[Những người hùng thầm lặng nơi biên cương] Bài cuối: Nhường cơm sẻ áo nuôi dưỡng những mầm non

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, ngoài việc giúp đồng bào dân tộc miền biên giới phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị, những chiến sĩ quân hàm xanh đã phát huy tốt những chương trình như “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Nâng bước em tới trường”, “Tay kéo Biên phòng” hay “Hũ gạo tình thương”…

Thông qua những chương trình này, tình quân dân, những phẩm chất tốt đẹp của “Anh bộ đội Cụ Hồ” lại thêm một lần nữa tỏa sáng, đi sâu vào tiềm thức của đồng bào dân tộc nơi vùng biên.
Điểm tựa cho những mảnh đời kém may mắn

Theo thống kê của Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên, thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, Bộ đội biên phòng tỉnh đã hỗ trợ 73 em học sinh, trong đó có 66 em học sinh Việt Nam, 7 em học sinh Lào với số tiền là 36,5 triệu đồng/năm (500.000 đồng/em/tháng). Và các đồn Biên phòng nhận nuôi 26 em theo mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”.

Thiếu tá Trịnh Văn Thắng - Chính trị viên đồn biên phòng Si Pha Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên – người đã 4 lần làm cha nuôi của các em học sinh theo chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng” chia sẻ, tất cả các em học sinh được nhận nuôi tại đồn, hay tham gia chương trình “Nâng bước em đến trường” đều là con em của đồng bào dân tộc – những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chịu khó, ham học hỏi trong nước và nước bạn Lào.

“Tháng 10/2020 và đầu năm 2021, đồn biên phòng Si Pha Phìn đón hai con là Ly A Chùa (SN 2009) tại bản Long Dạo và Vàng A Ngọn (SN 2013) ở bản Nậm Chinh về nuôi tại đồn. Với kinh nghiệm đã có qua những năm trước, tôi tiếp tục được giao trực tiếp chăm sóc, dạy bảo các con” – Thiếu tá Trịnh Văn Thắng chia sẻ và cho biết thêm: “Cũng như con cái trong nhà, khi các con về với đồn biên phòng, với ngôi nhà thứ 2, hàng ngày chúng tôi cũng chuẩn bị từ các món dân tộc mà các con thích đến những bộ quần áo, cuốn sách…để các con được ăn ở, học tập trong điều kiện tốt nhất nhằm vơi đi nỗi nhớ nhà, yên tâm học tập”.
 Chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Tương hướng dẫn các em học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Vân Nhi
Cũng trực tiếp theo dõi và triển khai chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng” Trung tá Trần Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên đồn Biên phòng Mường Pồn chia sẻ, tất cả các em đều là đồng bào dân tộc, thiếu thốn tình cảm, ít tiếp xúc mới với người lạ nên không dễ để các em có thể gọi ngay một người xa lạ là bố, điều này cần phải có thời gian cùng ăn, cùng sống, cùng trò chuyện. Cũng theo Trung tá Trần Anh Tuấn, hàng ngày, cứ mỗi ngày học xong ở bản, các em lại được các chiến sĩ bộ đội đón về đồn.
Sau bữa ăn tối, các bố phân công nhau kèm các con học. Sau đó là những giấc ngủ ấm áp. Sáng sớm, 5 giờ 30 phút các con dậy tập thể dục cùng các bố, ăn sáng và đi học… những ngày đầu chưa quen với cuộc sống trong quân ngũ, một số em có ý định trốn về nhà. Song, những các chiến sĩ đã tìm mọi cách để bắt chuyện, nói cho các con hiểu yên tâm ở lại đồn.

Những “chú bộ đội đa năng”

Không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia và đồng hành cùng đồng bào dân tộc trong việc phát triển KT - XH, giúp những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục thực hiện hành trình “học lấy con chữ”…, những chiến sĩ quân hàm xanh cũng đang đồng hành tích cực với các nhà trường trong việc quản lý, nuôi dạy các em. Tất cả việc từ quản lý thời gian các em ở nội trú, vận động học sinh quay trở lại trường sau những ngày nghỉ Tết và hè, thậm chí là cắt tóc cho những em nhỏ… ở đâu cũng thấy bóng dáng của những chiến sĩ quân hàm xanh.

Có mặt tại trường phổ thông Dân tộc bán trú, THCS Chiềng Tương, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La – nơi 3 chiến sĩ của Đồn Biên phòng Chiềng Tương thực hiện chương trình “Tay kéo biên phòng” – chương trình cắt tóc miễn phí cho các em học sinh. Thượng úy Lìu Láo Lanh - Ban công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng Chiềng Tương, gắn bó với trường phổ thông Dân tộc bán trú, THCS Chiềng Tương trong 6 năm qua cho biết, mỗi tuần, Đồn sẽ bố trí 1, 2 buổi đến trường để tổ chức cắt tóc cho các em học sinh đang theo học bán trú.
“Mỗi buổi, có 2 đến 3 chiến sĩ tham gia cắt tóc cho các em nhưng hôm nào cũng vậy, làm cả buổi cũng chưa hết… Chúng tôi đành phải ưu tiên những em tóc dài, cần phải cắt trước. Mệt là vậy, nhưng ai cũng vui” - Thượng úy Lìu Láo Lanh chia sẻ.

Nhìn những đứa trẻ tươi cười xếp hàng chờ đến lượt cắt tóc, Thượng úy Lìu Láo Lanh tâm sự, nhìn các con vui vẻ thế thôi nhưng chẳng biết sau hè này các con có còn đi học nữa không? Hướng mắt nhìn về phía đỉnh Pha Luông xa xa Thượng úy Lanh chia sẻ, ở đây, cuộc sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn lắm. Trước đây, nhiều em sau mỗi đợt nghỉ Tết, nghỉ hè lại không đến trường để đi làm giúp gia đình, thậm chí là đi lấy chồng.
“Năm nào cũng vậy, sau mỗi đợt nghỉ kéo dài mà không thấy các em đến trường, chúng tôi lại phải cùng với các thầy, cô giáo đến tận nhà để tìm hiểu lý do, vận động bố, mẹ các em cho con tiếp tục đến trường” – Thượng úy Lìu Láo Lanh chia sẻ và cho biết thêm, cũng may mình là địa phương, an hiểu phong tục tập quán địa phương, biết tiếng đồng bào nên việc vận động cũng diễn ra khá thuận lợi.

Thầy giáo Lê Xuân Hiền, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Tương cho biết dù nhà cách trường có 2km, nhưng không mấy khi Thượng úy Lìu Láo Lanh được về. "Bám trường, hằng sáng, đều đi các phòng hướng dẫn các em gấp chăn màn, sắp xếp quần áo, sách vở. Tối đến, anh cùng các thầy cô kèm học sinh những bài khó…
Hiện nay, trường có 351 học sinh, trong đó gần như 100% là đồng bào dân tộc Mông. Trong những năm trước, tỷ lệ học sinh nghỉ học sau các ngày nghỉ lễ dao động khoảng 10%. Từ khi có sự hỗ trợ của Đồn biên phòng Chiềng Tương, đặc biệt là Thượng úy Lanh tỷ lệ trên đã giảm xuống còn 4 – 5% và trong thời gian tới chúng tôi phấn đấu duy trì sĩ số lớp đạt 97%” - thầy giáo Lê Xuân Hiền cho biết.

Kết thúc hơn một tuần gắn bó với đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới các tỉnh Điện Biên, Sơn La, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy đó là niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây với Đảng, với Chính phủ… Và để có được những kết quả đó không thể không kể đến những đóng góp thầm lặng của những chiến sĩ mang quân hàm xanh - những người đã chọn về mình, gia đình mình những khó khăn, “phần gian khổ” để đảm bảo an ninh trật tự vùng biên, giữ vững chủ quyền biên giới. Và quan trọng hơn, các anh đã giúp đồng bào dân tộc nơi vùng biên phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống, đưa vùng biên về gần hơn với đồng bằng.

"Những ngày đầu, học sinh trốn học giữa giờ đi chơi rất nhiều, thậm chí đi từ chỗ ăn ngủ sang chỗ học cũng “thất thoát” mất mấy em. Để thuyết phục các em không thể dùng mệnh lệnh hành chính mà phải dùng cái lý, cái tình của người Mông để thuyết phục." - Thượng úy Lìu Láo Lanh - Ban Công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng Chiềng Tương

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần