.

Trên 2.100 việc làm dành cho sinh viên và người lao động
Kinhtedothi – Ngày hội việc làm năm 2025 diễn ra tại khuôn viên Học viện Phụ nữ Việt Nam có sự tham gia của 50 đơn vị, DN tuyển dụng 2.155 chỉ tiêu, đa dạng vị trí việc làm, mức lương lên tới trên 10 triệu đồng/tháng, thu hút nhiều sinh viên đến tìm hiểu và đăng ký ứng tuyển.

Hà Nội giải quyết việc làm cho trên 54.000 người lao động
Kinhtedothi – Trong 3 tháng đầu năm 2025, toàn TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 54.131 người lao động, đạt 32,03% kế hoạch năm.