Những nguyên nhân gây bệnh tim mạch

PGS TS BS. Nguyễn Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các bệnh lý tim mạch thường diễn biến trong âm thầm và tai biến nguy hiểm. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh tim mạch là rất quan trọng. Đặc biệt, mỗi người nên biết các nguyên nhân gây bệnh để phòng tránh.

Bệnh tim mạch và các nguyên nhân
Bệnh tim mạch thường chia ra là 3 loại:

Bệnh tim bẩm sinh ở những em bé ngay khi sinh đã bị bệnh như thông liên thất, thông liên nhĩ, hẹp động mạch phổi, tứ chứng Fallot... Những bệnh nhân này thường có cha mẹ lớn tuổi khi sinh, trong quá trình mang thai người mẹ có thể bị nhiễm một số loại virus như Rubella, hay có sự đột biến về gen của thai nhi. Hàng năm tại Việt Nam có vào khoảng 10.000 bệnh nhi bị bệnh tim bẩm sinh.
 Điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Bệnh tim hậu thấp: Thường xảy ra ở những bệnh nhân có tiền sử viêm khớp dạng thấp hay nhiễm trùng mạn tính vùng hầu họng như viêm Amygda... Bệnh nhân thường bị vào tuổi vị thành niên 15 - 18 tuổi. Tổn thương thường gặp là hẹp hở van tim hai lá, ba lá, van động mạch chủ. Hiện nay do điều trị tốt tình trạng nhiễm trùng nên loại bệnh này đang giảm dần.

Bệnh cơ tim và mạch vành: Thường do xơ vữa động mạch và hay xảy ra ở những bệnh nhân trên 50 tuổi, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra ở những bệnh nhân trẻ tuổi hơn. Động mạch vành bị các mảng xơ vữa bám vào làm hẹp lòng mạch máu và làm giảm lưu lượng máu đến nuôi cơ tim làm cho cơ tim co bóp yếu hoặc toàn bộ tim bị suy yếu đưa đến tình trạng suy tim do thiếu máu cục bộ.
Một số triệu chứng thường gặp và cách điều trị

Các triệu chứng thường gặp là các biểu hiện của suy tim và tổn thương cơ tim như mệt khi hoạt động có trường hợp nặng hơn thì mệt ngay cả khi nằm nghỉ, tiếp đến là khó thở do phù phổi, đau tức ngực và có thể sưng chân, gan sưng to gây đau hạ sườn phải.

Việc điều trị bệnh tim mạch khá phức tạp, không thể tự bệnh nhân điều trị được mà phải đến khám ở bác sỹ chuyên khoa tim mạch và có thể phải nhập viện để can thiệp ngoại khoa, đặt Stent hay làm các thủ thuật khác.

Chế độ ăn uống, tập luyện

Chế độ ăn uống và tập luyện của bệnh nhân bị bệnh tim mạch rất quan trọng. Tốt nhất là nên theo lời khuyên của bác sĩ dinh dưỡng và tim mạch. Điều đầu tiên là không được ăn quá mặn, nhiều muối, các loại thức ăn có nhiều mỡ động vật như lòng, nội tạng động vật, da động vật... Nên nhiều rau, không nên ăn quá no nhất là vào buổi tối, nên chia làm nhiều bữa ăn cho phù hợp với sức khỏe và công việc của mình, không hút thuốc lá, nhưng có thể uống một ly rượu vang đỏ mỗi ngày vì vang đỏ có chất giúp làm giảm cholesterol không tốt trong cơ thể.

Việc luyện tập nên vừa sức, tránh cố gắng quá, khi mệt là nghỉ và theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa

tim mạch.

Phòng ngừa bệnh tim mạch

Thật ra không có bí quyết nào phòng ngừa một cách tuyệt đối bệnh tim mạch, nhưng theo tôi, một thầy thuốc chuyên khoa về loại bệnh này, tốt nhất là phải tuân theo các quy luật của tạo hóa như nên chỉ sinh đẻ trong lứa tuổi còn trẻ, luôn quan tâm đến sức khỏe tim mạch của mình, tìm những lời khuyên phù hợp từ các bác sĩ chuyên khoa. Cuối cùng, khi bị bệnh thì nên cố gắng điều trị một cách hữu hiệu nhất, đừng bao giờ chủ quan với bệnh tim mạch.

Ngoài ra, tốt nhất là nên đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 2 lần khi bạn đã trên 50 tuổi nhất là khám kiểm tra hệ thống tim mạch. Khi có các triệu chứng mệt, đau thắt ngực bên trái, chóng mặt hay ngất phải đến bệnh viện để có chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Không tự động điều trị khi không có hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa tim mạch. Với bệnh cao huyết áp là một bệnh mạn tính nên phải dùng thuốc cả đời, không ngừng đột ngột. Không tự ý thay thuốc huyết áp không có sự đồng ý của bác sĩ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần