Những nỗi đau có tên tai nạn giao thông

Phạm Mai Phương - Giáo viên Trường Tiểu học Thanh Trì
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi nhận được thông tin về cuộc thi “Viết về an toàn giao thông" - 2016, tôi ngay lập tức muốn được trải lòng mình, bởi, đơn giản hơn ai hết tôi thấm thía nỗi đau, sự ám ảnh khôn nguôi của những mảnh đời dang dở khi chịu thương tật vĩnh viễn từ cơn ác mộng tai nạn giao thông (TNGT).

Tuổi trẻ ai cũng ôm ấp cho mình những ước mơ, dự định. Tuy nhiên, đôi khi niềm hy vọng đó tan vỡ một cách bất ngờ…

10 giờ đêm của hơn 3 năm về trước, tôi nhận được cuộc điện thoại của một người bạn trong nhóm: “Hiền bị TNGT, Phương nhanh qua với Hiền đi, tớ đang bận con nhỏ chưa qua được”. Đó là bước ngoặt bi kịch trong cuộc đời người bạn thân của tôi – cô giáo trẻ Dương Thị Hiền. Ngày hôm đó rất đẹp, Hiền vừa lái xe vừa lẩm bẩm hát rồi bỗng nhiên bị một chiếc xe máy đi ngược chiều với tốc độ cao tông vào, văng ra xa, đầu đập mạnh xuống đường bất tỉnh.

Một vụ tai nạn giao thông trên đường Võ Văn Kiệt, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Mọi thứ diễn ra nhanh đến mức Hiền chẳng kịp thấy đau đớn hay nhức nhối gì cả. Tỉnh dậy trong bệnh viện, câu đầu tiên Hiền hỏi mọi người là “Mẹ ơi, mất điện sao?”. Trong những đôi mắt ầng ậc nước, không ai đủ can đảm để nói ra và đối diện với sự thật: Bạn tôi đã mù vì vụ tai nạn.

Nhưng, khoảnh khắc ấy vẫn không kinh khủng bằng lúc chúng tôi dìu Hiền trở về nhà sau khi được bác sỹ thông báo khó chữa khỏi đôi mắt. Nhìn Hiền mò mẫm bước ra đường trong trạng thái vô định, ai ai cũng đau thắt lòng. Hậu quả TNGT để lại xé tâm can của cô giáo trẻ chưa chồng, mang trong mình cả một trời ước mơ, hoài bão. Đến mức Hiền đã từng có ý định tự tử để giải thoát cho bản thân và gia đình. Bạn tôi tâm sự trong nghẹn ngào: “Mình không chịu được áp lực khi trở thành gánh nặng của cha mẹ, càng khó làm quen với bóng tối và cảm nhận mọi thứ bằng tất cả các giác quan trong khi từng có 29 năm sáng mắt”. Thế nhưng, chính tiếng khóc của mẹ đã thức tỉnh, nhắc nhở Hiền phải mạnh mẽ, không chỉ tiếp tục sống mà còn phải sống tốt. Thay vì chạy vạy khắp nơi để chữa mắt, Hiền quyết định tập trung vào việc làm quen với cuộc sống của một người mù và học tập để nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo dạy trẻ khuyết tật.

Nhưng – có được bao nhiêu mạnh mẽ như bạn tôi? Hay đại đa số khi ở hoàn cảnh đó đều bị khuất phục bởi hoàn cảnh nghiệt ngã? Chưa ai thống kê đầy đủ được. Chỉ biết, cơn ác mộng TNGT vẫn đang “đều đặn” khiến hàng nghìn người chết, hàng trăm người phải mang di chứng tật nguyền suốt đời đã không còn hy hữu. Những tiếng gào thét của người mẹ mất con, những cơn vật vã của người chồng mất vợ hay những giọt nước mắt vẫn phải lén “giấu vào trong” khi con cái lỡ dở cả cuộc đời trong “chớp mắt” chỉ sau một cú đâm... Nếu vào ngày 18/11 (ngày tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông), tất cả người thân của những nạn nhân tử vong vì TNGT đều chít khăn tang thì có lẽ, khung cảnh sẽ thực sự kinh hoàng. Cá nhân tôi, mỗi khi tham gia giao thông trên đường, nghe tiếng loa cổ động, nhìn mọi người phóng nhanh tôi lại rùng mình nghĩ đến Hiền.

Trước những con số thống kê kinh hoàng, những hình ảnh tang thương không dám nhìn. Vì sao TNGT lại trở thành thảm họa đau lòng đến vậy? Ai có thể đẩy lùi thảm họa TNGT? Câu trả lời: Chính mỗi người trong cộng đồng sẽ làm được việc này. Bởi, các cấp chính quyền, đoàn thể có thể đẩy mạnh tuyên truyền hoặc ra quân kiểm tra phương tiện, tăng mức xử phạt… cũng không có nhiều tác dụng, nếu mỗi người không tự ý thức được mối nguy hiểm từ TNGT luôn chực chờ. Do đó, hãy vì bản thân và gia đình mình, khi tham gia giao thông, mọi người nên “chậm tay ga” để an toàn mọi lúc, hạnh phúc mọi nơi. Ba trụ cột: gia đình, nhà trường và toàn xã hội tất cả đều chung tay hưởng ứng Năm an toàn giao thông một cách tích cực nhất. Giao thông nói chung và giao thông đường bộ nói riêng đã cướp đi sự bình yên của biết bao gia đình, nỗi đau đó, mất mát đó chỉ diễn ra trong giây lát. Chúng ta cần phải sống để làm việc và cống hiến, xã hội kỳ vọng và mong đợi rất nhiều vào những thành quả mà thế hệ trẻ chúng ta đang làm. Hãy nhìn vào nỗi đau của người ở lại để rút kinh nghiệm cho mình, hãy đừng để nhanh một giây mà chậm cả đời. Cuộc đời này sống có nghĩa sẽ rất đẹp, vì thế hãy biết trân trọng nó, hãy biết yêu mình và yêu người. Có lẽ đại đa số đều suy nghĩ giống như tôi và trong lúc này đây tôi đang lắng nghe về một bài hát đầy ý nghĩa với cảm xúc: "Tôi yêu Việt Nam".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần