Những người hóa giải mâu thuẫn ở Hoàn Kiếm

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở tại quận Hoàn Kiếm được quan tâm, chú trọng để hóa giải các mâu thuẫn. Nhờ duy trì hiệu quả các tổ hòa giải, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận luôn được giữ vững.

Phần thi năng khiếu của quận Hoàn Kiếm tại cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” TP Hà Nội năm 2019. Ảnh: Thái San
Tham gia công tác hòa giải hơn 20 năm, bà Nguyễn Thị Bích (68 tuổi) là người hòa giải viên tiêu biểu tại phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) luôn được cán bộ, người dân tin tưởng. Hòa giải thành công nhiều vụ việc nhưng bà ấn tượng nhất là hai vụ việc hòa giải trong khu dân cư. Vụ việc thứ nhất là hai gia đình có chung diện tích phụ nhưng nhà dưới tầng một cho thuê nhà, còn hộ trên gác tự sửa chữa diện tích phụ, lấy tiền điện, tiền đi vệ sinh của người thuê nhà. Hai gia đình mâu thuẫn căng thẳng, ầm ĩ cả khu dân phố. Nhận được thông tin, bà tìm hiểu sự việc, gặp gỡ hai gia đình dàn hòa, dùng cái lý, cái tình để có thể hóa giải được mâu thuẫn. Kết quả chỉ sau một cuộc nói chuyện, hai gia đình đã đi đến thống nhất được với nhau là chia đôi số tiền sửa chữa diện tích phụ chung.
Một vụ việc khác là hai gia đình ông Đ. và bà T. chung đường nước thải sinh hoạt. Hộ ông Đ. lấy gạch bịt lại không cho hộ bà T. đi chung đường nước thải vì lý do ống nhỏ nước thoát chậm gây ùn ứ nước. Hai hộ cãi vã nhau, lời qua tiếng lại, sau đó viết đơn gửi cho bà. Khi nhận đơn, bà đến nắm tình hình, vừa dàn hòa và đưa phương án thay đường ống to hơn tránh gây ùn tắc nước. Hai hộ nghe bà phân tích đều nhất trí và khu dân cư đã bình yên trở lại. Qua thực tế công tác, bà Nguyễn Thị Bích cho biết, để hòa giải thành công vụ việc, người hòa giải phải là người nắm được luật, công minh, chính trực, luôn vì cái chung, cái đúng để làm. Khi giải quyết luôn vận dụng luật cùng với kinh nghiệm thực tế, có lý, có tình. Đồng thời, bản thân người hòa giải phải gương mẫu, tuyên truyền cho bà con sống có tình nghĩa, đoàn kết. Là người sâu sát trong khu dân cư nên mọi vấn đề trong nhà, ngoài ngõ, trong tổ, ngoài tổ khúc mắc, bà đều nắm bắt được.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Viên (sinh năm 1947, thường trú tại Tổ 41, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm), có niềm đam mê hòa giải và tinh thần nhiệt tình, cần mẫn, trách nhiệm với vai trò Tổ trưởng Tổ hòa giải. Với 15 năm tham gia công tác tại địa bàn dân cư, bà được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 9, Tổ trưởng tổ dân phố, Tổ trưởng tổ hòa giải... Bà khẳng định, bản thân và gia đình mình phải gương mẫu thì mới tuyên truyền, vận động có hiệu quả trong các phong trào thi đua của Hội, tổ dân phố. Với sự nhiệt tình, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm, trong địa bàn dân cư, tổ dân phố có trường hợp nào xảy ra mâu thuẫn, bà đều có mặt với lời lẽ chân tình, phân tích có tình, có lý nhằm hàn gắn, xóa tan mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Nhiều trường hợp mâu thuẫn ở trong 3 tổ dân phố thuộc địa bàn dân cư số 9 được bà hòa giải thành công, như: Chuyện mâu thuẫn giữa mẹ chồng, nàng dâu; vợ chồng mâu thuẫn; hàng xóm láng giềng cãi vã, đánh nhau do va chạm trong sinh hoạt hàng ngày, tranh chấp đất đai...

Hàng tháng, thông qua các buổi họp giao ban công tác hòa giải định kỳ, các thành viên của các tổ hòa giải của phường Cửa Nam đã chia sẻ kinh nghiệm, phân tích những mặt mạnh, yếu, làm được, chưa làm được trong công tác hòa giải. Đồng thời chia sẻ, động viên nhau phát huy những cách làm hay, khắc phục, hạn chế, từng bước nâng cao hoạt động hòa giải của các tổ hòa giải.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần