Những chiến sĩ hải quân đặc biệt
Có thể kể ra đây câu chuyện về ba "chiến sĩ" có tên Mika, Kakốp và Manlơ. Đây là những chú chó nghiệp vụ tinh khôn, đã lập nhiều chiến công trên đất liền, được điều động ra đây để cùng các chiến sĩ hải quân canh giữ biển đảo. Cũng vì thế mà chúng được mọi người gọi là các “binh khuyển”. Các huấn luyện viên cho biết, những chú chó nghiệp vụ này giờ thay đổi cả môi trường sống lẫn đặc thù địa bàn tác chiến.
Vì thế, để chúng có thể hoàn thành các bài luyện tập theo "giáo án", nhất là thích nghi dần khi có sự thay đổi lớn từ hoạt động trên bộ sang biển đảo. Hằng ngày, chúng phải rèn luyện nâng cao thể lực, tập phương án chống người nhái, biệt kích xâm nhập. Khẩu phần dinh dưỡng dành cho chúng theo tiêu chuẩn của những người lính đặc biệt, nhưng rất may, các binh khuyển này khá dễ tính, có thể ăn được thịt hộp, cá biển, cơm, rau... Các huấn luyện viên cho biết thêm, ban đầu Mika, Kakốp và Manlơ được huấn luyện để chịu được những cơn gió biển mạnh, làm quen với sóng lớn để có thể vừa bơi, vừa chiến đấu. Thật mừng là 3 chú binh khuyển này thích nghi rất nhanh. Trong những con sóng lớn, Mika, Kakốp, Manlơ vẫn bơi rất tốt. Còn huấn luyện trên bãi cát, tốc độ của Mika, Kakốp, Manlơ nhanh gấp 4 lần bước chạy rút của chiến sĩ. Đến giờ, Mika, Kakốp, Manlơ đều đã trở thành những “chiến sĩ hải quân” đặc biệt ở Trường Sa. Ngoài rèn luyện nâng cao thể lực, cả 3 còn thực hiện tốt các phương án diễn tập chống người nhái, biệt kích. Chẳng hạn, các phương án đánh chặn từ ngoài bờ kè và đánh bắt khi địch đã xâm nhập đều được từng binh khuyển hoàn thành xuất sắc.
Có lần ca sĩ này lên thăm đảo, giận dỗi khi biết tên mình được đặt cho chó, nhưng khi được bộ đội giải thích đặt tên như vậy là thể hiện sự quý mến, cô ca sĩ lại cảm thấy thích thú. Việc đặt tên các chú chó còn dựa vào đặc điểm hay “cá tính” của chúng… Như ở đảo Núi Le có chú chó mang tên Cô đơn vì một đàn 5 con từ đất liền ra đảo, chỉ duy nhất con màu lông chuột này sống sót. Trên đảo An Bang xa xôi, binh nhất Tô Tấn Huy vừa ra đảo làm nhiệm vụ, cho biết: “Con chó đầu đàn tên Rex, vì nó rất khôn nên lấy tên nó theo tên con chó Rex trong bộ phim “Chú chó thám tử Rex”. Nhanh nhẹn, oai phong, nên Rex được đảo phong cho chức “đảo trưởng” của đàn chó.
Hàng ngày, Rex thể hiện vai trò thủ lĩnh bằng việc dạy cho “đàn em” cách phát hiện vật lạ, xuống biển bắt cá giúp bộ đội. Thấy lính đảo ra đón khách, chó vẫy đuôi mừng, nhưng khi phát hiện có chiếc xuồng lạ từ xa tiến lại thì cả đàn chạy ra sát mép nước sủa inh ỏi, báo cho cán bộ, chiến sĩ biết khách lạ đang tới”.Mỗi khi bộ đội tuần đêm, đàn chó đi theo thành hàng. Chó rất tinh mắt, thính tai và có thể phát hiện vật lạ trong đêm tối. “Chó sống trên đảo thường rất khỏe, không dịch bệnh; đặc biệt là việc phát hiện người lạ thì không loài nào bằng.
Nhiều con khi phát hiện người lạ không lên tiếng, mà chạy xung quanh bộ đội, hay tiến lại cào vào chân như ra ám hiệu” - Trung úy Nguyễn Văn Phú, quê Thái Bình kể: Nhiều khi bộ đội đi tuần bằng ca nô trên biển, chó cũng đi cùng. Ban đầu nó bị say sóng, nhưng khi đã quen thì các chú chó đảo luôn đồng hành cùng đội tuần tra. “Với lính đảo Trường Sa, những chú chó là bạn. Chiều đến, anh em đi tắm biển, đàn chó cũng ùa ra tắm cùng. Nhiều khi có chuyện buồn hay nhớ nhà, em lại tìm những con chó để tâm sự” - Thượng úy Nguyễn Xuân Chiến - Trợ lý thông tin đảo tâm sự. Trung úy Vũ Mỹ, quê Nghệ An, đảo An Bang chỉ vào đàn chó đang quấn quít dưới chân: “Đây là đội vệ binh độc đáo, rất đáng yêu. Chúng có mặt ở khắp nơi, trong doanh trại, ngoài công sự, bên cầu cảng. Chúng tham gia vào tất cả các công việc của bộ đội, từ tuần tra, canh gác, bắt cá, trông coi đàn vịt và có cả đội hình đón khách quan trọng mỗi khi có khách từ đất liền ra. Chó cảnh giác với kẻ lạ trước những “điểm cấm”, “cấm quay phim chụp ảnh”… Xuân mới Mậu Tuất đã đến, vui xuân bên cạnh những người lính đảo đang ngày đêm bảo vệ biển trời quê hương cho đất liền được đón Tết, luôn là những “người lính bốn chân” đặc biệt này. Những người bạn tri kỷ đó không chỉ chia sẻ cùng người lính biển lúc vui buồn, mà còn giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nhất là vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Mong những người lính đảo và những người bạn thân của họ luôn vững niềm tin, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nơi đảo xa.