Những nội dung quan trọng tại tuần làm việc cuối Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bước vào tuần làm việc thứ 4 (10 - 14/6) Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội khóa XIV sẽ thông qua 7 Luật, một số nghị quyết quan trọng.

 Toàn cảnh Kỳ họp
Đây là tuần làm việc cuối cùng, theo dự kiến, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sẽ bế mạc vào thứ Sáu, ngày 14/6/2019.
Cụ thể, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 21/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân; Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề ''Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018''; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết chung của kỳ họp.
7 Luật sẽ được thông qua gồm: Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Cũng trong tuần làm việc cuối, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Thư viện; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Trước đó trong tuần làm việc thứ 3, Quốc hội đã hoàn thành nội dung quan trọng nhất là phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Cùng tham dự chất vấn và trả lời chất vấn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí và một số Bộ trưởng, thành viên Chính phủ có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, kết quả phiên chất vấn tại Kỳ họp này đã cho thấy, các nội dung chất vấn đúng và trúng những vấn đề mà Nhân dân, cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội quan tâm, bao quát các lĩnh vực của đời sống kính tế - xã hội. Đã có 230 lượt đại biểu chất vấn và tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn và xây dựng.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, các thành viên Chính phủ đã trả lời trực tiếp vào vấn đề được hỏi, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; đồng thời nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực và cam kết khắc phục tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần