Những ngày tháng không quên của chiến sĩ áo xanh nơi tuyến đầu chống dịch

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Suốt gần 4 tháng qua, cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 đã đọng lại nhiều hình ảnh xúc động và chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt Nam. Cùng với các “chiến sĩ áo trắng” thì quân đội, công an cũng luôn là lực lượng tiên phong đi đầu, trực tiếp tham gia chống dịch. Đây thực sự là “những ngày tháng không quên” của họ khi trên tuyến đầu chống dịch trong thời bình.

 Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng trong một ca trực đêm tại ổ dịch lớn bệnh viện Bạch Mai.
Những hy sinh thầm lặng
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt trong gần 4 tháng qua với lời hiệu triệu “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. Theo đó, cùng với “chiến sĩ áo trắng” thì quân đội, công an luôn là lực lượng tiên phong đi đầu, trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Tại Hà Nội, khi phát hiện ổ dịch lớn tại bệnh viện Bạch Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa), hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an phường và quận Đống Đa đã vào cuộc tích cực. Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Duy Định - Trưởng Công an phường Phương Mai cho biết, suốt đêm 28/3 (thời điểm cách ly toàn bộ bệnh viện Bạch Mai - PV), các cán bộ, chiến sĩ công an phường đã trắng đêm làm nhiệm vụ để đảm bảo tuyệt đối an toàn đưa hơn 500 người từ bệnh viện đến khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của TP.
Ngoài ra, với biên chế chỉ có hơn 30 người nhưng hàng ngày công an phường đều cắt cử 12 cán bộ, chiến sĩ luân phiên chốt trực 24/24 tại 2 điểm trong bệnh viện Bạch Mai. “Mệt mỏi, áp lực nhưng chúng tôi nhận thức rõ đây là thời điểm tất cả phải cố gắng, nỗ lực, quyết tâm để bảo đảm sức khỏe cho Nhân dân” - Thiếu tá Nguyễn Duy Định tâm sự.
Còn Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng - Đội phó Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội (Công an quận Đống Đa) cho biết, ngày 28/3, khi có quyết định cách ly toàn bộ bệnh viện Bạch Mai được đưa ra, anh cùng 20 đồng đội xung phong nhận nhiệm vụ canh chốt chống dịch mặc dù biết việc giám sát ở bệnh viện lớn như Bạch Mai sẽ rất vất vả và có khả năng phơi nhiễm cao.
“Nhận công việc trong hoàn cảnh gấp rút nên tôi cùng đồng đội có rất ít thời gian để chuẩn bị. Thậm chí có người còn chưa kịp chào hỏi vợ con hay thông báo cho gia đình biết. Thế nhưng ai cũng thể hiện rõ quyết tâm xung phong đi đầu trong công tác chống dịch” - Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng chia sẻ.
Bảo vệ tuyệt đối khu cách ly 24/24h, những người làm công tác “gác cổng” tại ổ dịch lớn như các anh có những đêm giấc không tròn và nhiều ngày không về nhà mặc dù nhà chỉ cách nơi làm việc vài km. Mọi nỗ lực được đền đáp xứng đáng khi sau 14 ngày thực hiện lệnh phong tỏa thì đúng 0 giờ ngày 12/4, chốt kiểm soát tại bệnh viện Bạch Mai được tháo dỡ. Trong tiếng vỗ tay và hô vang “Việt Nam chiến thắng” từ các y, bác sĩ, người nhà bệnh nhân cho đến các chiến sĩ công an, quân đội trực chốt tại đây đều xúc động.
“Đêm ấy quả thực là một đêm trắng và niềm vui vỡ òa như khoảnh khắc đón chào năm mới. Cũng trong khoảng khắc ấy, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao trong suốt 14 ngày qua. Tuy nhiên, nén niềm vui ấy lại chúng tôi tiếp tục công tác đảm bảo trật tự bởi không vì vui mừng mà quên nhiệm vụ” - Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng nhớ lại.
 Các chiến sĩ bộ đội Trường quân sự (Bộ Tư lệnh Thủ đô) vận chuyển đồ giúp người dân sau khi hoàn thành cách ly.
Vững vàng trên tuyến đầu chống dịch
Thời gian gần đây, báo chí nước ngoài đã có nhiều bài viết ca ngợi thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19. Một trong những thành công phải kể đến đó là thực hiện nghiêm việc cách ly. Góp phần vào thành công này không thể không nhắc tới đến hy sinh của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” cả nước chung và Hà Nội nói riêng trong việc đảm bảo công tác tại các khu cách ly.
Thực hiện nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng và UBND TP Hà Nội giao, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tổ chức quản lý và phục vụ tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời, bảo đảm xe vận chuyển đưa đón, hậu cần, phục vụ người cách ly; nhận và bàn giao người cách ly đúng quy định. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tiếp nhận hơn 6.000 công dân và đã hoàn thành cách ly y tế tập trung với hơn 5.000 công dân.
Theo Đại tá Nguyễn Hồng Hải - Cục trưởng Cục Hậu cần (Bộ Tư lệnh Thủ đô), do đặc thù giờ hạ cánh của các chuyến bay quốc tế nên 29 đồng chí trong tổ lái xe thường xuyên phải làm nhiệm vụ trong đêm. Vào ngày cao điểm, lái xe và bộ phận phục vụ phải vận chuyển gần 1.700 người và lượng lớn hành lý. Trong khi đó, nêu cao tinh thần "Vì Nhân dân phục vụ", dù vợ mới sinh con thứ hai chưa được 2 tuần nhưng Thiếu úy Đặng Phi Long - nhân viên quân y Tiểu đoàn 24, Sư đoàn 301 (Bộ Tư lệnh Thủ đô) đã tình nguyện ở lại cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ.
Hay Đại úy Vũ Văn Mừng (lái xe) và vợ là Thiếu tá Trần Thị Nhâm - nhân viên quân y tại Sư đoàn 301 đã phải gửi con về quê ở tỉnh Hải Dương từ nhiều ngày qua để yên tâm làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung do đơn vị được giao phụ trách.
Khó khăn lớn nhất trong đợt cách ly vừa qua tại Trường Quân sự (Bộ Tư lệnh Thủ đô) là số công dân từ nước ngoài về nước thường vào ban đêm nhiều nên những ngày đầu bộ phận phục vụ phải thức trắng đêm để làm việc. Trong khi đó, bộ phận hậu cần thường phải làm việc từ 2-3 giờ sáng đến 18 giờ tối để bảo đảm nhiệm vụ nấu ăn phục vụ người cách ly đủ 3 bữa/ngày.
Thiếu úy Vương Thành Nam - Tiểu đoàn Thông tin 610 được tăng cường về Trường Quân sự chia sẻ: “Thực hiện nhiệm vụ tôi phải mặc đồ bảo hộ đúng quy định. Những ngày nóng, mồ hôi vã ra ướt đẫm và phải liên tục sát khuẩn nên da tay luôn bong tróc. Thế nhưng, thấy mọi người vui, ăn ngon miệng là tôi quên hết mệt nhọc”. Những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần