Những nữ bác sĩ gây mê hồi sức “đánh đu” trong phòng mổ

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đằng sau tấm vải xanh, những thao tác của bác sĩ phẫu thuật, cả ê-kíp gây mê vẫn miệt mài làm việc, ứng phó với những trường hợp xấu có thể xảy ra...

Làm nghề trong thầm lặng, những nữ bác sĩ, điều dưỡng gây mê, hồi sức (GMHS) luôn phải căng mình trong mỗi ca mổ. Họ là những người đóng vai trò quyết định trong thành công của ca mổ.
Khi bước vào khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108), chúng ta cảm giác như đang ở một thế giới khác, thế giới của sự mong manh giữa sự sống và cái chết chực chờ. Những khuôn mặt đầy lo âu của người nhà bệnh nhân đang đứng chờ thắc thỏm ám ảnh bất cứ ai nhìn thấy. Họ ở đây chỉ với vài giờ, vài ngày hoặc cũng có thể là vài tuần, thậm chí vài tháng. Có người ngả lưng vào chiếc ghế đá bên cạnh tranh thủ chợp mắt, có người bưng mặt khóc khi mới nghe bác sĩ giải thích về khả năng tiên lượng xấu về sức khỏe của người thân mình. Sau mỗi ca phẫu thuật ấy, các kỹ thuật viên gây mê liên tục túc trực bên bệnh nhân để theo dõi và hồi sức. Nhờ đó, bệnh nhân đã thoát khỏi “lưỡi hái” của tử thần.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2017 cho tập thể cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ cơ sở Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện TW Quân đội 108.
Tâm sự với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Minh Lý, Chủ nhiệm Khoa GMHS, Bệnh viện 108 bảo, nghề này, nếu không yêu thì chẳng thể làm được. Chẳng kể đàn ông hay phụ nữ, đã chọn nghề là chọn sự căng thẳng, áp lực. Bắt buộc thái độ làm việc của mỗi y bác sĩ phải luôn hết sức khẩn trương, nghiêm túc, cẩn trọng, tỉ mỉ và chuyên nghiệp. Là phụ nữ nhưng các chị em trong khoa GMHS đều tham gia tất cả các khâu trong công tác GMHS, cấp cứu và phục vụ phẫu thuật. Từ đảm bảo GMHS cho các ca mổ đơn thuần cho đến các kỹ thuật đặc biệt như mổ tim kết hợp chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi lồng ngực, mổ phổi, trung thất, gây mê, hồi sức cho phẫu thuật sọ não, cột sống, chấn thương, bụng, sản, nhi, tạo hình, mổ nội soi, vi phẫu, trồng nối chi thể đứt rời, mổ ghép tạng… đều có sự đóng góp tích cực của đội ngũ nữ y, bác sĩ, điều dưỡng. Người ta thường bảo, đây là một công việc thầm lặng, đi trước về sau, quả không sai. Thông thường, trong mỗi cuộc phẫu thuật, ê-kíp gây mê là những người đến phòng mổ sớm nhất để làm các công tác chuẩn bị sẵn sàng cho ca mổ: Đánh giá tình trạng bệnh nhân, chuẩn bị phòng mổ, tiến hành các bước tiền mê, khởi mê cho bệnh nhân... sau đó mới đến phiên của bác sĩ phẫu thuật viên.
Sau ca mổ, ê-kíp phẫu thuật có thể tháo găng, cởi đồ nhưng ê-kíp GMHS vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình, giúp bệnh nhân thoát mê và có thể từ từ thở tự nhiên không phụ thuộc vào máy thở. “Có những ca mổ kéo dài nhiều tiếng đồng hồ hoặc thậm chí từ sáng đến tối, “chị em chúng tôi cũng phải thay phiên nhau “đánh đu” trong phòng mổ từ sáng đến tối, cơm trưa nhiều lúc không kịp ăn, giờ đón con cũng lỗi hẹn...”, chị Lý chia sẻ.
Không chỉ vậy, họ còn là những phụ nữ có nhiều sáng kiến đáng nể. Hơn 60 năm thành lập, các chị tham gia ở tất cả các khâu GMHS, cấp cứu, phục vụ phẫu thuật, với 6 sáng kiến được ứng dụng như xây dựng quy trình chuẩn rửa tay thường quy, rửa tay vô trùng cải tiến, trải săng 3 lớp vô trùng được áp dụng cho 75% bệnh nhân; giảm chi phí dùng kháng sinh từ 4-5 tỷ đồng/năm. Các chị chủ trì 8 đề tài các cấp và là tác giả/đồng tác giả của 50 công trình nghiên cứu khoa học.
Nhưng theo Đại tá Nguyễn Minh Lý, một trong những sáng kiến ấn tượng, với cách làm mới và hay nhằm chống nhiễm khuẩn vết mổ đủ điều kiện dùng kháng sinh dự phòng là xây dựng quy trình chuẩn rửa tay thường quy, rửa tay vô trùng cải tiến, trải săng 3 lớp vô trùng, quy trình vệ sinh giữa hai ca mổ, đánh xà phòng vùng mổ bằng dung dịch xà phòng khử khuẩn, khử khuẩn không khí phòng mổ bằng máy phun sương, quy trình thông tiểu hai găng vô trùng, đóng gói dụng cụ kỹ thuật chia theo theo khẩu phần, làm đá vô trùng với túi nhựa tự tạo, tự thiết kế và may túi vải bọc dây camera dùng trong mổ nội soi, phân loại vết mổ và tiêm kháng sinh dự phòng đúng thời điểm. Nhờ đó, số  bệnh nhân được  sử dụng kháng sinh dự phòng đạt tỷ lệ > 75%,  tức là các bệnh nhân mổ sạch thì chỉ cần tiêm một mũi kháng sinh trước mổ thay vì phải tiêm kháng sinh dài ngày như trước đây trong suốt quá trình nằm viện.
Chủ tịch Hội Phụ nữ Khoa GMHS Đinh Thị Thu Trang chia sẻ, trong những năm qua, chị em phụ nữ đã cùng tập thể GMHS tích cực tham gia và đảm bảo an toàn cho nhiều chương trình phẫu thuật từ thiện. Liên tục từ năm 2011 cho đến nay, các chị đã tham gia cùng đoàn phẫu thuật khớp nhân đạo Operation Walk của Mỹ mổ thay khớp gối và khớp háng cho bệnh nhân; phẫu thuật nhân đạo tạo hình sọ mặt và  hàm mặt cho trẻ em sứt môi hở vòm miệng mang lại nụ cười và hạnh phúc tuổi thơ cho các em là chương trình từ thiện mang đầy tính nhân văn. Từ năm 1996 đến nay mỗi năm trung bình 2 đợt tập thể khoa cùng chị em tham gia tích cực với Hội phẫu thuật nụ cười Việt nam và quốc tế (Operation Smile) gồm các nước Hàn Quốc, Mỹ, Úc, phẫu thuật nhân đạo cho trẻ dị tật vùng hàm mặt, sọ mặt trung bình  100 - 200 trẻ mỗi đợt cho hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
Với những đóng góp lớn lao ấy, tập thể nữ cán bộ, hội viên phụ nữ khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện 108 vinh dự được tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2017 để ghi nhận sự cống hiến tài năng, sức sáng tạo của họ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần