Những quốc gia bị bỏ lại trong cuộc chiến chống Covid-19

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết gần chục quốc gia - chủ yếu là ở châu Phi vẫn đang chờ đợi để được tiếp cận vaccine ngừa Covid-19. Những nước xếp hàng cuối cùng trên bản đồ thế giới là Chad, Burkina Faso, Burundi, Eritrea và Tanzania.

WHO hôm 6/5 cảnh báo, sự chậm trễ và thiếu hụt nguồn cung vaccine đang khiến các quốc gia châu Phi bị bỏ lại phía sau thế giới trong việc triển khai tiêm chủng ngừa Covid-19. Châu lục này hiện chỉ chiếm 1% số vaccine được cung cấp trên toàn thế giới. Dù ở những nơi thiếu hụt vaccine này cũng có khả năng xuất hiện các biến thể mới và liên quan.

Trong khi số ca Covid19 tại những nước này vẫn tương đối thấp so với các điểm nóng trên thế giới, các quan chức y tế vẫn nghi ngờ tính xác thực của các số liệu này. Các quốc gia châu Phi chưa tiếp cận được vaccine là những nơi thiếu cơ sở vật tư nhất để theo dõi tình hình diễn biến dịch do hệ thống chăm sóc sức khỏe còn thô sơ. Chad đã xác nhận chỉ có 170 trường hợp tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhưng những nỗ lực ngăn chặn bệnh dịch còn lỏng lẻo. Các chuyến bay thường xuyên từ Paris và các nơi khác đã nối lại, dấy lên lo ngại con số 4.835 trường hợp nước này ghi nhận sẽ còn tăng lên.

COVAX, chương trình do Liên Hợp quốc triển khai để phân phối vaccine Covid-19 trên toàn cầu, nhằm giúp các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình được tiếp cận. Tuy nhiên, một số quốc gia, bao gồm cả Chad, đã bày tỏ lo ngại về việc nhận vaccine AstraZeneca thông qua COVAX vì lo ngại rằng loại này chưa có hiệu quả với một biến thể lần đầu tiên được thấy ở Nam Phi. Chad dự kiến ​​sẽ nhận được một số liều Pfizer vào tháng tới nếu có thể đáp ứng điều kiện bảo quản lạnh cần thiết - điều khó khăn ở một quốc gia có nhiệt độ tăng mỗi ngày lên đến 43,5oC.

Ở Haiti, quốc gia nghèo nhất Tây bán cầu, hơn 11 triệu dân chưa nhận được liều vaccine nào. Nước này dự kiến ​​sẽ nhập 756.000 liều vaccine AstraZeneca thông qua COVAX, nhưng chính phủ lo ngại thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết để bảo quản số vaccine và e ngại nguy cơ phải vứt bỏ chúng. Các quan chức Haiti cũng bày tỏ lo ngại về các tác dụng phụ tiềm ẩn và bày tỏ mong muốn vaccine một liều hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần