Theo PGS,TS.KTS Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư vấn đề “nóng” nhất hiện nay với Việt Nam là đô thị hóa rộng khắp trên mọi vùng lãnh thổ. Đô thị hóa nhanh chóng góp phần không nhỏ để thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội, đồng thời đã là lực đẩy chính của nền kinh tế. Nhưng sự phát triển này đã để lại hậu quả nặng nề, do càng phát triển đô thị càng bộc lộ các yếu kém gây tác hại lâu dài. Các căn bệnh đô thị như: Kiến trúc lộn xộn, giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường, dự án đô thị theo kiểu phòng ngủ độc canh mà thiếu vắng các dịch vụ công cộng thiết yếu, bất động sản không có lối ra…
Từ đó có thể thấy Việt Nam đang thiếu một hoạch định tổng thể được nghiên cứu hệ thống, liên ngành giữa hiện đại hóa với kinh tế - xã hội thông qua xây dựng đô thị, giữa đô thị với bền vững tự nhiên - con người - môi trường trong phát triển. Riêng ở Việt Nam còn tồn tại thách thức kép giữa: 1, Thách thức từ các khu vực đô thị cũ đang quá tải nặng nề; 2, Thách thức từ quá trình mở rộng đô thị mới đang diễn ra với tốc độ nhanh nhưng chất lượng đô thị còn yếu kém.
Các đô thị Việt Nam đang phải đối mặt với tốc độ mở rộng nhanh chưa từng thấy và có nguy cơ bị mắc kẹt trong các mô hình tăng trưởng đô thị kém hiệu quả và thiếu bền vững kiểu “đô thị-phòng ngủ” mà chưa thể thoát ra một cách dễ dàng, lại đối mặt ngay với tình trạng phát triển tràn lan các khu cao tầng có mật độ đậm đặc tại các trung tâm cũ, gây “bệnh đầu to” đô thị và đóng băng bất động sản tại các địa điểm xa trung tâm, khiến cho tư duy đô thị càng gặp khó khăn trong phát triển.
Không những thế các đô thị lịch sử như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Hải Phòng, Đà Lạt… luôn quá tải, bao bọc xung quanh chúng là các dự án “sắp” xây đô thị, vốn trước là vùng nông nghiệp bao la. Các dự án “xôi đỗ” này càng rất khó gắn kết với nhau bởi chúng chủ yếu trông chờ vào đường vành đai và các tuyến giao thông hướng tâm. Hệ thống giao thông này khó tải nổi lượng người đổ ra đô thị sinh sống và tìm việc làm. Các khu dân cư cũ (gồm chủ yếu chung cư và nhà chia lô) đang đứng trước khó khăn phải xây lại hàng loạt nhà cũ nát, môi trường sống xuống cấp. Các khu ở thấp tầng bị xen cấy đậm đặc nhà không có nổi mảnh sân chung, không gian mở cho cộng đồng…
Khi thế giới lấy xu hướng phát triển theo Kiến trúc xanh, Đô thị xanh thì Việt Nam vẫn cho xây dựng những cao ốc kính và bê tông không giám sát tiêu chuẩn phát thải CO2, hiệu ứng nhà kính và kiểm soát hiệu quả năng lượng. Các kiến trúc thực chất là những vỏ thông thường của nhà thấp tầng, chồng lên nhau thành cao và siêu cao tầng khiến cho chúng trở thành thảm họa đô thị trong tương lại gần (cháy nổ, khó thoát người, an ninh, hỏng thang máy, thiếu điện, nước…). Năng lượng cho đô thị ngày càng cao, đô thị không hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo cho công trình và công cộng thì việc tăng điện từ nhiệt điện, thủy lợi, mua của Trung quốc… làm cho đô thị khó bền vững để phát triển.Nguyên nhân của thực trang này, PGS,TS.KTS Nguyễn Hồng Thục cho rằng bắt nguồn từ các nghịch lý trong đô thị hóa tại Việt Nam. Thứ nhất, ở nhiều quốc gia trên thế giới đô thị hóa xảy ra trước công nghiệp hóa nhưng ở Việt Nam, quá trình này ngược lại. Làn sóng chuyển cư tới các đô thị ngày càng gia tăng sớm hơn tốc độ tăng công nghiệp, dịch vụ. Nhu cầu định cư tại đô thị vì thế tăng theo. Sự bùng nổ hệ thống khu đô thị mới đang diễn ra, một mặt vừa giảm áp lực chỗ ở cho người dân, vừa đem lại lợi nhuận khổng lồ cho giới kinh doanh bất động sản. Và điều này giải thích cho hiện tượng dòng người vẫn đổ về trung tâm tìm kiếm việc làm, dịch vụ đời sống thiết yếu, gây tắc đường, đi lại quá nhiều và quá tải ở trung tâm cũ.Hạ tầng kỹ thuật đi sau là nghịch lý thứ hai. Nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ có khả năng kế hoạch hóa tốt hơn kinh tế nông nghiệp dựa vào các nguồn nhân lực tham gia để quy hoạch, thiết kế đô thị. Theo đó, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội luôn đi trước. Chính vì thế mà những TP của các nước phát triển có thể chịu đựng tốt làn sóng nhập cư lao động. Còn các TP của chúng ta không chịu đựng được. Khảo sát đất xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của nhiều đô thị ở Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 10 - 15% đất đô thị, trong khi yêu cầu tối thiểu cần từ 30 - 35%.Nghịch lý thứ ba là thôn tính đất vành đai. Năm 1996 chiến lược phát triển đô thị Việt Nam vạch kế hoạch cho tổng thể đất đô thị đến 2020 là 460.000ha, thì đến 2006 đã thực hiện trên 477.000ha, vượt kế hoạch 13 năm. Sau đó đô thị hóa không cần chỉ tiêu sử dụng đất của Chính phủ mà theo Chương trình phát triển đô thị của từng địa phương tự tính toán.Điều này đi ngược nguyên tắc giữ các vành đai xanh để đảm bảo phát triển bền vững. Xóa đi ranh giới địa lý giữa đô thị và nông thôn, giữa các TP, lấy đi những vùng đất màu mỡ luôn cung cấp rau xanh, thực phẩm và các loại hoa, làm mất những lá phổi xanh, không gian nghỉ dưỡng nhất thiết phải gìn giữ.