Những ngày lễ hội ở Thụy Lâm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không giống như hầu hết các địa phương trên cả nước, tháng Giêng mới là tháng của những miền lễ hội, tại xã Thụy Lâm, dịp cuối năm lại là thời điểm Nhân dân các thôn, xóm tưng bừng mở hội.

Những tháng ngày chờ mong

Những ngày này đến với xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh), người ta sẽ được hòa mình vào không gian lễ hội với những màu sắc riêng có tại miền quê này. Con đường liên thôn Thư Lâm – Thụy Lôi dẫn lối chúng tôi đến với ngôi làng Biểu Khê rợp cờ hoa thắm đỏ. Trên lối đi được bê tông khang trang, sạch đẹp, dòng xe cộ kéo về khu đình mỗi lúc một đông hơn. Mấy chị, mấy mẹ tay bồng tay bế, dắt con em bách bộ hướng về phía ngôi đình. Thi thoảng lại lắc nhẹ tay các em bảo bước nhanh chân thêm một chút. Sắp đến giờ Biểu Khê khai hội làng!  
Giải bóng chuyền hơi các câu lạc bộ xã Thụy Lâm.
Giải bóng chuyền hơi các câu lạc bộ xã Thụy Lâm.
Thụy Lâm là vùng đất cổ, nằm ở phía Đông Bắc kinh đô Cổ Loa đời Thục An Dương Vương. Nơi đây là vùng đất “thất diệu sơn” có núi Sái uy linh, từng in dấu chân ngựa Thánh Gióng, có sông Cà Lồ nằm trên trục đường từ Như Nguyệt về Thăng Long đã góp phần làm nên nhiều chiến công trong các cuộc kháng chiến chống giặc Tống ở thế kỷ XI, kìm vó ngựa giặc Nguyên Mông mùa Xuân năm 1258. Nơi đây còn được biết đến như “mảnh đất khoa bảng”. Trong suốt thời Lê, mở đầu từ Lê Thánh Tông (1460) đến năm thứ hai đời Lê Hiển Tông (1741), nơi đây đã 6 lần đón quan nghè về vinh quy bái tổ, làm rạng danh quê hương.
Ngày Chủ Nhật cuối tuần nhưng mới 8 giờ sáng, sân đình Biểu Khê đã có rất đông người dân đến quây quần. Các anh chị em, cô bác tập trung trước sân đình nghe “liền anh, liền chị” hát quan họ. Đám trẻ nhỏ thích thú với mấy trò chơi đan xen truyền thống với hiện đại như: Câu cá nhựa, xay sát thóc lúa bằng mô hình, hoặc thỏa thích lộn nhào trong không gian lâu đài bằng khí hơi khổng lồ và hò hét trên đường ray tàu lượn. Xa xa phía đồng, đám thanh niên vây quanh những sới gà chọi, hăng hái tham gia trò đập niêu đất, và đặc biệt là bắt vịt… dưới ao. Hào hứng vỗ tay cổ vũ cho những cuộc đối đầu nảy lửa. Ngày Đông, trời vẫn lạnh như suốt một tuần qua vẫn vậy. Nhưng với những cậu thanh niên trai tráng trong làng, niềm vui của ngày hội dường như xua tan đi cái lạnh của những ngày mùa Đông…  

Không chỉ ở Biểu Khê, tháng 11 – 12 âm lịch cũng là thời điểm các thôn làng khác ở xã Thụy Lâm như Hương Trầm, Cổ Miếu, Mạnh Tân, Đào Thục, Thụy Lôi tưng bừng khai hội. Đi khắp làng trên xóm dưới, hễ tới đầu đình là thấy không khí rộn ràng ngập tràn lễ hội. Em Nguyễn Tấn Phát – học sinh lớp 3D (trường Tiểu học Thụy Lâm) vui sướng vì nhận được con thú nhồi bông sau khi giành chiến thắng trong trò chơi “phi tiêu bóng bay” hào hứng chia sẻ, năm nào cũng vậy, em cùng lũ bạn háo hức chờ tới ngày hội làng để được thỏa thích tham gia các trò chơi mà không phải chen lấn, chờ đợi. Và đặc biệt là: “Vào mùa lễ hội, mẹ cũng “chiều” hơn.…” – Phát hồn nhiên bảo.

 
Một trong những hoạt động gắn kết cộng đồng nổi bật những năm qua ở xã Thụy Lâm là giải bóng chuyền hơi các câu lạc bộ. Mùa lễ hội năm nay, thôn Hương Trầm vinh dự được chọn là đơn vị đăng cai tổ chức. Ông Đỗ Ngọc Hữu – Trưởng thôn Hương Trầm cho biết, đây là hoạt động thường niên của xã. Theo đó, trong giải sẽ mời các câu lạc bộ bóng chuyền hơi từ các thôn, xóm khác không chỉ ở xã Thụy Lâm mà còn thuộc các xã lân cận tham dự. Năm nay, giải quy tụ 10 câu lạc bộ đến từ bốn xã, nhiều nhất từ trước đến nay. Dù chỉ là giải đấu “cấp” làng xã, nhưng cũng có phần thưởng giành cho ngôi vị quán quân. Tuy không nhiều, nhưng đủ để hâm “nóng” sân thi đấu trước di tích đình Hương Trầm.  

Theo chia sẻ của nhiều bậc lão niên, sở dĩ những hội làng được tổ chức vào dịp này là bởi đây là giai đoạn kết thúc một năm sản xuất. Bà con tổ chức lễ tế, tạ ơn công đức các vị thành hoàng làng đã phù trợ, độ trì để chúng sinh có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là dịp để bà con xóm giềng có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, vui chơi trước khi bắt tay vào giai đoạn sản xuất mới.   

Giữ lễ hội “của làng, của dân”
Ông Hoàng Kế Khiêm – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh

“Những hội làng diễn ra hàng năm ở Thụy Lâm là một hoạt động văn hóa dân gian hướng về nguồn cội. Việc tế lễ, tổ chức các trò chơi dân gian ngày càng hòa nhập và gắn bó mật thiết với đời sống của Nhân dân địa phương. Đó là cách mà thế hệ đi trước giáo dục lòng nhân đức, truyền thống biết ơn tổ tiên cho các thế hệ hôm nay và mai sau…”.
 

Lẫn trong dòng người, thấy cả những cụ ông, cụ bà mái đầu đã bạc chăm chú dõi theo những trò chơi của đám thanh niên, trẻ nhỏ. Ông Lê Quang Bản (ở thôn Thụy Lôi, năm nay 68 tuổi) bảo, nhìn đám thanh niên chơi đùa, ông lại nhớ lại mình của những ngày xưa. Cái thời cũng đã hăng hái “mua vui” như thế! Thật vui mừng vì sau nhiều năm tháng, lễ hội ở những ngôi làng ven sông Cà Lồ này đã không bị mất đi.    

Một điểm khá đặc biệt tại các hội làng ở Thụy Lâm là phần “lễ” được tổ chức hết sức trang nghiêm, ngắn gọn. Người dân được khuyến cáo không cung tiến quá nhiều hương hoa, vật phẩm, đốt vàng mã nơi cửa đình. Tại hội làng có nhiều hàng quán kinh doanh đồ ăn thức uống, bày bán hàng lưu niệm, tổ chức trò chơi dân gian truyền thống, nhưng tuyệt nhiên không có lời qua tiếng lại, hoặc mặc cả thêm bớt về giá dịch vụ. Khách có thể vui vẻ tham gia, trong khi người phục vụ cũng tỏ ra khá thoải mái. Rất văn minh bởi lối suy nghĩ, tất thảy dù sao cũng là người một làng!     

 
Trẻ em thích thú với trò câu cá nhựa.
Trẻ em thích thú với trò câu cá nhựa.
Những hội làng ở Thụy Lâm có thể được tổ chức thường niên trong suốt hàng thế kỷ qua một phần cũng nhờ vào bàn tay vun đắp, gìn giữ của đông đảo bà con Nhân dân nơi đây. Nói vậy bởi 100% kinh phí tổ chức các hội làng là do Nhân dân các địa phương đóng góp.

Ông Phạm Minh Huỳnh – Trưởng ban văn hóa xã hội xã Thụy Lâm cho hay, các hội làng ở Thụy Lâm được tổ chức từ ngày 10 – 15/11 âm lịch hàng năm. Hầu hết các lễ hội gắn liền với một sự kiện, ngày kỷ niệm đặc biệt của làng, xã. Ví như, chính hội làng Hương Trầm vào ngày 12/11 là ngày sinh Thành hoàng làng Thượng Đẳng Thần Quý Minh Công, hội làng Thụy Lôi tưởng nhớ công ơn của Tiến sĩ Lê Tuấn Mậu – Ông tổ nghề vật, hay hội làng Đào Thục nhằm nhắc nhớ công lao của Ông tổ nghề múa rối nước Nguyễn Đăng Vinh… Những lễ hội “bất vụ lợi” của xóm làng bởi vậy không chỉ là dịp để người dân thoải mái vui chơi sau mùa vụ sản xuất thắng lợi, mà còn là biểu hiện của truyền thống “uống nước nhớ nguồn” bao đời nay của dân tộc.     

Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm Đào Công Quát cho biết, cùng với toàn huyện, TP, những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng luôn được chính quyền và Nhân dân địa phương quan tâm. Đối với các hội làng, xã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ kinh phí (nếu cần thiết) để Nhân dân các thôn, làng duy trì hàng năm, với phương châm tổ chức tiết kiệm và hiệu quả. Trong thời gian tới, cùng với phát huy giá trị các lễ hội, địa phương sẽ tập trung vào công tác duy tu 12 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và TP, nhằm đảm bảo việc lưu giữ tốt nhất những di sản văn hóa tín ngưỡng, truyền đời cho các thế hệ tiếp nối.

Có thể nói, những hội làng ở Thụy Lâm dù không có quy mô hoành tráng như những lễ hội mùa Xuân, nhưng đã thể hiện được phần nào nét đẹp văn hóa đậm tính Việt, và nhất là mang tính cộng đồng làng xã rất cao. Điều đó một lần nữa khẳng định, dù ở bất cứ nơi đâu, khi lễ hội thực sự là “của làng, của dân”, những nhốn nháo kim tiền, phù hoa giả tạo bấy lâu sẽ bị đẩy lùi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần