Những quy định mới của Bộ luật Dân sự

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự (BLDS)” tổ chức ngày 22/12, tại báo Kinh tế & Đô thị, các luật sư, luật gia đã tư vấn trực tuyến với độc giả về lĩnh vực pháp luật dân sự.

Trong đó, nhiều câu hỏi của bạn đọc xoay quanh các điểm mới của BLDS năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.
 Quang cảnh buổi giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự”. Ảnh: Trần Long
Trả lời bạn đọc xung quanh quan điểm chỉ đạo xây dựng BLDS năm 2015, luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội cho biết, xây dựng BLDS năm 2015 thành bộ luật nền, luật khung có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm; có tính khái quát, tính dự báo và tính khả thi để bảo đảm tính ổn định của Bộ luật. Các luật chuyên ngành phải quy định chi tiết, cụ thể phù hợp với luật chung. Trên cơ sở đó, Bộ luật không quy định các nguyên tắc cơ bản của BLDS thành một chương như BLDS năm 2005 mà quy định thành một điều “Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự”. Trong đó, ghi nhận 5 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, bao gồm: Nguyên tắc bình đẳng; Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; Nguyên tắc thiện chí, trung thực; Nguyên tắc tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và Nguyên tắc tự chịu trách nhiệm dân sự (BLDS năm 2005 có 11 nguyên tắc).
Tại buổi tọa đàm, phần lớn các câu hỏi của bạn đọc thắc mắc liên quan đến việc thừa kế, lập di chúc. Bạn đọc Vi Lập (Hà Nội) băn khoăn: “Tôi muốn viết di chúc cho các con nhưng chồng không viết có được không”.
Luật gia Phạm Thu Hương trả lời: BLDS năm 2015 không còn quy định về di chúc chung của vợ chồng. Theo quy định tại Điều 624 của BLDS, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Như vậy, vợ hoặc chồng có thể tự viết di chúc để định đoạt tài sản cho các con. Tuy nhiên, tài sản của hai vợ chồng là tài sản chung, thuộc sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Nếu hai vợ chồng thống nhất phân chia tài sản, người vợ viết di chúc trên cơ sở phần tài sản được phân chia cho mình. Nếu không phân chia tài sản, người vợ chỉ có thể viết di chúc định đoạt tài sản thừa kế cho các con phần mà bà sẽ được hưởng trong khối tài sản chung này.
Trong khi đó, bạn đọc Vũ Hồng (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn về quyền được chuyển đổi giới tính khi BLDS năm 2015 cho phép. Nếu chuyển đổi giới tính ở nước ngoài, về Việt Nam có được công nhận hay không? Theo luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, lần đầu tiên pháp luật Việt Nam công nhận về vấn đề này, tạo ra một bước tiến mới trong công tác xây dựng pháp luật cũng như giải quyết nhu cầu của một bộ phận trong xã hội. Tuy nhiên, đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể trong trường hợp này và cũng chưa chỉ định những cơ quan y tế có thẩm quyền thực hiện việc chuyển đổi giới tính. Tại Điều 37 của BLDS quy định, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của BLDS và luật khác có liên quan.
Ngoài ra, các luật gia, luật sư cũng tư vấn trực tuyến những thắc mắc của bạn đọc xung quanh thủ tục thay đổi tên cho con; diện tích đất trong sổ đỏ không đúng với thực tế khi thẩm định, giải quyết thế nào; nhà hàng xóm liền kề yêu cầu phải bịt cửa sổ nhà đang xây có đúng không; trường hợp chồng bị bệnh tâm thần, liệu hợp đồng mua bán nhà người vợ ký có giá trị pháp lý hay không…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần