Những mục tiêu khả thi trong phát triển kinh tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục tiêu được đặt ra trong nhiệm kỳ 5 năm tới về kinh tế là tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,5 - 7%/năm.

Sản xuất các linh, phụ kiện điện tử tại Công ty TNHH SYNOFEX Việt Nam, Khu Công nghiệp Quang Minh (Hà Nội).	 Ảnh: Danh Lam
Sản xuất các linh, phụ kiện điện tử tại Công ty TNHH SYNOFEX Việt Nam, Khu Công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam
Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.200 - 3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP đạt trên 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP; bội chi ngân sách không quá 4% GDP; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%...  Bên cạnh đó, các mục tiêu về xã hội và môi trường cũng thể hiện quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong xây dựng nền tảng kinh tế - xã hội - môi trường để sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thúc đẩy tăng trưởng

Nếu so sánh với kết quả tăng trưởng 6,68% của năm 2015 cho thấy tính khả thi rất cao của các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi, theo số liệu thống kê, có hàng chục nghìn DN được thành lập mới. Các DN này là sự bổ sung nguồn lực để sáng tạo giá trị đối với nền kinh tế trong giai đoạn 2016 - 2020. Mức thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là 2.200 USD thì với tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/năm, đến năm 2020, mức thu nhập này là 3.200 USD, còn để đạt mục tiêu 3.500 USD, tốc độ tăng trưởng phải đạt trung bình ít nhất 7,2 - 7,5%/năm. Nếu so sánh với mức thu nhập bình quân đầu người của các nước ASEAN năm 2014 là 4.136 USD, mức thu nhập bình quân đầu người này của Việt Nam năm 2020 cũng chỉ bằng khoảng 80%. Nói cách khác, mục tiêu tăng trưởng và thu nhập đặt ra, mặc dù có thể đạt được, song khó cải thiện cơ bản thứ bậc thu nhập của Việt Nam trong các nước ASEAN đến năm 2020. Chính vì thế, mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng cần được ưu tiên hàng đầu để tránh tụt hậu, trước hết trong ASEAN. Vốn đầu tư toàn xã hội cần phải huy động hiệu quả từ nhiều nguồn để đạt, thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng đặt ra. Tuy nhiên, đầu tư công bị kiểm soát bởi tỷ lệ bội chi ngân sách được quy định chặt chẽ đòi hỏi cao hiệu quả thực hiện.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Với phương hướng chuyển dịch phương thức hay mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu mang tính xuyên suốt, cơ cấu kinh tế chắc chắn phải có sự chuyển dịch, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến cần được mở rộng cùng với các ngành dịch vụ để tận dụng cơ hội mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Với phương hướng này, năng suất tổng hợp phải có đóng góp ngày càng cao, thể hiện ở việc đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất. Mục tiêu đó có thể đạt được vì xét theo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, so với năm 2014, chỉ số này của Việt Nam năm 2015 tăng lên 19 bậc, từ hạng 71 lên hạng 52 trong số 143 nước khảo sát. Chỉ số đổi mới sáng tạo được cải thiện là do các DN mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ. Nó phản ánh xu hướng đầu tư theo chiều sâu được coi trọng và tăng lên trong giai đoạn 2016 - 2020, cho nên chỉ số năng suất tổng hợp có khả năng vượt mục tiêu đặt ra. Để tăng năng suất lao động xã hội, như được đánh giá của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), năng suất của Việt Nam chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/11 của Nhật Bản và 1/10 của Hàn Quốc, 1/5 của Malaysia và 2/5 của Thái Lan, cần coi trọng đổi mới phương thức tổ chức lao động, đào tạo tay nghề, tăng tính chuyên nghiệp và nâng cao kỷ luật lao động, tăng mức trang bị máy móc, thiết bị và công nghệ mới. Lao động Việt Nam có truyền thống cần cù và khéo tay cho nên nếu tận dụng được thế mạnh sẵn có này sẽ đạt mục tiêu nâng cao năng suất.

Việc nâng cao năng suất lao động xã hội còn gắn với tiết kiệm chi phí để cải thiện hiệu quả, đặc biệt là việc giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân từ 1 - 1,5%/năm. Trong điều kiện giá dầu giảm sâu trong năm 2016 có thể tới mức 15 - 20 USD/thùng càng có điều kiện để tiết kiệm năng lượng và chỉ tiêu tiết kiệm chi phí đặt ra có thể thực hiện hiệu quả. Điều này góp phần tiết giảm chi phí kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh và nâng cao hiệu quả của DN.

Quá trình đô thị hóa đạt tỷ lệ 38 - 40% đến năm 2020 cho thấy có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Cơ cấu này cũng phù hợp với việc giảm tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong nền kinh tế và xuất hiện một bộ phận đáng kể dân cư tập trung ở các đô thị hoặc các khu công nghiệp, khu công nghệ cao.