Những lễ hội, chương trình nghệ thuật hấp dẫn du khách tại Nha Trang

Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

rnKinhtedothi - Dịp đầu năm mới, khắp cả nước rộn ràng trong bầu không khí của lễ hội, du xuân và Nha Trang cũng không nằm ngoài niềm vui chung ấy. Để mùa lễ hội thêm ấn tượng, nhiều chương trình nghệ thuật đã được tổ chức phục vụ người dân và thu hút du khách.

Theo thống kê của Sở Du lịch Khánh Hòa, trong dịp Tết Mậu Tuất, Nha Trang đón hơn 200.000 lượt khách. Bởi lẽ, không chỉ có khí hậu ôn hòa, nhiều phong cảnh đẹp cùng những khu nghỉ dưỡng sang trọng, thời điểm này, Nha Trang còn có rất nhiều chương trình văn hóa, lễ hội truyền thống và hiện đại rất đặc sắc, thể hiện được nét độc đáo riêng của Việt Nam.
Nhiều lễ hội văn hóa du xuân
Nha Trang không chỉ nhiều danh lam thắng cảnh đẹp để du khách thưởng ngoạn mà còn nhiều địa điểm hấp dẫn để du lịch tâm linh, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương và du khách. Trong dịp đầu xuân, hầu hết các địa điểm du lịch này đều tổ chức lễ hội văn hóa nhằm cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, gặp nhiều bình an và may mắn.
Trong số đó, phải kể đến Lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra từ ngày 20-23 tháng Ba âm lịch. Có thể nói, đây chính là lễ hội lớn nhất trong khu vực để ghi nhớ công ơn của Mẹ Xứ Sở đã truyền dạy cho người dân nơi đây biết cày cấy, chăn nuôi, trồng trọt, dệt vải… Toàn bộ Lễ hội được chia thành hai phần bao gồm: Lễ thay xiêm y cho tượng nữ thần Ponagar và Lễ dâng hương tạ Mẫu. Sau nghi lễ là các tiết mục biểu diễn múa hát truyền thống của người Việt và người Chăm rất ấn tượng.
Nếu bạn đến Nha Trang vào đầu tháng Ba âm lịch thì có thể tham dự Lễ hội Am Chúa kéo dài từ ngày 1 đến ngày 3 với mục đích để tưởng nhớ và cảm tạ ân đức của nữ thần Ponagar. Bên cạnh phần Lễ thì phần Hội sẽ có nhiều hoạt động ca múa truyền thống của người Việt và người Chăm không kém phần hấp dẫn so với Lễ hội Tháp Bà.
Ngoài ra, du khách đến với Nha Trang thời điểm tân xuân này còn được tham dự Lễ hội Cầu Ngư. Đây là một trong những lễ hội không thể thiếu của các tỉnh thành ven biển. Không chỉ là một tập tục của người dân nơi đây mà lễ hội này còn thu hút rất nhiều khách du lịch Nha Trang tìm đến để khám phá. Lễ hội Cầu ngư diễn ra tại chùa Ông vào khoảng tháng hai, tháng ba âm lịch, tái hiện một cách sinh động phong tục thờ cúng Cá Ông mang đậm nét văn hóa dân gian. Theo truyền thuyết, cá voi thường giúp đỡ ngư dân vượt qua tai nạn trên biển cả nên được ngư dân tôn thành “Cá Ông” và thờ cúng như một vị thần nhằm cầu mong có những chuyến ra khơi bình an.
Đa dạng hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc
Bên cạnh những lễ hội truyền thống, Nha Trang còn tổ chức rất nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật từ quy mô nhỏ cho đến những chương trình hoành tráng để phục vụ người dân địa phương, đặc biệt là khách du lịch đến Nha Trang dịp đầu xuân năm mới.
Ngay từ thời khắc chuyển giao giữa năm cũ 2017 sang năm mới 2018, chương trình ca múa nhạc kết trình diễn thời trang đã được tổ chức với chủ đề “Chào xuân Mậu Tuất”, đông đảo người dân địa phương và du khách hào hứng đón xem tại Quảng trường 2/4. Điểm nhấn của chương trình là tiết mục “Hô hát bài Chòi”- môn nghệ thuật dân gian truyền thống của người dân miền Trung được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, đã đem đến sự tương tác cho khán giả và những nghệ sỹ trên sân khấu.
Nối tiếp chương trình nghệ thuật của Đêm Giao Thừa, các chương trình nghệ thuật Tuồng với trang phục lộng lẫy, hóa trang đẹp vũ điệu phong phú hay chương trình lân- sư- rồng đặc sắc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, các tiết mục ca múa nhạc dân gian, hiện đại, thời trang cùng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại đã tạo nên một chương trình hoành tráng kéo dài cho đến hết ngày mùng 5 Tết.
Bên cạnh đó, nhiều du khách tới Nha Trang dịp này cũng đón xem các tiết mục nghệ thuật đặc sắc đón xuân Galina show Hoa Đất Việt của Nhà hát Dân gian Á Châu. Đây là chương trình văn hóa có tính nghệ thuật được góp sức xây dựng bởi những biên kịch, đạo diễn, diễn viên tài ba, lột tả một không gian văn hóa sống động của người dân Việt Nam từ xa xưa cho đến hiện tại, từ Bắc vào Nam, từ cao nguyên xuống đến đồng bằng.
Giám đốc Nhà hát Dân gian Á Châu Hoàng Dùng cho biết: “Trong dịp năm mới nhà hát đã thu hút hơn 10 ngàn khách trong nước và quốc tế tới xem Galina show, trong đó khách quốc tế chủ yếu đến từ Trung Quốc và Nga”.
Sở dĩ Hoa Đất Việt hút khách bởi nhiều người tìm hiểu về văn hóa nguồn cội của người dân Việt Nam. Mỗi tiết mục lại là một câu chuyện văn hóa của các dân tộc được kể lại bằng các động tác hình thể tuyệt đẹp, tạo nên những màn trình diễn múa truyền thống đặc sắc, giàu tính biểu cảm. Toàn bộ chương trình kéo dài trong hơn 1 giờ đồng hồ, bao gồm 12 tiết mục như: Lời ru Âu Lạc, “Men tình” với những điệu múa tiếng khèn chếnh choáng của người H’Mông, múa mừng mùa màng bội thu của người dân miền Cửu Long hay rực lửa cháy hết mình trong “Truyền lửa” của Tây Nguyên, lắng nghe nhịp thở Hương Giang trong hầu văn di sản Huế, hay thướt tha “Đào liễu” trong những làn điệu chèo, cho đến nét văn hóa kiến trúc, trang phục của người dân tộc Chăm, duyên dáng áo dài miền trung- miền biển…
Có thể nói, những chương trình văn hóa nghệ thuật, từ truyền thống cho đến hiện đại, từ tâm linh cho đến nghệ thuật đều có những ý nghĩa độc đáo riêng, đặc biệt là tất cả đều thể hiện nét văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, trong những ngày đầu xuân năm mới, những chương trình này đã đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao đời sống tinh thần của người dân, cũng như thu hút lượng lớn khách du lịch đến với thành phố biển Nha Trang.