Những lưu ý khi sử dụng thịt gà

Ngọc Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thịt gà là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi dịp lễ, Tết. Nhưng theo góc độ khoa học, dùng thịt gà thế nào để đảm bảo ATTP và tốt với sức khỏe từng người thì không phải ai cũng biết.

Chọn gà ngon, an toàn
Gà có thể chế biến được rất nhiều món ăn hấp dẫn cho bữa ăn gia đình, phù hợp cả trẻ nhỏ, người già, từ món súp, salad, bún, phở cho đến các món luộc, hấp, nướng, rán… Chọn mua gà ngon, ATTP, không bị bệnh luôn là vấn đề các bà nội trợ quan tâm.
Ảnh minh họa
Để đảm bảo ATTP, người tiêu dùng nên chọn gà sống. Cần chọn con khỏe mạnh, lông mượt, óng, mào đỏ chót, không nên mua gà mào tím, lông xù, diều đầy hơi là gà rù. Nếu mua gà làm sẵn, nên chọn gà có màu sắc tự nhiên, da không có vết bầm, mùi vị bình thường. Nên chọn con có da màu vàng nhạt, gà có màu vàng đậm thường do người bán ngâm vào nước có pha phẩm màu, nếu phẩm màu ngoài danh mục sẽ gây hại cho sức khỏe. Không nên chọn những con gà đen sạm vì đó là gà đã chết hoặc gà bệnh trước khi làm. Ngoài ra, gà cũng hay bị bơm nước, những chỗ hay bơm như đùi lườn, chỉ cần ấn tay vào thấy nhão trơn hoặc biến dạng thì không nên mua. Đặc biệt, người tiêu dùng nên chú ý, đối với gà làm sẵn sẽ có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.

Thịt gà giàu dưỡng chất

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến –Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong thịt gà có các vitamin A, B1, B2, C, E và nhiều khoáng chất như canxi, phốt pho, sắt nên không chỉ là thực phẩm khoái khẩu mà tác dụng của thịt gà còn được dùng làm thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, vitamin B6 (hoặc vitamin B tổng hợp) có trong thịt gà sẽ khuyến khích các enzyme và các phản ứng trao đổi chất của tế bào trong cơ thể. Nếu mọi người đang tìm kiếm một nguồn thịt nạc tuyệt vời chứa nhiều protein, ít chất béo thì nên chọn thịt gà. Lượng protein trong thịt gà có tác dụng giúp bạn tăng trưởng và phát triển cơ bắp, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và hỗ trợ giảm cân. Trong thịt gà cũng chứa lượng lớn axit amin được gọi là tryptophan có tác dụng làm dịu thần kinh, kích thích giấc ngủ.

Tuy nhiên, theo lương y Lương Cao Cường – Hội Đông y TP Hà Nội, thịt gà trong đông y gọi kê nhục, và phân biệt tác dụng của thịt gà trống, gà mái. Trong đó, thịt gà mái già có tác dụng bồi bổ cho người bị bệnh lâu ngày, dạ dày bị phong hàn, suy yếu không hấp thu được thức ăn. Ngoài việc bổ khí bổ huyết, thịt gà mái già cũng giúp phòng chữa các bệnh phụ khoa như rối loạn kinh nguyệt, bế kinh; các chứng khí hư hạ hãm như sa phủ tạng (tử cung, dạ dày, lòi dom, trĩ...), ngồi xuống đứng lên hoa mắt, chóng mặt. Lưu ý, các trường hợp nhiệt thịnh, sốt cao, táo kiết, vàng da, vàng mắt do thấp nhiệt không được dùng thịt gà mái già.

Ai không nên ăn thịt gà?

Mặc dù thịt gà rất giàu dưỡng chất, vitamin có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên không phải ai cũng có thể thoải mái ăn thịt gà. Với một số bệnh nhất định, cần hạn chế tối đa việc tiêu thụ thịt gà, thậm chí là kiêng cho đến khi đã khỏi hẳn bệnh.

Lương y Lương Cao Cương lý giải, gà là loại thực phẩm có tính nóng nên sẽ trợ thấp nhiệt, vì vậy những người đang mắc bệnh xơ gan không nên ăn vì sẽ làm cho chứng thấp nhiệt ở gan nặng thêm, tình trạng bệnh sẽ chuyển biến xấu. Riêng đối với những người bị huyết áp cao, tim mạch nên hạn chế ăn thịt gà, đặc biệt da gà, vì trong da gà có nhiều mỡ, cholesteron. Ngoài ra, theo những kinh nghiệm của nhiều người thì những người sau mổ cũng không nên ăn thịt gà vì sẽ bị ngứa da hoặc để lại sẹo. Lý do bởi thịt gà có tính nóng nên rất dễ gây ra hiện tượng sưng, mưng mủ vết thương khiến da lâu lành và dễ viêm nhiễm. Nhất là khi các vết thương hở nếu không được chăm sóc đúng cách có thể để lại những vết sẹo lồi với các kích cỡ khác nhau. Bên cạnh đó, những người bị sỏi thận không nên ăn thịt gà do thịt gà là loại thực phẩm rất giàu protein nên sẽ khiến lượng oxalate trong nước tiểu tăng lên và hình thành các loại sỏi.

5 bộ phận của gà không nên ăn

Rất nhiều người biết về thịt gà và dinh dưỡng từ thịt gà đem lại nhưng không phải ai cũng biết một số bộ phận của gà nếu ăn sẽ không tốt cho sức khỏe. Theo đó, phao câu hay còn gọi đuôi gà được rất nhiều người ưa thích bởi sự béo ngậy của nó. Tuy nhiên, trên thực tế thì phao câu gà là bộ phận độc hại nhất trong cơ thể gà. Phao câu chứa túi xoang và các tế bào lâm ba, chất dịch độc hại tồn đọng ở đây, sử dụng không tốt cho sức khỏe. Đối với cánh gà - nơi tập trung chủ yếu là da và phần mỡ dư thừa tích tụ khá lớn. Ăn cánh gà đồng nghĩa với việc bạn nạp một lượng lớn chất béo vào cơ thể. Mề gà có thể kết hợp dùng để nấu với các loại rau khác nên rất được ưa chuộng. Tuy nhiên mề gà thực chất là dạ dày của gà và có nhiệm vụ nghiền nát thức ăn. Do gà có thể ăn nhiều loại vi sinh vật, nên lượng chất độc hại có thể sẽ bị dự trữ lại tại đây. Còn phổi gà, chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra rằng, các bộ phận thuộc hệ hô hấp của gà cũng là nơi chứa đựng rất nhiều các chất độc và các vi khuẩn gây bệnh khác nhau tùy theo điều kiện sinh sống của chúng. Ngoài ra, phổi gà rất dễ có các ký sinh trùng sinh sống như giun sán, vi khuẩn kháng nhiệt, ưa nhiệt…, vì vậy mọi người nên loại bộ phận này ra khỏi thực đơn. Riêng da gà chứa lượng cholesterol, lại dễ nhiễm khuẩn cùng với sự ký sinh của các vi khuẩn gây hại cho sức khỏe. Đối với những người hay bị ho, dị ứng, ngứa ngáy, đặc biệt nên tránh ăn da gà.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần