Những nguyên nhân đẩy CPI tháng 8/2018 tăng nhẹ

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/8, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2018. Theo đó, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, đẩy CPI tăng nhẹ 0,45%.

 Giá thực phẩm tăng góp phần đẩy CPI tháng 8/2018 tăng nhẹ
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất 0,87%, chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng 1,12%. nhóm lương thực tăng nhẹ 0,1%. Nhóm giáo dục tăng 0,46% do trong tháng có 14 địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.
Nhóm nhà ở vật liệu và xây dựng tăng 0,44% (giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,42%; giá gas tăng 2,8% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá gas vào thời điểm 1/8/2018). Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19%; nhóm giao thông tăng 0,13%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%.
2 nhóm may mặc, mũ nón, giày dép và thiết bị, đồ dùng gia đình cùng tăng 0,1%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,13%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 8/2018 tăng 2,59% so với tháng 12/2017 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, lạm phát cơ bản tháng 8/2018 tăng 0,22% so với tháng trước và tăng 1,54% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 1,38% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó, chỉ số giá vàng tháng 8/2018 giảm 1,41% so với tháng trước; giảm 0,93% so với tháng 12/2017 và tăng 0,33% so với cùng kỳ năm trước. Giá đô la Mỹ biến động khá mạnh trên thị trường thế giới nhưng với sự điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên tỷ giá VND/USD vẫn dao động trong biên độ 3%, phù hợp với tình hình thị trường trong nước và quốc tế. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2018 tăng 1,12% so với tháng trước; tăng 2,43% so với tháng 12/2017 và tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2017.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần